Sự thật về việc mắc 'bệnh xã hội' vì dùng chung khăn tắm khách sạn
Nhiều người khi nghe thông báo kết quả chẩn đoán mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục liền cho rằng do đi khách sạn, dùng chung khăn tắm nhưng theo bác sĩ điều này rất hiếm khi xảy ra, hầu như không có.
Bên lề Hội nghị Da liễu toàn quốc năm 2023, Tiến sĩ Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay tại cơ sở y tế này, số lượng bệnh nhân nam tới khám các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục gấp đôi so với nữ. Độ tuổi trung bình là 29.
Đối tượng hay gặp nhất là những người làm nghề công nhân và dịch vụ. Tỷ lệ người bệnh là học sinh thuộc lứa tuổi 12-18 là 4,2% và nhóm sinh viên từ 18-22 tuổi là 22,6%.
"Các bệnh nhân này chủ yếu đến viện vì các biểu hiện như là tiết dịch niệu đạo, âm đạo; xuất hiện nốt sùi hay vết trợt vùng sinh dục. Một số là đi khám sức khỏe hoặc hiến máu làm xét nghiệm nhanh sàng lọc thì phát hiện ra bệnh. Các bệnh lý hay gặp nhất là sùi mào gà, lậu và giang mai", bác sĩ Phương nói với VietNamNet.
Mới nhất, bác sĩ Phương tiếp nhận nữ bệnh nhân là học sinh 15 tuổi ở Hà Nội được mẹ đưa đến. Nữ sinh cho biết em đã có thời gian dài quan hệ tình dục với bạn trai cùng trường. Mấy tháng trước, em phát hiện vùng kín có dấu hiệu bất thường nhưng không đi khám, mãi tới khi ra nhiều khí hư, dịch, sờ thấy các sẩn, mới đi viện.
Khám lâm sàng, bác sĩ Phương phát hiện bệnh nhân có nhiều tổn thương sùi mào gà, tư vấn điều trị laser đốt sùi mào gà và khám lại thường xuyên. Ngoài việc tình dục an toàn, thầy thuốc khuyến khích bạn trai của nữ sinh đến khám.
Theo bác sĩ Phương, tại Mỹ, cơ quan CDC thống kê năm 2021 có khoảng 10 triệu ca mắc mới bệnh lây truyền qua đường tình dục thuộc lứa tuổi 15-24.
Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khi ở độ tuổi thanh thiếu niên khiến nhóm đối tượng này dễ mặc cảm. Bởi nếu không may như bị lộ thông tin có thể gây ra sự kì thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý vốn chưa vững vàng của bệnh nhân.
"Hơn nữa, những người bệnh này thường thiếu kiến thức, dẫn tới khám phát hiện và điều trị muộn, trở thành nguồn lây cho cộng đồng", bác sĩ Phương nhấn mạnh. Với bản thân người bệnh, khi mắc các bệnh xã hội kéo dài nhưng không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ vô sinh và các di chứng của bệnh.
Trẻ nhỏ cũng là đối tượng có thể mắc các bệnh lý xã hội, tuy nhiên không phổ biến. Theo bác sĩ Phương, bệnh viện vẫn gặp những trường hợp các bà mẹ mang thai không được sàng lọc những bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan B, giang mai, lậu… dẫn tới trẻ sinh ra bị nhiễm bệnh.
Tổn thương do bệnh giang mai trên bé trai 3 tháng tuổi, phát
hiện tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: BVCC
"Có những trẻ chỉ 1-3 tuổi đã mắc sùi mào gà qua sinh hoạt chung hàng ngày. Hầu như các trường hợp này là do người chăm sóc trẻ như bố mẹ, người giúp việc, không phát hiện ra bệnh của bản thân, để trẻ tiếp xúc trực tiếp tổn thương, hay khi vừa vệ sinh cho mình rồi lại vệ sinh cho trẻ", bác sĩ Phương nói. Trẻ cũng có thể bị lây qua dụng cụ thiết bị y tế không được sát khuẩn.
Vị chuyên gia cũng cho hay, nhiều bệnh nhân đến khám, khi nghe kết quả chẩn đoán mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục liền cho rằng do đi khách sạn, dùng chung khăn tắm, bồn tắm, nhưng điều này không đúng, rất hiếm xảy ra. Virus, vi khuẩn gây bệnh có thể sống ngoài môi trường trong thời gian rất ngắn, chủ yếu là ký sinh ở cơ thể con người.
Tại Hội nghị Da liễu toàn quốc thường niên 2023 kết hợp Hội nghị Nghiên cứu Da liễu Việt Nam lần thứ 1 do Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức tại Lâm Đồng từ 23-25/11, bệnh lây truyền qua đường tình dục là một trong 14 chuyên đề khoa học được tổ chức báo cáo thành phiên.
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Ảnh: Võ Thu
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện, cho biết hội nghị thu hút 100 báo cáo chuyên môn trải rộng với nhiều chuyên đề chuyên sâu như mày đay, bạch biến, rụng tóc, vảy nến, trứng cá, các bệnh lý tự miễn, rối loạn miễn dịch, ung thư da, bệnh phong. Trong đó, có 15 báo cáo báo quốc tế của các chuyên gia da liễu uy tín đến từ Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Ý, Singapore, Malaysia và Ấn Độ.
Bạn đang xem: Sự thật về việc mắc 'bệnh xã hội' vì dùng chung khăn tắm khách sạn
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe