Sán thường ký sinh ở bộ phận nào của con người?

Đa số giun sán ký sinh ở ống tiêu hóa, tuy nhiên, một số loài có thể di chuyển lạc chỗ hoặc được tìm thấy ở những bộ phận khác.

Sán thường ký sinh ở bộ phận nào của con người?-1Giun sán ký sinh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Ảnh: Ccfmed.

Theo Bộ Y tế, bệnh nhiễm giun, sán là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Bệnh chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiện nay, trên 100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người đã được nhận diện.

Sán ký sinh gây ra tác hại âm thầm, kín đáo và lâu dài. Đôi khi, người bệnh cũng gặp những biến chứng nguy hiểm, có thể tử vong như thiếu máu nặng, viêm tắc đường mật, ho ra máu, áp xe gan hay viêm não.

Các nang sán phổ biến nhất là ở gan, phổi, sau đó là thận, lách, tim, não hoặc xương. Dưới đây là một số trường hợp nhiễm sán được ghi nhận tại Việt Nam.

Tim
Sán ký sinh ở tim rất hiếm gặp. Một trường hợp mới đây được công bố tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là cụ bà (75 tuổi, sống ở tỉnh Quảng Nam) bị sán dây chó ký sinh ở tim.

Trước đó, bệnh nhân cảm thấy khó thở, mệt nhiều và có các triệu chứng giống suy tim nhưng kết quả xét nghiệm ký sinh trùng âm tính. Cho đến khi được phẫu thuật bóc tách nang ở tim, bác sĩ phát hiện bà bị sán dây chó thuộc giống Echinococcus.

Theo bác sĩ, người mắc bệnh này thường do nuốt phải trứng sán dây chó khi ăn, uống các loại thực phẩm bị nhiễm trứng sán hoặc tiếp xúc trực tiếp với chó, cáo, chồn nhiễm bệnh. Đáng lưu ý, người nuôi chó có tỷ lệ nhiễm sán dây chó cao hơn bình thường 21 lần.

Phổi
Theo Cục Y tế Dự phòng (VNCDC), sán lá phổi được xác định lưu hành ít nhất ở 8 tỉnh phía Bắc, gồm Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn và Nghệ An. Trong đó, nơi có tỷ lệ nhiễm đến 15% là Sơn La.

Loài sán lá phổi mới được xác định ở Việt Nam có tên Paragonimus heterotremus. Nó có màu nâu đỏ giống hạt cà phê, phát triển thành ấu trùng trong môi trường nước.

Khi người hoặc động vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như mắm cua, uống nước cua sống, ấu trùng sán sẽ vào dạ dày và ruột.

Sau đó, nó xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, rồi vào cơ hoành, màng phổi, cuối cùng vào phế quản để làm tổ. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.

Triệu chứng nhiễm sán lá phổi là ho ra máu, thường ra ít một lần với đờm, màu đỏ tươi hoặc rỉ sắt, đôi khi ho ra nhiều máu tươi cùng lúc. Ngoài ra, người nhiễm có thể ho ra máu từng đợt trong năm và kéo dài nhiều năm. Nếu sán ở trong màng phổi, nó có thể gây tràn dịch màng phổi.


Sán thường ký sinh ở bộ phận nào của con người?-2Để phòng ngừa nhiễm các loại giun sán, Bộ Y tế khuyên mọi người nên ăn chín, uống sôi, tránh ăn tiết canh hay gỏi sống. Ảnh: Flickr.

Gan
Sán lá gan thường ký sinh và làm tổ ở gan, gây bệnh ở đường mật. Loài sán này phổ biến ở các tỉnh, thành phố miền Bắc, Trung và Tây Nguyên.

Sán lá gan có hình lá, thân dẹt và kích thước khác nhau tùy loài. Đối với bệnh sán lá gan nhỏ, nếu người hoặc động vật ăn phải ấu trùng nang chưa được nấu chín, ấu trùng này sẽ vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan. Từ đó, nó phát triển thành sán lá gan lớn.

Sán lá gan vào cơ thể con người thông qua các loại rau sống mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...) hoặc nước lã có nhiễm ấu trùng sán.

Sán lá gan lớn gây ra cơn đau vùng hạ sườn. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng. Người bệnh mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ và mẩn ngứa…

Ruột
Tác nhân gây sán lá ruột là Fasciolopsis buski, trứng của nó thuộc loại lớn trong các trứng giun sán. Khi người hoặc lợn ăn phải rau thủy sinh có ấu trùng sán lá ruột chưa được nấu chín, nó sẽ mất vỏ nang ở tá tràng vật chủ, sau đó bám vào ruột non để ký sinh và trưởng thành.

Triệu chứng lâm sàng của người nhiễm sán ở ruột chủ yếu là đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và có thể phù nề (bụng chướng hoặc phù toàn thân). Ngoài những tổn thương tại ruột, người nhiễm còn bị phù nề toàn thân, tràn dịch ngoại tâm mạc, biến đổi tổ chức ở lá lách do độc tố tiết ra từ sán.

Não
Trường hợp bị sán làm tổ lớn trong não được ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Đó là người đàn ông 50 tuổi, sống ở TP Lào Cai, có biểu hiện giảm trí nhớ, tứ chi vận động kém trong suốt một tháng. Kết quả chụp CT sọ não cho thấy có ổ sán não lớn ở cả hai bán cầu và phù não diện rộng.

Bác sĩ chuyên khoa II Hà Xuân Tài, Phó khoa Ngoại Thần kinh, chia sẻ kén sán não là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh do ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở người gây ra. Bệnh thường gặp ở những vùng có tập quán nuôi lợn thả rông hoặc ăn thịt lợn chưa được nấu chín.

Bệnh kén sán não nếu không được phát hiện và xử trí sớm sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Để phòng bệnh, người dân nên ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi sống… Đặc biệt, khi thấy xuất hiện các cơn đau đầu, co giật, người dân cần chú ý xét nghiệm các bệnh liên quan ký sinh trùng.

Theo Zing

Bạn đang xem: Sán thường ký sinh ở bộ phận nào của con người?

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết