Sơn Tùng M-TP cần phải học BTS trong tham vọng 'Mỹ tiến'
BTS đang là nghệ sĩ Hàn Quốc nói riêng cũng như châu Á nói chung Mỹ tiến thành công nhất ở thời điểm hiện tại.
Kpop đã tìm đường Mỹ tiến từ rất sớm. Kể từ khi nền công nghiệp nhạc pop của họ được định hình, chuyên nghiệp từ những năm 90 với sự ra mắt của Seo Taiji & Boys, Kpop đã không ít lần tạo được tiếng vang trên thị trường quốc tế: BoA lan tỏa âm nhạc rộng rãi khắp Nhật Bản với single Listen to my heart, Wonder Girls gây sốt toàn cầu với vũ điệu búng tay của Nobody, Psy gây bùng nổ mạng xã hội với Gangnam Style, đưa Kpop lần đầu đặt chân vào top 10 Billboard hot 100 và dẫn đầu một loạt các bảng xếp hạng thế giới.
Tuy nhiên, BTS hiện tại mới là cái tên đến từ nền âm nhạc Hàn Quốc gặt hái những thành công lớn và bền bỉ nhất tại thị trường Âu - Mỹ. Họ có hàng loạt ca khúc, album dẫn đầu bảng xếp hạng, những tour diễn cháy vé tại các sân vận động lớn. Đó là một hành trình lâu dài, bền bỉ mà các nghệ sĩ có tham vọng vươn ra biển lớn như Sơn Tùng có thể học hỏi.
Xây dựng fandom quốc tế vững chắc, âm nhạc cổ vũ tinh thần người trẻ
Tiền đề cho những thành công của BTS, bên cạnh những yếu tố đến từ chính âm nhạc, sức hút của các thành viên, phương thức marketing,... thì yếu tố hết sức quan trọng khác là đội ngũ người hâm mộ. Cộng đồng Army (tên gọi fandom của BTS) nổi tiếng là một cộng đồng đông đảo, đoàn kết và có sức mạnh bậc nhất làng nhạc thế giới hiện tại.
Không chỉ dừng lại ở việc mua album, mua vé xem concert, ủng hộ các hoạt động của thần tượng, cộng đồng Army còn làm được nhiều điều hơn thế. Họ xác định được ngay từ đầu mục tiêu cần đạt được trong mỗi lần quảng bá của thần tượng và lên một chiến dịch hết sức bài bản để có thể đạt được mục tiêu đó.
Như để có thể đặt chân vào bảng xếp hạng Billboard, các Army vạch rõ ràng tiêu chí tính điểm của bảng xếp hạng này như digital sale, streaming, lượt phát trên radio,... để có thể ủng hộ thần tượng đúng cách. Họ lên chiến dịch quyên góp tiền để cộng đồng Army tại Mỹ mua nhạc tại thị trường đó, liên tục gửi yêu cầu tới các kênh radio để buộc họ chú ý tới BTS, mua banner quảng cáo tại rất nhiều địa điểm nổi bật,...
Họ khiến cho cái tên BTS xuất hiện liên tục, lặp đi lặp lại trong mắt các khán giả tại đây. Chính nhờ sự nhiệt huyết và có kế hoạch bài bản, họ đã thành công đưa Fake Love, Boy with luv và một loạt ca khúc tiếng Hàn khác của nhóm lọt được vào bảng xếp hạng Billboard hot 100 danh giá trước khi chính thức bùng nổ với single tiếng Anh Dynamite.
Thành công tại Mỹ của BTS có dấu ấn không nhỏ của Army.
Để có được cộng đồng người hâm mộ cuồng nhiệt như thế không thể hoàn toàn dựa vào may mắn. Bên cạnh việc sở hữu 7 thành viên có sức hút riêng biệt, công ty quản lý của BTS cũng xây dựng rất nhiều nội dung để hướng đến việc củng cố fandom.
Âm nhạc của nhóm là một yếu tố quan trọng khi luôn mang đến nội dung hướng đến việc cổ vũ tinh thần cho các bạn trẻ, xây dựng tuyến chuyện về sự trưởng thành, thu hút rất nhiều sự đồng cảm của lứa tuổi gen Z. Nhưng cùng với đó, nhóm còn sở hữu riêng một kênh YouTube chuyên để đăng các video về cuộc sống của các thần tượng, các chương trình riêng của 7 thành viên. Hoạt động trên mạng xã hội của nhóm cũng hết sức sôi động với nhiều dạng content khác nhau từ ảnh, video, tin nhắn đến livestream.
Tại thị trường Việt Nam, các nghệ sĩ của chúng ta chưa có được cộng đồng fandom vững chắc như thế. Ngay cả một điều đơn giản như tên gọi cho fandom cũng chưa được nhiều nghệ sĩ chú trọng. Sky của Sơn Tùng là một trong những fandom lớn nhất và có những hoạt động được xem là chuyên nghiệp bậc nhất Vpop hiện tại, tuy nhiên họ vẫn chưa có được những chiến lược đồng hành thực sự chất lượng cũng như có tầm ảnh hưởng tới quốc tế như cách cộng đồng Army đã và đang làm. Nghệ sĩ Việt cũng chưa có các content chuyên biệt cho người hâm mộ. Ngoài các hoạt động nhỏ lẻ trên mạng xã hội, nghệ sĩ Việt chưa thực sự có những bước đi nhằm xây dựng fandom thật chắc chắn.
