Ngộ độc khi ăn so biển, hai người dân tại Quảng Ninh rơi vào tình trạng nguy kịch
Theo thông tin từ bệnh viện Bãi Cháy, vừa qua vào ngày 7/6, các bác sĩ tại đây đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị thành công cho hai trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp, hôn mê sâu nguy kịch do ngộ độc so biển.
Hai bệnh nhân nam là ông Lê V. K. (64 tuổi) và Lê V. N. (57 tuổi) trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh đã nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mất toàn bộ phản xạ gân xương và đồng tử, suy hô hấp, tiên lượng nguy kịch. Qua khai thác thông tin, trưa ngày 7/6, hai bệnh nhân cùng ăn con so nướng, sau ăn xuất hiện tình trạng tê bì môi lưỡi, yếu tay chân, nôn, khó thở, được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân ngộ độc so, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp cứu thải độc, hồi sức tích cực theo phác đồ như thông khí nhân tạo, thở máy, bơm than hoạt tính, rửa dạ dày… Sau 24 giờ điều trị tích cực, đến thời điểm hiện tại hai bệnh nhân đã thoát nguy cơ tử vong, chỉ số sinh tồn ổn định, có ý thức phản xạ cơ, tay chân đáp ứng y lệnh của bác sĩ.
Bệnh nhân bị ngộ độc so biển được cấp cứu tại Bệnh viện Bãi
Cháy.
Theo Bệnh viện Bãi Cháy, đây là hai trường hợp bệnh nhân ngộ độc so nguy kịch trong số các trường hợp ngộ độc so Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận từ đầu năm đến nay.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thế Hưng – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bãi Cháy, độc tố so biển tác động mạnh lên thần kinh (đặc biệt là liệt), ngoài ra còn ảnh hưởng đến tim mạch và tiêu hóa. Chỉ với liều độc rất thấp có thể gây rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử, nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp… khiến bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh, ngừng tim, ngừng thở, thậm chí tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân ngộ độc nặng do so biển được điều trị hồi sức tích
cực tại Bệnh viện Bãi Cháy.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, con so và con sam đều sống ở vùng ven biển, đầm nước mặn và các cửa sông, có hình dạng giống hệt nhau tuy nhiên nếu ăn phải con so biển sẽ bị ngộ độc do có chứa độc tố tetrodotoxin. Độc tố Tetrodotoxin giống như độc tính của độc tố ở cá nóc, không bị nhiệt phá huỷ, khi chế biến qua các đường nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại. Đây là độc tố cực độc, được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, nên chỉ khoảng 30 phút sau khi ăn các triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện.
Con so biển có hình dạng giống với sam biển. (Ảnh:
Internet).
Tuy bệnh viện đã nhiều lần cảnh báo cũng như truyền thông liên quan đến các ca ngộ độc nhưng tình trạng người dân nhập viện do ngộ độc con so biển vẫn diễn ra. Hình dạng của con so rất giống con sam nên các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng phân biệt giữa con so và con sam khi sử dụng để chế biến món ăn, tuyệt đối không ăn các món ăn từ con so.
Hiện nay không có thuốc giải độc đặc hiệu nên khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi…nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ trước đến nay, nhiều trường hợp ngộ độc chết người do ăn so biển đã được ghi nhận. Nguyên nhân các trường hợp mắc đa số là do cố tình ăn và một số trường hợp do nhầm so biển là sam biển nên dùng so biển để chế biến món ăn.
Bạn đang xem: Ngộ độc khi ăn so biển, hai người dân tại Quảng Ninh rơi vào tình trạng nguy kịch
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Gia đình chủ nhà và 6 người khách phải nhập viện sau bữa ăn
- Cả nhà nhập viện, một người tử vong sau bữa tối
- Nhiều thực phẩm chứa chất kịch độc, nhiều người Việt vẫn vô tư ăn hằng ngày
- Đừng ăn cơm theo cách này vì có thể khiến cả gia đình đối mặt với hàng tá bệnh
- Người đàn ông ngộ độc nguy kịch do ăn so biển
- Thịt gà chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh bao lâu để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm?