Ồn ào mua bán giải nhấn chìm Hoa hậu Siêu quốc gia

Nghi vấn mua bán giải mới bị phanh phui được cho là nhấn chìm danh tiếng của Hoa hậu Siêu quốc gia. Trước đó, cuộc thi bị nhận xét ngày càng nhàm chán, xuống cấp.

Hoa hậu Siêu quốc gia được chuyên trang sắc đẹp Globalbeauties xếp vào Big 5 các cuộc thi nhan sắc uy tín, lớn nhất hành tinh, bên cạnh Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế.

Tuy nhiên, với nghi vấn mua bán giải mới bị cựu nhân viên phanh phui, nhiều người đặt câu hỏi liệu cuộc thi này còn đủ uy tín và danh giá để cạnh tranh với những sân chơi nhan sắc còn lại.

Ồn ào mua bán giải nhấn chìm Hoa hậu Siêu quốc gia-1 Nghi vấn mua bán giải thưởng

Ngay sau chung kết, Carsten Mohr - cựu nhân viên của tổ chức Hoa hậu Siêu quốc gia - đã đăng tải bài viết trên trang cá nhân nói về những khuất tất của cuộc thi. Những sự thật được Carsten Mohr bóc trần có sức nặng vì anh là một trong những người đồng sáng lập cuộc thi.

Trước đó, ban tổ chức Hoa hậu Siêu quốc gia từng gây tranh cãi khi chọn hoa hậu vào các năm 2012, 2013, 2017 và mới đây nhất là trao danh hiệu cho người đẹp Indonesia - Harashta Haifa Zahra. Bài viết của Carsten Mohr đã phần nào hé lộ động cơ đằng sau những lựa chọn khó hiểu này.

Carsten Mohr cho biết ban tổ chức ưu ái người đẹp Indonesia Harashta Haifa Zahra vì cô đăng quang cuộc thi chánh cung tại quốc gia - Puteri Indonesia. Anh cũng cho biết Puteri Indonesia và tổ chức Hoa hậu Siêu quốc gia có quan hệ thân thiết nhiều năm qua.

Carsten Mohr cho biết năm 2013 anh nằm trong thành viên ban giám khảo và thắc mắc về việc tại sao sau khi tổng hợp lượng vote không có khoảng thời gian nghỉ để kiểm phiếu mà MC lại công bố người chiến thắng ngay lập tức. "Rõ ràng đã có kịch bản từ trước", Carsten Mohr nói.

Năm 2017, người đẹp Hàn Quốc - Jenny Kim đăng quang khiến nhiều người sốc, nghi ngờ cô mua giải. Nói về kết quả này, Carsten Mohr cho biết: "Nhiều người tham gia cuộc thi đều biết rằng bà Jenny có thể mua mọi thứ bằng tiền của chồng mình, một quý ông tốt bụng".

Anh còn giải thích vì sao những quốc gia được coi là cường quốc sắc đẹp như Colombia hay Venezuela vẫn chưa giành chiến thắng tại Hoa hậu Siêu quốc gia: "Những đơn vị nắm bản quyền đó không đủ tiền để thuyết phục ngài Gerhard Parzutka von Lipinski (Chủ tịch Hoa hậu Siêu quốc gia)", anh viết.

Bị fan tẩy chay khỏi Big 5
 
Ồn ào mua bán giải nhấn chìm Hoa hậu Siêu quốc gia-2Ồn ào mua bán giải nhấn chìm Hoa hậu Siêu quốc gia-3
Người đẹp Indonesia - Harashta Haifa Zahra - vướng nghi vấn mua giải Hoa hậu Siêu quốc gia 2024.

Nghi vấn mua bán giải của Hoa hậu Siêu quốc gia gợi nhớ scandal tương tự của cuộc thi Hoa hậu Trái Đất. Năm 2013, tờ báo Nga Komsomolskaya Pravda đã đăng tải phóng sự điều tra, khẳng định vương miện Hoa hậu Trái Đất có thể mua được bằng tiền.

Phóng viên của tờ Komsomolskaya Pravda đã giả danh khách hàng để thương lượng với bà Lorraine Schuck - chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Trái Đất và cái giá mà bà đưa ra là 4 triệu USD.

Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, Globalbeauties đã quyết định loại Hoa hậu Trái Đất khỏi hệ thống Grand Slam các cuộc thi hoa hậu cấp quốc tế, do chính họ đặt ra từ năm 1999.

Nhiều fan sắc đẹp đặt câu hỏi liệu với ồn ào lần này, Globalbeauties có loại Hoa hậu Siêu quốc gia ra khỏi Big 5 giống như đã làm với Hoa hậu Trái Đất.

Tuy nhiên, bài viết của Carsten Mohr đã chỉ ra mối quan hệ thân thiết của tổ chức Hoa hậu Siêu quốc gia và Globalbeauties, anh gọi họ là đồng minh. Vì thế, khả năng Hoa hậu Siêu quốc gia bị loại khỏi Big 5 được cho là khó xảy ra.

Danh tiếng bị nhấn chìm

Nghi vấn mua bán giải được xem là giọt nước tràn ly, nhấn chìm danh tiếng của Hoa hậu Siêu quốc gia. Trước đó, Hoa hậu Siêu quốc gia bị nhận xét ngày càng xuống cấp so với các cuộc thi còn lại trong Big 5.

Dù là cuộc thi sắc đẹp lớn nhưng Hoa hậu Siêu quốc gia được đánh giá thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp. Sân khấu bán kết cuộc thi qua nhiều năm đều sơ sài, kém sức hút về dàn dựng âm thanh, ánh sáng.

Ồn ào mua bán giải nhấn chìm Hoa hậu Siêu quốc gia-4Ồn ào mua bán giải nhấn chìm Hoa hậu Siêu quốc gia-5

Minh Tú được trao danh hiệu Hoa hậu Siêu quốc gia châu Á trong cánh gà.

Các đêm thi bán kết, chung kết Hoa hậu Siêu quốc gia dài lê thê nhưng thiếu điểm nhấn. Ban tổ chức thường mời các ca sĩ địa phương biểu diễn nhưng không có sức hút với khán giả.

Cách trao giải của Hoa hậu Siêu quốc gia cũng gây tranh cãi. Năm 2018, đại diện Việt Nam - Nguyễn Minh Tú - được trao giải Hoa hậu Siêu quốc gia châu Á trong cánh gà thay vì trên sân khấu chính.

Sau chung kết Hoa hậu Siêu quốc gia 2024, ban tổ chức còn gây tranh cãi khi nhóm kín của cuộc thi liên tục đăng bài công kích đại diện Việt Nam dù trước đó lên án hành vi bạo lực mạng.

Trong một bài viết trên nhóm kín do tài khoản Hoa hậu Siêu quốc gia làm quản trị viên, một thành viên đăng ảnh đại diện Việt Nam - Lydie Vũ và viết: "Xin chào, tôi đến từ Việt Nam và tôi là nữ hoàng không được xếp hạng". Một bài viết khác lại đăng ảnh Hoa hậu Thùy Tiên kèm theo chú thích: "Đừng buồn vì Việt Nam trắng tay ở Hoa hậu Siêu quốc gia vì các bạn vẫn có một hoa hậu quốc tế khác".

Hành động trái ngược với lời nói khiến tổ chức Hoa hậu Siêu quốc gia mất điểm với fan Việt và quốc tế. Sau ồn ào mua bán giải, nhiều người đang kêu gọi tẩy chay và loại cuộc thi ra khỏi hệ thống Big 5.

Bạn đang xem: Ồn ào mua bán giải nhấn chìm Hoa hậu Siêu quốc gia

Chuyên mục: Giải trí

Chia sẻ bài viết