Sự thật cảm động, thấm đẫm nước mắt về ca khúc 'Tàu anh qua núi'
Đã rất nhiều ca sĩ thể hiện Tàu anh qua núi, trong đó có những tiếng hát kỹ thuật đầy mình nhưng không ai qua được NSND Thanh Hoa.
Ca khúc kinh điển của nền nhạc cách mạngTàu anh qua núi là một ca khúc kinh điển của nền nhạc cách mạng Việt Nam và có sức sống vô cùng lâu bền.
Từ khi ra đời vào năm 1977 tới giờ đã 45 năm, nhưng Tàu anh qua núi vẫn luôn được đông đảo khán giả đón nghe và được nhiều thế hệ ca sĩ nổi tiếng trình diễn như Anh Thơ, Trọng Tấn, Thu Minh, Lương Gia Huy, Hòa Minzy…
Mỗi ca sĩ lại trình diễn theo một bản phối, phong cách khác nhau, từ trữ tình, bán cổ điển tới remix....
Ngoài sân khấu chuyên nghiệp, Tàu anh qua núi cũng thường xuyên được các thí sinh lựa chọn để dự thi. Chưa dừng lại ở đó, nó còn được bật nhiều tại các quán karaoke hay các buổi sum vầy, tụ tập bạn bè để khuấy động không khí.
Thậm chí, vào năm 2019, tại cuộc thi Hoa hậu Trái Đất, thí sinh Hoàng Hạnh đại diện Việt Nam đã chọn thể hiện Tàu anh qua núi ở phần thi tài năng.
Trên chuyến tàu Bắc – Nam, cứ hễ đi qua đoạn đường đèo Hải Vân, tiếng nhạc Tàu anh qua núi lại vang lên đầy da diết, tự hào và hứng khởi.
Tuy được nhiều ca sĩ danh tiếng ở mọi thế hệ thể hiện, nhưng trong ký ức công chúng, Tàu anh qua núi vẫn gắn liền với tiếng hát NSND Thanh Hoa.
NSND Thanh Hoa cũng chính là vợ của tác giả ca khúc – nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Bà là người thể hiện Tàu anh qua núi đầu tiên và đến tận bây giờ vẫn đóng đinh tên tuổi với nó.
Dù nổi tiếng là vậy, nhưng đằng sau Tàu anh qua núi là cả một câu chuyện đầy cảm động, thấm đẫm nước mắt mà ít ai biết. NSND Thanh Hoa kể lại tại chương trình Ký ức vui vẻ:
"Từ năm 1977, tôi đã hát bài Tàu anh qua núi, trong một chuyến tàu. Trước đó, tôi về công tác tại đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 1976.
Lúc đó, phong trào thủy lợi đang mạnh nên tôi và anh Ngọc Tân rất thành công với bài Con kênh ta đào, cùng chị Thu Hiền và anh Kiều Hưng. Tiếp đó, tôi nổi tiếng với Tình yêu của đất và nước, Em chọn lối này.
Đến tận 1977, Tàu anh qua núi mới ra đời. Bài hát này do người chồng đầu tiên của tôi, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa sáng tác".
Theo đó, vào tháng 1 năm 1977, đoàn tàu Thống Nhất đã nối liền chuyến Nam – Bắc đầu tiên. NSND Thanh Hoa và nhạc sĩ Phan Lạc Hoa khi ấy đang công tác tại đoàn văn công của Tổng cục đường sắt nên đi theo chuyến tàu này để hát. Bà nói:
"Chuyến tàu ấy đi vất vả lắm, chứ không phải như tàu bây giờ. Hết một ga lại phải đợi đến 3, 4 tiếng mới được đi tiếp. Thậm chí, người đi tàu còn phải xuống tàu để bắt chuyến ở phía trước vì đường ray chưa được hoàn thiện".
Đến đèo Hải Vân, người trưởng tàu tên Quý bất ngờ kéo một hồi còi dài rồi dừng tàu, rủ nhạc sĩ Phan Lạc Hoa xuống đi đâu đó. Tới lúc đi về, NSND Thanh Hoa thấy cả hai người mắt đỏ hoe.
