Tác dụng chữa bệnh của rau răm
Dưới đây là những tác dụng chữa bệnh của rau răm rất ít người biết.
Rau răm là loại rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Ngoài là rau gia vị, rau răm còn rất tốt cho sức khoẻ. Dưới đây là những tác dụng chữa bệnh của rau răm mà bạn nên biết.
Tác dụng của rau răm
Theo bài viết của BS Nguyễn Thùy Trang, Trung tâm Y học cổ truyền Vinmec Sao Phương Đông trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec, các nhà dinh dưỡng cho rằng, sử dụng rau răm hợp lý trong các món ăn còn giúp chúng ta cải thiện trí nhớ, gân cốt chắc khỏe, hỗ trợ tốt cho thị lực cho mắt sáng hơn; lợi tiểu, làm sạch gan khỏi các chất độc hại.
Theo phân tích của khoa học hiện đại ngày nay, rau răm chứa flavonoid - một chất chống oxy hóa rất tốt, giúp ngăn chặn tình trạng lão hóa và ngăn tế bào ung thư phát triển. Do đó, nhiều người cũng hái thân và lá dùng làm thuốc với cách sử dụng đơn giản là dùng tươi.
Theo Y học cổ truyền, rau răm vị cay, tính ấm nên tác dụng ôn tỳ vị, tiêu thực, cầm tả lỵ, khử hàn, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu độc... Do đó, rau răm thường được sử dụng trị bụng đầy chậm tiêu, đầy hơi, tiêu lỏng, bí tiểu, phong thấp nhức mỏi, chàm lở, rắn cắn.
Các bài thuốc chữa bệnh từ rau răm
Bài viết của Lương y Trịnh Văn Sỹ trên Báo Sức khoẻ & Đời sống chỉ ra những bài thuốc chữa bệnh từ rau răm như sau:
Rau răm được dùng cả lá, cả cây, được dùng riêng hoặc phối hợp cùng những vị khác thành bài. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô, giã sống vắt lấy nước uống, bã đắp. Dùng khô sắc uống. Rau răm không độc. Rau răm được sử dụng trong dân gian để trị các bệnh sau:
Bụng đầy trướng tiêu hóa trì trệ: một nắm rau răm rửa sạch giã nhỏ lấy nước uống. Bã đem xoa bụng (xoa tập trung vào vùng rốn).
Cảm cúm hắt hơi sổ mũi: rau răm một nắm, gừng sống 3 lát. Hai thứ giã nhỏ vắt lấy nước uống. Hoặc rau răm 20g, tía tô 20g, kinh giới 16g, xương bồ 16g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, kiện 10g. Sắc uống.
Chữa rắn cắn: rau răm một nắm giã nhỏ vắt lấy nước cho bệnh nhân uống. Bã đắp vào nơi vết cắn băng lại (cần làm sớm thì có kết quả tốt) và đưa ngay đến cơ sở y tế.
Đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh: rau răm (khô) 16g, bạch truật 12g, kinh giới 16g, lương khương 12g, quế 10g, gừng nướng 4g. Đổ nước 2 bát, sắc còn 1 bát. Chia 2 lần uống trong ngày.
Nước ăn chân: rau răm giã nhỏ đắp vào nơi bị tổn thương. Hoặc giã nhỏ lấy nước cốt chấm vào nơi bị đau. Ngày 2 lần (giữ cho vết thương được khô ráo để chống bội nhiễm).
Mụn nhọt đang ở giai đoạn sưng nóng: rau răm một nắm, muối vài hạt. Hai thứ giã nhỏ, đắp vào nhọt băng lại. Ngày thay thuốc 1 lần. Phương này dùng cho tất cả các trường hợp mụn nhọt, áp-xe đang ở giai đoạn đầu. Tác dụng chống viêm, hoạt huyết, tiêu độc.
Lưu ý: Các chuyên gia khuyên rằng, rau răm mang lại nhiều tác dụng rất thiết thực trong đời sống hàng ngày. Vì thế mỗi gia đình nên trồng một đám nhỏ trong vườn nơi gần nước. Khi cần có ngay để sử dụng.
Tuy nhiên, các thầy thuốc cũng khuyên mặc dù lành tính, nhiều công dụng nhưng vì có tính cay tán nên ăn nhiều rau răm sẽ gây ảnh hưởng xấu tới khí huyết và làm giảm tinh khí. Ăn nhiều rau răm khiến cả nam giới và nữ giới giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng tới sinh sản.
Phụ nữ ăn nhiều rau răm cũng dễ bị rong kinh, kinh nguyệt không đều nên không tính được ngày rụng trứng, xác suất thụ thai thấp. Khi mang thai, đặc biệt ở 3 tháng đầu có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Do vậy, chị em tuyệt đối không nên rau răm trong thời kỳ kinh nguyệt, hạn chế khi mang thai. Ngoài ra, người đang ốm, người gầy và xanh xao không nên sử dụng rau răm.
Bạn đang xem: Tác dụng chữa bệnh của rau răm
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Tác dụng chữa bệnh của loại rau dại thường được người dân dùng làm bánh
- Tác dụng của rau ngổ không phải ai cũng biết
- Kiên trì xoa bụng mỗi ngày có tác dụng gì?
- Loại rau Lan Khuê thích ăn có tác dụng đẹp da, cải thiện sức khỏe, lại rất quen thuộc
- Đây là thức uống có thể 'bắt chước' tác dụng của insulin, giúp kiểm soát đường huyết cực tốt
- Đậu đỏ bổ dưỡng nhưng cần lưu ý tác dụng phụ khi ăn