Nhóm thực phẩm F0 điều trị tại nhà không nên sử dụng

Người mắc Covid-19 nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như: Mỡ động vật, phủ tạng động vật; các thực phẩm chứa nhiều muối; các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt, rượu, bia…

Sở Y tế Hà Nội vừa đưa ra hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng với các loại thực phẩm dành cho F0 cách ly, điều trị tại nhà nên và không nên sử dụng.

Theo đó, suy dinh dưỡng ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của hệ miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ của cơ thể khỏi nhiễm trùng. Hơn nữa, suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời gian phục hồi, tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong.

Vì vậy, thực phẩm bệnh nhân Covid-19 nên dùng là gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn; các loại hạt: đậu đỗ, vừng, lạc; sữa và các sản phẩm từ sữa: sữa bột, sữa tươi, sữa chua.

Đồng thời, F0 cách ly, điều trị tại nhà nên dùng thịt các loại, cá, tôm; trứng và các sản phẩm từ trứng; dầu thực vật, dầu oliu, dầu cá; ăn đa dạng các loại rau; quả tươi…

Đặc biệt, người mắc Covid-19 nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như: Mỡ động vật, phủ tạng động vật; các thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa muối, cà muối…). Bên cạnh đó, F0 cũng nên nói không với các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt, rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng tư vấn chế độ ăn cho F0 không có triệu chứng. Với F0 không có triệu chứng, chế độ ăn như người khỏe mạnh bình thường như sau:

Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng và phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm, thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Theo BS Tiến, khẩu phần ăn hằng ngày cần có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản... đậu, đỗ...) cũng như chất béo động vật và thực vật.

Nên sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, các loại đậu đỗ, dầu thực vật, hạn chế các chất béo từ các thịt gia cầm (gà, vịt...), thịt động vật (lợn, bò...). F0 điều trị tại nhà cũng nên sử dụng chất đạm đa dạng từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau và ngay cả trong một nguồn thực phẩm động vật hoặc thực vật.

Nhóm thực phẩm F0 điều trị tại nhà không nên sử dụng-1
Y sĩ  thăm khám, đo nhiệt độ cho F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Liên

Người bệnh cần hạn chế các loại thịt đỏ 70-80g/ngày/người như bò, heo, cừu... Chế độ ăn của F0 cần tăng cường ăn thực phẩm lành mạnh như cá, hải sản, trứng, sữa và các chế phẩm của sữa, thịt gia cầm, các loại đậu đỗ, đậu tương và sản phẩm từ đậu tương...

Khẩu phần ăn hằng ngày cho F0 cần có sự phối hợp với tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản... đậu, đỗ...) cũng như chất béo động vật và thực vật.

Với người trưởng thành, nên ăn chất đạm động vật theo tỉ lệ khoảng 30%-50% tổng số chất đạm, tỷ lệ lipid động vật/lipid tổng dưới 60%. “Tuổi càng cao, người bệnh nên ăn lượng protein từ động vật vừa phải, cần bổ sung lượng protein hợp lý theo tỷ lệ là 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật”, BS Tiến nhấn mạnh.

Với trẻ nhỏ, nguồn đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, vì vậy lượng protein nên theo tỷ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, người bệnh tăng cường sử dụng rau xanh và hoa quả trong bữa ăn hàng ngày, vì rau quả cung cấp các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa. Các vitamin A, C, D, E và chất khoáng như sắt, kẽm… có vai trò trong chống viêm, chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng và miễn dịch. Nhu cầu rau xanh 300-400 g/người/ngày và quả chín 200-300g.

Khi chế biến bữa ăn nên dùng thêm các loại gia vị như hành, tỏi, sả, gừng…vì ngoài vitamin và khoáng chất, chúng còn có chất kháng sinh thực vật. Đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến. Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu.

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến cũng lưu ý: “F0 phải bổ sung nước thường xuyên. Với người trưởng thành, cần bổ sung từ 1,6 - 2,4 lít nước/người/ngày (tương đương 8 - 12 ly thủy tinh)”.

Ngoài việc đảm bảo nhu cầu nước hàng ngày, một số ít người F0 có thể diễn biến ho, sốt, viêm phổi… dẫn đến bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali…vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất, giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết.

Việc lựa chọn nước uống để bổ sung thêm là các loại nước như oresol, nước dừa, sinh tố hoa quả chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước xoài, rau má… Ngoài cung cấp nước, chúng còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

“Không nên sử dụng rượu, bia vì khó cho việc theo dõi diễn biến của bệnh, hạn chế sử dụng các loại nước ngọt, nước có gas. F0 cũng nên tăng cường sử dụng rau xanh và hoa quả trong bữa ăn hàng ngày, vì rau quả cung cấp các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa”, BS Tiến nhấn mạnh.

Bạn đang xem: Nhóm thực phẩm F0 điều trị tại nhà không nên sử dụng

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết