Phơi sáng là gì? Hướng dẫn chụp ảnh phơi sáng cho người mới bắt đầu

Phơi sáng là một trong các khái niệm đầu tiên phải học khi bạn bước chân vào lĩnh vực nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về chụp ảnh phơi sáng cho người mới bắt đầu trong bài viết dưới đây nhé!

Phơi sáng là một trong các khái niệm đầu tiên phải học khi bạn bước chân vào lĩnh vực nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Các bạn cùng Điện máy XANH tìm hiểu về chụp ảnh phơi sáng cho người mới bắt đầu trong bài viết dưới đây nhé!

1Phơi sáng là gì?

Phơi sáng (Exposure) là một thuật ngữ trong nhiếp ảnh chỉ lượng ánh sáng mà cảm biến nhận được trong quá trình chụp một bức ảnh. Đây là yếu tố quyết định đến độ sáng tối của bức ảnh, đánh giá bức ảnh có bị thừa sáng hoặc thiếu sáng không.

Có ba yếu tố ảnh hưởng đến độ phơi sáng của bức ảnh đó là: Khẩu độ (aperture), tốc độ màn trập (shutter speed) và độ nhạy sáng (ISO), ba yếu tố này gọi là tam giác phơi sáng.

Muốn chụp một bức ảnh đẹp, từ độ nét đến độ sâu trường ảnh, bạn cần phải cân bằng được tam giác phơi sáng. Để làm được điều này bạn phải trải qua một quá trình rèn luyện ngoài thực tế.

Ảnh chụp phơi sáng tốt

Đa số trên các máy ảnh hiện nay, các thông số trên được điều chỉnh tự động trong các cài đặt sẵn của máy, tuy nhiên những cài đặt này chỉ tác dụng trong một số môi trường nhất định.

Trong điều kiện chụp thiếu sáng, dư sáng, hoặc trong điều kiện khắc nghiệt như chụp trong mưa, chụp chuyển động nhanh và muốn tạo được hiệu ứng nghệ thuật đẹp mắt bạn phải điều chỉnh tam giác phơi sáng bằng tay.

Trong các máy ảnh độ sáng của bức ảnh được biểu thị bằng EV (Exposure value-Giá trị phơi sáng). EV = 0 nghĩa là hình ảnh phơi sáng 1 giây ở tiêu cự f1, mỗi một nấc điều chỉnh lên xuống (stop) sẽ tăng hoặc giảm một nửa EV. 

2Tam giác phơi sáng

Ba giá trị khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO liên quan mật thiết với nhau. Khi bạn điều chỉnh một giá trị thì hai giá trị kia cũng phải thay đổi theo. Dưới đây ta tìm hiểu sơ lược về ba yếu tố này.

1. Tốc độ màn trập (Shutter speed)

Tốc độ màn trập là khoảng thời gian mà máy cần để chụp một bức ảnh. Ví dụ, trên máy ảnh Nikon D850, bạn có thể chụp bất kỳ tốc độ màn trập nào từ 1/8000 giây đến 30 giây, cũng như chế độ thời gian để phơi sáng lâu hơn. 

Tốc độ màn trập là yếu tố quyết định khi phơi sáng vì:

- Tốc độ mà trập dài cho phép lượng ánh sáng lớn đi qua và ngược lại tốc độ màn trập càng ngắn thì lượng ánh sáng đi qua càng ít. Bạn có thể hình dung, nếu bạn chụp ảnh ban ngày bình thường với tốc độ màn trập 30 giây, bạn sẽ chụp được một bức ảnh hoàn toàn trắng ngược lại nếu bạn chụp ảnh vào ban đêm với tốc độ màn trập 1/8000 giây, ảnh sẽ hoàn toàn đen.

Để dễ hình dung bạn có thể tham khảo hình dưới đây:

Tốc độ màn trập

- Tốc độ màn trập tạo hiệu ứng mờ chuyển động cho ảnh chụp. Tốc độ màn trập dài (chẳng hạn như năm giây) sẽ chụp bất cứ thứ gì di chuyển trong quá trình phơi sáng. Nếu một người đi ngang qua, họ có thể xuất hiện như một vệt sáng phi thường trên hình ảnh. Đây gọi là chuyển động mờ.

Sử dụng tốc độ màn trập nhanh giúp chụp chuyển động nhanh tốt hơn. Ví dụ bạn có thể chụp ảnh thác nước ở 1/1000 giây và nhìn thấy những giọt nước giữa không trung mà không có máy ảnh mắt thường không thể nhìn thấy.

Bạn có thể thấy hình ảnh hiển thị khác biệt khi thay đổi tốc độ màn trập như trong hình dưới đây, cảnh chụp trong ngày gió lớn:

Cảnh chụp ngày gió

Bức ảnh của bạn có thể bị rung mờ do hai nguyên nhân: Máy ảnh bị rung (camera blur) hoặc chủ thể chuyển động (subject blur) làm bức ảnh chụp ra bị mờ. Nếu máy ảnh bị rung thì sử dụng chân máy có thể hạn chế nhưng chủ thể bạn muốn chụp chuyển động, như chụp phong cảnh trong ngày gió thì bạn cần điều chỉnh tốc độ màn trập để hình ảnh rõ nét.

Bạn cũng có thể điều chỉnh tốc độ màn trập dài để tạo hiệu ứng chuyển động đẹp mắt như chụp chuyển động của ánh sáng hay chụp chuyển động của đám mây trông mịn màng hơn.

Khi bạn zoom xa để chụp ảnh, hình ảnh sẽ dễ bị rung mờ, lúc này bạn cần tốc độ màn trập ngắn để bắt được chuyển động của chủ thể, nhất là khi bạn sử dụng ống kính tele lớn.

Không có một hướng dẫn cụ thể nào cho tốc độ màn trập mà bạn cần tập luyện thực tiễn, tuy nhiên có một số gợi ý nhỏ bạn có thể tham khảo: 

  • Sử dụng tốc độ 1/500 giây hoặc nhanh hơn cho các hoạt động thể thao và động vật hoang dã.
  • Sử dụng 1/100 giây hoặc nhanh hơn cho hình ảnh chân dung tele.
  • Sử dụng 1/50 giây hoặc nhanh hơn cho ảnh chân dung hoặc ảnh du lịch góc rộng, trong đó đối tượng của bạn không di chuyển quá nhiều.
  • Nếu đối tượng của bạn hoàn toàn đứng yên và bạn có chân máy, hãy sử dụng bất kỳ tốc độ màn trập nào bạn muốn.

2. Khẩu độ (Aperture)

Khẩu độ

Khẩu độ là độ mở của ống kính để cho lượng ánh sáng đi qua. Giống như con ngươi trong mắt chúng ta có thể co lại hoặc mở ra để thu nhận ánh sáng. 

Bộ phận này trên ống kính gọi là "lưỡi khẩu độ" các lưỡi này có thể mở lớn hoặc thu nhỏ lại, cơ chế hoạt động cũng giống như con ngươi trong mắt chúng ta, khi trời tối đồng tử giãn ra để nhận nhiều ánh sáng hơn, cũng như vậy khi trời tối bạn mở khẩu độ của ống kính rộng hơn để cảm biến nhận được nhiều ánh sáng hơn.

Khẩu độ được biểu thị bằng kí hiệu  f/tham số. Ví dụ: Bạn có thể có khẩu độ f/2 hoặc f/8 hoặc f/16,... 

Tham số càng nhỏ thì khẩu độ càng lớn. Bạn có thể tham khảo như trong hình:

Giá trị khẩu độ

Khẩu độ và phơi sáng 

Để phơi sáng một bức ảnh đúng cách, điều quan trọng là phải chú ý đến cài đặt khẩu độ. 

Khẩu độ lớn bức ảnh sẽ sáng hơn. Các khẩu độ lớn như f/1.4 và f/2 cho phép bạn nhìn thấy trong bóng tối. Mặt khác, một khẩu độ nhỏ như f/16 (với các lưỡi khẩu độ gần đóng) bức ảnh sẽ tối hơn rất nhiều. Nếu bạn cố chụp ảnh bầu trời đêm ở f/16, bức ảnh của bạn sẽ có màu đen.

Bằng cách thay đổi cài đặt khẩu độ và tốc độ màn trập, bạn có thể điều chỉnh chính xác lượng ánh sáng giúp bức ảnh có độ phơi sáng thích hợp. Đây là lí do khẩu độ là yếu tố rất quan trọng khi phơi sáng.

Khẩu độ và độ sâu trường ảnh (Depth of field)

Khẩu độ cũng là yếu tố quan trọng tác động lên độ sâu trường ảnh. 

Độ sâu trường ảnh là mức độ sắc nét của cảnh từ trước ra sau. Ví dụ ảnh phong cảnh độ sắc nét lên từng cảnh vật từ tiền cảnh tới tận đường chân trời, còn với ảnh chân dung độ sắc nét nổi bật ở chủ thể đứng gần, thậm chí chỉ ở đôi mắt, còn hậu cảnh phía sau mờ hơn. 

Độ sâu trường ảnh

Khẩu độ giúp thay đổi độ sâu trường ảnh, điều này tạo ra sự khác biệt lớn nếu bạn muốn chụp những bức ảnh đẹp nhất có thể. Thay đổi độ sâu trường ảnh trong ảnh sẽ thay đổi bức ảnh hoàn toàn.

