Những điểm đến say đắm lòng người ở Bình Thuận
Bình Thuận là một trong những địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử cùng với những địa danh nổi tiếng với nét đẹp hoang sơ của biển.
Từ cuối tháng 10 đến tháng 3 năm sau, bãi đá ở biển Cổ Thạch thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận khoác lên mình một màu rêu xanh. Biển Cổ Thạch từ lâu thu hút du khách thập phương với khu du lịch tâm linh chùa Hang và bãi biển đá cuội dài chừng 300m mang vẻ đẹp hoang sơ, ấn tượng.Làng chài Mũi Né hay còn được biết đến với tên gọi cảng cá Mũi Né là một ngôi làng nhỏ bình yên nằm ngay trên trục đường Huỳnh Thúc Kháng, dọc đường bờ biển dài khoảng 1 km. Với khung cảnh thiên nhiên mộc mạc, bình yên, làng chài Mũi Né luôn được xem là một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi đến du lịch Phan Thiết. Buổi sáng sớm được xem là khoảng thời gian đẹp nhất tại làng chài Mũi Né. Khi ánh mặt trời ló rạng, tỏa ánh nắng ấm áp cũng là lúc những con thuyền đánh cá từ ngoài khơi trở về.Khu vực Hàm Tiến (TP Phan Thiết) không chỉ có nhiều resort sang trọng mà biển cũng rất đẹp. Bãi biển Hàm Tiến thu hút du khách bởi làn nước trong xanh, những con sóng êm đềm và bờ cát trắng mịn.Ngoài danh hiệu “thiên đường resort”, Phan Thiết còn được biết đến là vương quốc thanh long của Việt Nam. Tổng diện tích vườn thanh long ở Bình Thuận rộng hơn 20.500 ha. Nơi đây không chỉ đơn thuần là nguồn cung cấp trái cây, mà còn trở thành điểm hẹn lý tưởng cho các bạn trẻ yêu thích chụp ảnh.Po Sah Inư là một trong ba nhóm đền tháp Chăm thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai, có niên đại sớm từ đầu thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ IX. Đây là một trong những nhóm đền tháp cổ kính nhất ở Bình Thuận. Nhóm tháp tọa lạc trên ngọn đồi khi xưa có tên là đồi Bà Nài thuộc địa phận thôn Ngọc Lâm (phường Phú Hài, Phan Thiết).Nước mắm Phan Thiết đến tận ngày nay vẫn gìn giữ được cái truyền thống vốn có, ngon sạch nguyên chất, dù đã trải qua rất nhiều thăng trầm của 300 năm làng nghề. Được Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là top 10 nước chấm gia vị nổi tiếng Việt Nam, nước mắm Phan Thiết hôm nay còn được xem là một trong những “món quà lưu niệm” ý nghĩa mà du khách khắp nơi khi đến tham quan nghỉ dưỡng tại thành phố biển đem về biếu tặng người thân, bè bạn.Biển ở Tuy Phong, Bình Thuận còn rất hoang sơ. Đây là bãi biển xã Bình Thạnh, liền kề di tích chùa Cổ Thạch.Mỗi khi nhắc đến Phan Thiết, bãi đá Ông Địa thường xuyên được nhắc tới như một điểm đến khá thân thuộc. Bãi đá là một trong những bãi biển đẹp, còn nguyên vẻ hoang sơ gắn liền với những câu chuyện dân gian lý thú nên khá hấp dẫn với du khách.Mũi Né không chỉ êm đềm và quyến rũ bởi cảnh quan thiên nhiên độc đáo, mà còn ẩn chứa nhiều âm điệu nhộn nhịp của cuộc sống miền biển. Điều này lý giải vì sao, nơi đây luôn có một lượng du khách đến chỉ để lặng yên tận hưởng quà tặng của thiên nhiên.Bãi đá 7 màu nằm ngay dưới chân chùa Hang cũng là điểm đến tuyệt đẹp ở Bình Thuận. Nơi đây quy tụ hàng nghìn viên sỏi đá mang đủ màu sắc, đủ hình dạng, kích cỡ, lấp lánh dưới nắng mặt mặt trời, sóng sánh dưới mặt nước trong veo. Bãi đá 7 màu nằm ở biển Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong). Đây là vùng biển có bãi đá 7 màu “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.Mũi Kê Gà tọa lạc tại huyện Hàm Thuận Nam cách trung tâm Phan Thiết khoảng 30 km, sau nửa giờ chạy xe là du khách có thể ghé thăm ngọn hải đăng được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam này. Không chỉ cổ nhất Đông Nam Á, hải đăng Kê Gà cũng là ngọn hải đăng cao nhất khu vực với 200 bậc thang xoáy trôn ốc và tổng chiều cao lên đến 35m.Cách TP Phan Thiết gần 100 km và TPHCM khoảng 300 km, biển Cổ Thạch phù hợp với du lịch 4 mùa. Tuy nhiên, từ cuối tháng 10 đến tháng 3 năm sau là thời điểm đẹp nhất để du khách ghé thăm vì đang vào mùa rêu xanh phủ kín trên những bãi đá. Bãi đá với những hình thù kỳ quái được phủ lên màu xanh kỳ lạ của rêu, thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm về đây.Cù Lao Câu hay còn gọi Hòn Câu là một đảo nhỏ với chiều dài khoảng 1,5 km thuộc huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận). Gần đây, hòn đảo này được dân mê xê dịch khám phá và xuýt xoa bởi độ xanh trong của nước biển đến mức dễ dàng nhìn thấy đáy, bãi cát trắng trải dài và những khối đá nhiều hình dạng khác nhau đã làm xao xuyến khách du lịch khi đặt chân đến đây.Suối Tiên còn có tên gọi khác là Suối Hồng - con suối đặc biệt nằm tại Mũi Né (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Con suối bắt nguồn từ làng Dừa (xã Thiện Nghiệp) chảy qua phường Hàm Tiến, sau đó đổ ra biển với tổng chiều dài khoảng 1,8 km. Khi đến đây, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì con suối chỉ là một khe nước chảy khuất sau những đồi cát đỏ, cát vàng vốn là “đặc sản” của du lịch Mũi Né.Gành Son hay còn được người dân địa phương gọi là Ghềnh Son, tọa lạc ở xã Chí Công (huyện Tuy Phong). Sở dĩ có tên gọi đặc biệt như vậy là bởi nơi đây có những gành, đồi đất sét với màu đỏ độc đáo. Gành Son được ưa thích bởi vẻ đẹp hoang sơ, chưa bị tác động bởi bất kỳ điều gì. Đặc biệt, đứng từ trên Gành Son, du khách còn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh làng chài nhộn nhịp, sầm uất.Ở phía Bắc đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cách khoảng 200 - 300m có 3 hòn đảo lẻ nằm cạnh nhau là hòn Đen, hòn Đỏ và hòn Giữa. Hòn Đen toàn đá đen, do đó người dân nơi đây còn gọi là hòn Nghiên hay hòn Mực. Hòn Giữa là một dãy gành đá bén nhọn nằm cạnh Hòn Đen, tựa như cầu nối giữa hòn Đen và hòn Đỏ. Đây là điểm tham quan nổi tiếng của đảo Phú Quý.Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận khánh thành ngày 19/5/1986 nhân kỷ niệm 96 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng tọa lạc tại thị xã Phan Thiết, bên dòng sông Cà Ty - là một tổng thể các công trình lịch sử, văn hóa gồm: Khu di tích Trường Dục Thanh, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy học từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911; nhà bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tượng đài về Người. Khu di tích Dục Thanh được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo quyết định số 235 QĐ/BT ngày 12/ 4/1986.
Theo Duy Quang/ Tiền Phong
Bạn đang xem: Những điểm đến say đắm lòng người ở Bình Thuận
Chuyên mục: Du lịch