Những thói quen sử dụng điều hòa, máy lạnh sai cách gây tốn điện
Những thói quen sử dụng điều hòa tưởng chừng vô hại dưới đây đôi khi sẽ làm tiền điện tăng vọt, thậm chí có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Các bạn hãy theo dõi để điều chỉnh những thói quen này nhé!
Xem nhanh nội dung
Bật/tắt hoặc tăng/giảm nhiệt độ điều hòa liên tục
Có rất nhiều người vẫn giữ thói quen bật điều hòa tới khi phòng mát rồi tắt đi, đến khi nào nóng lại bật lên. Họ nghĩ rằng, cách làm này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều điện năng, tuy nhiên đây lại chính là sai lầm khiến cho tiền điện hằng tháng tăng vùn vụt.
Lý do là bởi, khi điều hòa được bật, máy sẽ cần tiêu thụ một lượng lớn điện năng để thực hiện hàng loạt các tác vụ như khởi động máy nén, khởi động quạt và làm mát không khí tới nhiệt độ yêu cầu. Việc bật/tắt nhiều lần sẽ khiến cho quá trình này lặp đi lặp lại nên rất tốn điện. Hơn nữa, việc bật/tắt máy liên tục còn có thể làm giảm tuổi thọ của cục nóng.
Tương tự như vậy, khi bạn điều chỉnh tăng/giảm nhiệt độ liên tục cũng khiến cho điều hòa phải làm việc nhiều để có thể đáp ứng được yêu cầu về nhiệt độ của bạn, từ đó khiến cho điện năng bị tiêu hao nhiều hơn.
Dùng chế độ Dry sai cách
Một số người truyền tai nhau về hiệu quả tiết kiệm điện khi kết hợp chế độ dry và các loại quạt làm mát. Thế nhưng, họ đâu có biết rằng chế độ Dry chỉ phù hợp sử dụng cho những ngày có độ ẩm không khí cao (khoảng 60 - 70% và thường là vào mùa mưa, nồm ẩm). Còn vào mùa hè oi nóng, độ ẩm không khí luôn thấp, nếu thường xuyên sử dụng chế độ Dry thì sẽ khiến bạn phải đối mặt với tình trạng da khô, nứt nẻ và khó chịu hơn.
Bật điều hòa cả ngày
Vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhiều gia đình thường giữ thói quen bật điều hòa 24/24 giờ. Tuy nhiên, thói quen này không chỉ khiến tiền điện tăng mạnh, ảnh hưởng tới tuổi thọ của máy mà còn gây nên những ảnh hưởng không hề tốt cho sức khỏe.
Thay vì ngồi cả ngày trong phòng điều hòa, bạn nên mở cửa để tranh thủ tận hưởng những làn gió mát tự nhiên, đồng thời để không khí được lưu thông, tránh cho vi khuẩn có cơ hội tích tụ trong phòng nhé.
Che chắn quá kỹ cho cục nóng
Nhiều người cẩn thận tới mức làm giàn che cho cục nóng để tránh những hư hại do thời tiết khắc nghiệt. Thế nhưng, theo các chuyên gia thì việc làm này là hoàn toàn không cần thiết bởi bản thân cục nóng đã được thiết kế đặc biệt với lớp chống ăn mòn, có thể chịu được nắng, mưa nên sẽ không dễ gì mà bị hư hỏng.
Chưa kể tới, việc che chắn cục nóng quá kín còn khiến cho lượng không khí hút vào và lưu thông bị hạn chế, khiến khả năng làm lạnh của cục lạnh bên trong bị giảm đi, từ đó làm cho thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Các chuyên gia cũng khuyên người dùng chỉ cần đặt cục nóng ở nơi không quá thấp để tránh ngập nước và đặt ở nơi thông thoáng để thiết bị hoạt động hiệu quả là đủ rồi.
Không vệ sinh điều hòa định kỳ
Một trong những sai lầm của người dùng khiến tiền điện tăng cao đó chính là không vệ sinh điều hòa định kỳ. Bụi bẩn bám vào sẽ khiến cho khả năng làm mát của điều hòa bị giảm, đồng thời tiêu thụ điện năng nhiều hơn. Bên cạnh đó, nếu không vệ sinh thường xuyên thì điều hòa cũng là nơi mà vi khuẩn trú ngụ, có thể gây nên một số bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là với những gia đình có trẻ nhỏ hay người có sức đề kháng kém.
Lời khuyên dành cho bạn là nên vệ sinh máy lạnh định kỳ 6 tháng một lần hoặc mỗi năm một lần để tránh bụi bẩn, mảng bám gây hỏng hóc và tiêu hao nhiều điện năng.
>>> Xem thêm: Cách vệ sinh máy lạnh điều hòa tại nhà
Thường xuyên đóng kín cửa phòng
Trước đây, trong quá trình sử dụng điều hòa, người dùng được khuyên đóng kín cửa để giúp hơi lạnh không thoát ra ngoài gây lãng phí điện năng. Việc làm này không hẳn sai, thế nhưng nó lại gây nên tình trạng thiếu oxy cục bộ cho căn phòng, đồng thời làm tăng nguy cơ sản sinh vi khuẩn. Chính vì thế, các chuyên gia khuyên rằng, người dùng có thể thiết kế những khe hở để lưu thông không khí nhưng phải đảm bảo khe hở đó không quá lớn nhằm tránh cho hơi lạnh bị thất thoát quá nhiều ra bên ngoài.
Bật nhiệt độ thấp nhất khi vào phòng
Thông thường, khi mới vào phòng có rất nhiều người thường bật nhiệt độ thấp nhất để phòng được làm lạnh nhanh. Thế nhưng, lúc này thiết bị lại phải vận hành hết công suất nên khá tốn điện năng. Ngoài ra, khi hạ nhiệt độ quá thấp như vậy còn khiến cho người dùng có nhiều nguy cơ bị sốc nhiệt. Các chuyên gia khuyên bạn nên bật nhiệt độ ở khoảng 25 độ C, sau đó nếu vẫn cảm thấy nóng thì có thể kết hợp quạt cây hay quạt trần để tăng hiệu quả làm mát. Việc sử dụng kết hợp quạt điện cũng sẽ giúp cho không khí trong phòng được lưu thông, giảm bớt công suất và tần suất làm việc của điều hòa, từ đó giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả hơn.
Mua điều hòa cũ
Nhiều gia đình chọn mua điều hòa cũ thay vì đầu tư một chiếc điều hòa mới. Điều này có thể giúp họ tiết kiệm được một khoản chi phí ban đầu. Tuy nhiên, về lâu dài, việc dùng điều hòa cũ sẽ "ngốn" khá nhiều tiền của gia chủ, ví dụ như tiền bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, chưa kể hiệu suất làm mát của máy cũ không cao do động cơ yếu nên số tiền điện phải chi trả hằng tháng có khi còn cao gấp nhiều lần số tiền mà họ tiết kiệm được do mua điều hòa cũ. Theo các chuyên gia, cứ sau 10 năm sử dụng thì người dùng cần xem xét để thay mới điều hòa nhằm đảm bảo hiệu suất làm mát và khả năng tiết kiệm điện năng.
Trên đây là một số thói quen sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến cho tiền điện bị "đội" lên cao. Hi vọng các bạn sẽ nắm rõ và có được những điều chỉnh kịp thời để hằng tháng không phải quá bận tâm về hóa đơn tiền điện. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
Bạn đang xem: Những thói quen sử dụng điều hòa, máy lạnh sai cách gây tốn điện
Chuyên mục: Điện lạnh
Các bài liên quan
- Máy lạnh, điều hòa để chế độ nào mát nhất?
- 7 Ứng dụng điều khiển điều hòa bằng điện thoại
- Bật điều hòa 16 độ C tưởng mát hơn ai ngờ tiền điện tăng vài lần
- Chọn công suất điều hòa sai cách sẽ tốn điện, hại máy thế nào?
- Chế độ Cool và Dry của điều hòa, máy lạnh: Nên để cái nào?
- Những lưu ý khi sử dụng điều hòa cho trẻ nhỏ