Bức ảnh sử dụng khẩu độ f/16 cho độ sâu trường ảnh dài

Cụ thể, khẩu độ nhỏ (như f/11 hoặc f/16) cung cấp cho bạn độ sâu trường ảnh lớn giúp mọi phần trong bức ảnh từ trước ra sau xuất hiện sắc nét. Khẩu độ lớn (như f/1.4 hoặc f/2.8) thu được độ sâu trường ảnh mỏng hơn nhiều, với hiệu ứng lấy nét nông giúp bạn làm nổi bật chủ thể đứng gần, còn những phần khác sẽ mờ đi.

Trong thực tế, các hiệu ứng khá rõ ràng. Khi khẩu độ của bạn ngày càng nhỏ hơn, độ phơi sáng của bạn sẽ ngày càng tối hơn và độ sâu trường ảnh của bạn sẽ tăng lên. (Cũng cần nhớ rằng bạn có thể phơi ảnh trở lại bình thường bằng cách sử dụng tốc độ màn trập dài hơn).

3. ISO - Độ nhạy sáng

ISO làm sáng ảnh của bạn, nhưng lại không phải là một phần của phơi sáng vì ISO không ảnh hưởng đến lượng ánh sáng chiếu tới cảm biến máy ảnh (theo định nghĩa phơi sáng). Thay vào đó, ISO làm sáng ảnh sau khi cảm biến đã được tiếp xúc với ánh sáng.

Độ nhạy sáng ISO sẽ rất hữu ích khi không còn cách nào để làm sáng ảnh, ví dụ bạn đã khẩu độ hết cỡ và tốc độ cửa trập đã quá dài không thể tăng thêm được nữa thì lúc này bạn có thể làm sáng ảnh thêm bằng cách tăng ISO, tuy nhiên ISO càng tăng thì độ nhiễu hạt của bức ảnh càng nhiều.

Ví dụ như bức hình dưới đây, bức ảnh bên phải trông nhiễu hơn, ở những góc tối màu sắc ảnh cũng bị thay đổi vì bức ảnh được chụp ở ISO 25.600, đây là một ISO cực kỳ cao (nhiều hơn những gì hầu hết các nhiếp ảnh gia sẽ đặt cho điều kiện bình thường).

Độ nhiễu hạt

Các mức chính trên thang đo ISO là 100, 200, 400, 800, 1600, 3200 và 6400. Một số máy ảnh vượt ra ngoài phạm vi này, theo cả hai hướng thấp hơn hoặc cao hơn, chẳng hạn như hình ảnh ISO 25.600 ở trên. Ngoài ra, bạn có thể đặt các giá trị ISO trung gian, như ISO 640 hoặc ISO 1250.

ISO cao ảnh sáng nhưng nhiễu hạt

ISO thấp nhất trên máy ảnh của bạn được gọi là ISO cơ sở. Thông thường, ISO cơ sở sẽ là 100, nhưng một số máy ảnh có ISO 64, ISO 200. Nếu bạn đặt ISO cơ sở và phơi sáng ảnh đúng cách, chất lượng hình ảnh sẽ rất tốt và độ nhiễu hạt ở mức thấp nhất.

Như bức ảnh trên đây ở ISO 100 bức ảnh quá tối, ở mức ISO 600 tuy khi phóng to ảnh sẽ bị nhiễu nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là sử dụng ISO cơ sở của bạn bất cứ khi nào có thể, thay vì chỉnh ISO cao hơn bạn nên chụp với độ phơi sáng sáng hơn (tốc độ màn trập và khẩu độ).

Tùy vào tình hình thực tế mà bạn điều chỉnh ISO, vì đôi khi bạn không thể nâng tốc độ màn trập lâu hơn, ánh sáng quá yếu và bạn có thể bỏ lỡ một bức ảnh đẹp nếu chỉ sử dụng mức ISO cơ sở.

3 Cách thiết lập để điều chỉnh độ phơi sáng trong từng trường hợp

1. Tìm hiểu về các chế độ phơi sáng trên máy ảnh

Chế độ M (Manual): Chế độ chỉnh tay hoàn toàn, bạn sẽ phải kiểm soát cả ba yếu tố: khẩu độ, tốc độ màn trập và độ nhạy sáng.

Chế độ P (Programed auto): Sau khi máy đã tính toán và chọn ra thông số chụp nhưng cho phép bạn thay đổi các thông số này theo ý muốn.

Chế độ S hoặc Tv (Shutter priority): Chế độ ưu tiên màn trập, bạn chọn tốc độ màn trập và máy sẽ tính toán khẩu độ theo ISO. Bạn có thể thay đổi mức ISO để kiểm soát khẩu độ một cách gián tiếp. Bạn nên sử dụng chế độ này khi cần tránh hiện tượng rung máy do tay cầm, lúc này bạn thiết lập được tốc độ màn trập đủ nhanh để bắt kịp các chuyển động mà không bị nhòe, mờ.

