Mua vào hay bán ra khi giá vàng lên xuống thất thường?
Tiếp tục mua vào hay bán ra là bài toán khó của giới đầu tư trong bối cảnh giá vàng lên xuống thất thường trong những phiên giao dịch gần đây.
Chiều qua (28/3), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 68,6 - 69,32 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán so với ngày trước đó. Chênh lệch mua bán là 720.000 đồng/lượng.
Lúc 7h sáng nay (29/3), giá vàng giao ngay trên Kitco là 1.925 USD/ounce (tương đương 53,16 triệu đồng/lượng), giảm 32 USD so với hôm qua (28/3). Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 16,16 triệu đồng/lượng.
Giá vàng sụt giảm trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh và lợi tức trái phiếu Mỹ tăng. Cụ thể, giá dầu thô tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) chỉ còn 108 USD/thùng, trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giữ lợi suất 2,452%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Giới phân tích cho rằng, lợi suất trái phiếu có khả năng tăng cao hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay về vấn đề lãi suất. Vào thứ 3 tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh, Fed sẽ thực hiện mọi giải pháp để giữ giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Giá vàng lên xuống thất thường khiến giới đầu tư đau đầu (Ảnh: Tiến Tuấn).
Tuy nhiên, ông Nicky Shiels từ MKS PAMP lại nhận định, đường cong lợi suất đang đảo ngược cho thấy kinh tế Mỹ đang suy yếu. Theo ông, dấu hiệu có thể nhìn thấy rõ nhất là trái phiếu kỳ hạn dài hơn mang lại lợi suất thấp hơn so với trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn.
Hiện tại, có rất nhiều quan điểm xung quanh việc đường cong lợi suất đảo ngược có phải là dấu hiệu báo trước của suy thoái hay không. Nhưng trước đó, đường cong lợi suất từng đảo ngược vào năm 2019 trước khi nền kinh tế rơi vào suy thoái do dịch Covid-19. Năm 2007, đường cong lợi suất cũng đảo ngược trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ngoài ra, chiến sự ở Ukraine chưa hạ nhiệt và những lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây áp lên Nga cũng là nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng, thị trường tài chính rung lắc.
Mới đây, Anh đã bổ sung lệnh cấm giao dịch vàng Nga vào danh sách các lệnh hạn chế của London vì chiến sự ở Ukraine. Động thái trên diễn ra sau khi có những quan ngại rằng, Nga có thể sử dụng vàng dự trữ để "lách" lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hôm 24/3, Bộ Tài chính Mỹ cũng phát hành thông báo cấm các giao dịch vàng với Nga, nhằm vào kho dự trữ khoảng 2.300 tấn trị giá hơn 130 tỷ USD của Moscow.
Nga hiện có lượng vàng dự trữ lớn thứ 5 thế giới. Họ bắt đầu gia tăng kho vàng từ 8 năm trước kể từ khi bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập bán đảo Crimea.
Đáp trả hành động trên, hôm 25/3, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) thông báo sẽ bắt đầu mua vàng trở lại từ các ngân hàng trong thời gian 28/3 - 30/6. Tuy nhiên giá mua sẽ được cố định ở mức 5.000 rúp (tương đương 52 USD/gram).
CBR cho biết, việc mua vàng sẽ giúp đảm bảo nguồn cung và sản xuất vàng trong nước không bị gián đoạn. Dù 2 tuần trước đó, Ngân hàng trung ương Nga đã phải tạm dừng việc mua vàng từ các ngân hàng vì nhu cầu của người dân tăng vọt. Điều này cho thấy, người Nga đang gia tăng tích trữ kim loại quý để bảo vệ khoản tiết kiệm trước lo ngại đồng rúp trượt giá.
Bạn đang xem: Mua vào hay bán ra khi giá vàng lên xuống thất thường?
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Giá vàng hôm nay 5/4: USD tăng vọt, vàng vẫn leo thang
- Giá vàng hôm nay 4/4: Nga - Ukraine khó đoán, 'ôm tiền' chờ tăng giá
- Giá vàng hôm nay 3/4: Kết thúc tuần giảm giá
- Giá vàng hôm nay 2/4: Bất ổn kéo dài, vàng giảm giá
- Giá vàng hôm nay 1/4: Cất giữ an toàn, vàng tiếp tục tăng giá
- Giá vàng hôm nay 31/3: Vàng dồn dập tăng trở lại