Lấy làm lạ, Thanh Hoa tới hỏi chuyện thì vị trưởng tàu bảo người yêu anh ấy đã ngã xuống ở đây khi gỡ mìn để nối đường ray. Mỗi lần qua đèo Hải Vân, anh ấy phải kéo một hồi còi rồi xuống thắp cho chị một nén nhang.
Vợ chồng Thanh Hoa nghe xong cứ nhìn nhau mãi. Một hồi sau, Phan Lạc Hoa bảo vợ: "Chúng ta nên làm một cái gì đó tặng anh Quý chứ thương anh ấy quá". Cả đêm đấy, Phan Lạc Hoa ngồi một mình với cây guitar để sáng tác.
Đến 3 giờ sáng, ông gọi Thanh Hoa dậy rồi hát cho vợ giai điệu vừa sáng tác xem có ổn không. Hai vợ chồng chỉnh đi chỉnh lại tới 8 giờ sáng mới xong.
Sau đó, Phan Lạc Hoa bảo vợ học bí mật giai điệu bài hát rồi đến ga Sài Gòn mới hát cho trưởng tàu nghe.
Tới ga Sài Gòn, vợ chồng NSND Thanh Hoa cùng mọi người tới một toa trống để hát, nhưng không hát được trọn bài vì nước mắt cứ chảy. Thanh Hoa chia sẻ:
"Anh Phan Lạc Hoa còn giải thích cho tôi câu "yêu nhau mấy núi anh cũng trèo" là: "Anh muốn dù đoàn tàu đi rồi nhưng dư âm mối tình vẫn ở lại, như tiếng còi anh kéo để tặng cho người yêu".
Tôi nghĩ, khi người ta đến với nhau bằng tình yêu chân thật, có mất mát thật thì tác phẩm mới tồn tại mãi trong lòng mọi người.
Đến bây giờ tôi đã đứng trên sân khấu được 55 năm và vừa tròn 70 tuổi. Ở tuổi này, mọi thứ đã định hình rồi và các con cũng khuyên nên giữ sức khỏe, đừng ham quá.
Nhưng tôi bị một tính là cứ thấy khán giả lại không chịu được, chỉ muốn hát thôi. Bao nhiêu năm qua, qua bao nhiêu thăng trầm, đã có nhiều nghệ sĩ trẻ lớn lên rồi hát Tàu anh qua núi thay tôi nhiều lắm rồi nhưng tôi vẫn thích hát".
Ngay từ khi ra đời, được thu âm và lên sóng đài phát thanh, Tàu anh qua núi đã trở thành bài hit lớn, ai cũng yêu thích.
Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa
Hồi đó, mỗi ngày NSND Thanh Hoa hát Tàu anh qua núi từ 6 đến 8 lần, cho đến giờ thì không thể nhớ đã hát bao lần. Bà bày tỏ: "Đến giờ tôi hát mà vẫn còn người nghe là hạnh phúc và biết ơn lắm rồi".
Sau khi nghe NSND Thanh Hoa chia sẻ, tất cả mọi người đều lặng người vì cảm thấy rùng mình, xúc động. MC Lại Văn Sâm nói: "Tôi nổi da gà trước câu chuyện này".
Trên thực tế, đã rất nhiều ca sĩ thể hiện Tàu anh qua núi, trong đó có những tiếng hát kỹ thuật đầy mình nhưng không ai qua được NSND Thanh Hoa.
Thanh Hoa thu âm Tàu anh qua núi lần đầu năm 1979 nhưng bản thu năm 1981 tại Đài tiếng nói Việt Nam mới trở thành kinh điển, với chất giọng light lirico soprano kim pha thủy với âm sắc đặc trưng, mềm mại, ngọt ngào nhưng lại có chút trễ nải của dân ca, cùng nhả chữ, phát âm riêng có. Đến tận ngày nay, bản thu năm 1981 vẫn được sử dụng chính.
Bạn đang xem: Sự thật cảm động, thấm đẫm nước mắt về ca khúc 'Tàu anh qua núi'
Chuyên mục: Giải trí