Đó là một điều nghệ sĩ Việt đang thiếu khi đưa âm nhạc ra quốc tế. Rõ ràng, để người nước ngoài chú ý đến nghệ sĩ Việt đã rất khó rồi chứ chưa nói đến việc yêu thích. Và kể cả sau khi yêu thích rồi, để họ nhớ được tên nghệ sĩ cũng rất gian nan. Lúc này, sức mạnh của fandom giống như cách Army đã làm với BTS mới thực sự phát huy tác dụng.
Tấn công thị trường Mỹ không thể chỉ thông qua 1-2 single “giống với US-UK”
Rõ ràng, việc BTS có được sự thành công lớn như ngày hôm nay dựa vào thực lực của nhóm cũng như sự nhiệt huyết của người hâm mộ là phần lớn. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sự nổi danh của Kpop cũng là một điều giúp cho BTS có được sự chú ý ngay từ những bước đầu.
Kể từ sau cú bùng nổ của Psy với Gangnam Style, người Mỹ đã không còn mù mờ về những nghệ sĩ đến từ xứ sở Kim chi như thời BoA, Se7en mới đặt chân đến nữa. Chí ít, họ cũng đã có những khái niệm cơ bản về nền âm nhạc này, biết được một số đặc trưng trong cách làm nhạc. Và khi khán giả có hứng thú tìm hiểu sâu hơn, họ có cả một kho tàng để khám phá.
Với sự phát triển chuyên nghiệp hàng chục năm, nền công nghiệp âm nhạc Kpop hiện đã rất bài bản trong khâu phát hành sản phẩm, quảng bá cho đến việc khai thác mạng xã hội trong việc xây dựng fandom. Ngay từ việc phát hành album, họ không chỉ đơn giản là bán sản phẩm âm nhạc dưới dạng đĩa cứng, mà đó còn là một bộ sản phẩm thu hút bất cứ người hâm mộ nào với photobook dày hàng chục trang, nhiều phiên bản với bìa đĩa hình ảnh khác nhau, và đặc biệt là card (dạng hình ảnh độc quyền chỉ khi mua đĩa mới có của các nghệ sĩ) ngẫu nhiên, khiến cho người hâm mộ có mong muốn mua thật nhiều đĩa để thu thập đầy đủ.
Sơn Tùng cũng như các nghệ sĩ Việt chưa có được sự hậu thuẫn vững chắc từ Vpop.
Các công ty giải trí của Hàn cũng tạo ra những buổi fansign gặp mặt giữa thần tượng và người hâm mộ, giúp khán giả giao lưu với nghệ sĩ mình yêu thích ở khoảng cách gần và được trò chuyện trực tiếp. Bên cạnh đó là những buổi livestream, những tin nhắn trên nền tảng trả phí riêng biệt,... tất cả những điều đó khiến cho người hâm mộ ngày càng trở nên trung thành và cuồng nhiệt hơn.
Tại Việt Nam, các nghệ sĩ chưa có được những điều đó. Vpop vẫn còn khá non trẻ, việc bán hết nghìn đĩa cứng đã là không đơn giản, nên nghệ sĩ khó lòng đầu tư cho một CD một cách chỉn chu như tại Hàn Quốc. Nền tảng livestream, nhắn tin riêng ở Vpop cũng là một thứ khá xa lạ, khán giả chỉ có thể thấy nghệ sĩ trên các kênh mạng xã hội, chưa có được sự gần gũi như tại Hàn Quốc. Điều đó phần nào tạo ra sự xa cách cũng như kém cuồng nhiệt nơi người hâm mộ.
Để thực sự có được thành công tại thị trường quốc tế, gần như không thể chỉ thông qua 1-2 single đơn lẻ có âm nhạc “giống với US-UK”. Những nghệ sĩ như BTS, họ có chiến lược hết sức bài bản để xây dựng một discography dày dặn, một fandom chắc chắn, từng bước xâm nhập vào thị trường Âu - Mỹ qua nhiều năm.
Cùng với đó là sự hậu thuẫn không nhỏ đến từ thị trường bản địa có sự chuyên nghiệp hóa cao, tạo ra sự khác biệt và hứng thú cho khán giả quốc tế mong muốn tìm hiểu sâu hơn. Vpop vẫn còn non trẻ, tuy nhiên Sơn Tùng và các nghệ sĩ Việt muốn đưa âm nhạc ra quốc tế vẫn có thể học hỏi Kpop trong việc xây dựng một cộng đồng người hâm mộ thật bài bản và có những kế hoạch dài hơi.
Bạn đang xem: Sơn Tùng M-TP cần phải học BTS trong tham vọng 'Mỹ tiến'
Chuyên mục: Giải trí
Các bài liên quan
- Sơn Tùng gây sốt với áo bó quần tụt, ảnh chưa qua chỉnh sửa làm lộ chiều cao thật?
- Phát ngôn của Sơn Tùng hot trở lại: 'Lúc mới nổi tiếng, cuộc sống của tôi rất bình thường, giống các bạn đồng trang lứa'
- Sơn Tùng đăng ảnh mừng tuổi mới, vị trí của Hải Tú gây chú ý
- Ảnh ấu thơ Sơn Tùng ôm gọn MONO gây chú ý
- Sự độc hại của khán giả Việt
- Nhạc sĩ Quốc Trung lên tiếng trước phát ngôn cho rằng Sơn Tùng tham vọng Mỹ tiến là 'ảo tưởng'