Chế độ A (Aperture priority): Chế độ ưu tiên khẩu độ, bạn chọn khẩu độ và máy sẽ thiết lập tốc độ màn trập theo ISO, khi bạn thay đổi các mức ISO thì tốc độ màn trập cũng thay đổi. Chế độ này thường dùng khi chụp phong cảnh, bạn thay đổi được khẩu độ để kiểm soát độ sâu trường ảnh theo ý muốn.

2. Gợi ý để điều chỉnh phơi sáng tốt trong một số trường hợp

Chụp phong cảnh ban ngày

- Sử dụng chân máy để ảnh chụp không bị rung.

- Chuyển sang chế độ ưu tiên khẩu độ, trong đó máy ảnh sẽ tự động cài đặt tốc độ màn trập và bạn chọn thủ công khẩu độ.

- Chụp ở khẩu độ f/8, nhưng sử dụng f/11 hoặc f/16 nếu bạn cần độ sâu trường ảnh nhiều hơn (chẳng hạn như với tiền cảnh gần đó hoặc nếu bạn sử dụng ống kính tele). Ở đây hướng dẫn bạn điều chỉnh khẩu độ trên một máy ảnh full-frame. Sử dụng khẩu độ tương đương với máy ảnh của bạn bằng cách chia các số này cho hệ số crop của máy ảnh bạn đang sử dụng.

Chụp phong cảnh

- Sử dụng ISO cơ sở.

- Vừa chụp vừa điều chỉnh khẩu độ nếu cần thiết để có độ phơi sáng thích hợp.

- Chú ý không làm cho các vùng sáng trên máy ảnh bị cháy sáng quá, khi chỉnh ảnh các vùng tối có thể kéo sáng hơn nhưng các vùng quá sáng sẽ khó khăn để làm tối đi, có khi làm hỏng luôn cả bức ảnh.

Chụp ảnh chân dung (Không có đèn flash)

- Bạn có thể dùng tay cầm máy để chụp hoặc sử dụng chân máy, miễn sao bạn cảm thấy dễ chụp là được.

- Sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ.

- Chọn khẩu độ mang lại cho bạn độ sâu trường ảnh trung bình - thông thường ở f/2.8 hoặc f/1.4, phụ thuộc vào bạn muốn làm nổi bật chủ thể đến mức nào.

Chụp chân dung

- Xem tốc độ màn trập của bạn. Nếu bạn bắt đầu nhận thấy chuyển động bị mờ, tốc độ màn trập của bạn quá lâu và bạn cần điều chỉnh tốc độ màn trập nhanh hơn.

- Giữ ISO của bạn ở mức thấp, nhưng đừng ngại nâng nó lên nếu khẩu độ và tốc độ màn trập của bạn không cho đủ ánh sáng. Trong môi trường ánh sáng yếu hơn, bạn có thể sẽ cần tăng ISO để có thể sử dụng tốc độ màn trập đủ nhanh.

- Cũng như chụp trong phong cảnh, bạn chú ý không để những vùng sáng trên bức ảnh bị quá sáng. Sử dụng bù phơi sáng âm nếu cần thiết trong khâu hậu kỳ. 

 Chụp ảnh thể thao và động vật hoang dã

- Sử dụng chân máy hoặc dùng tay để cầm máy chụp ảnh.

- Sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ. Một số hướng dẫn sẽ đề nghị bạn sử dụng chế độ ưu tiên màn trập, rất tốt nếu bạn đang cố gắng tìm hiểu về nhòe chuyển động, nhưng chế độ này thường điều chỉnh khẩu độ của bạn thành các giá trị lạ và chỉ nên sử dụng khi bạn chuyên nghiệp hơn.

- Sử dụng khẩu độ lớn, chẳng hạn như f/2.8 hoặc f/4.

Chụp chuyển động

- Xem xét tốc độ màn trập của bạn cẩn thận. Tốc độ màn trập phải nhanh chẳng hạn 1/500 hoặc 1/1000 giây, để bắt kịp các chuyển động nhanh.

- Nếu tốc độ màn trập lớn mà ảnh vẫn bị mờ thì bạn phải nâng mức ISO lên và giảm tốc độ màn trập lại, tuy ảnh có thể bị nhiễu hạt một chút nhưng vẫn tốt hơn là ảnh bị mờ.

- Cũng giống như hai trường hợp trên, không để những vùng sáng bị sáng quá.

Bài viết trên hướng dẫn các bạn điều chỉnh phơi sáng cho người mới bắt đầu, chúc các bạn có thể chụp được những bức ảnh đẹp nhất nhé!

Bạn đang xem: Phơi sáng là gì? Hướng dẫn chụp ảnh phơi sáng cho người mới bắt đầu

Chuyên mục: Máy ảnh

Chia sẻ bài viết