Loại cá xưa ít người ăn, nay thành đặc sản Quảng Bình
Loại cá này có kích thước nhỏ, thân lép kẹp, thịt nhão nên khi xưa không được ưa chuộng.
Có lẽ không nhiều người biết tới loài cá lẹp. Loại cá này có kích thước nhỏ, thân mình lép kẹp. Chúng thường được đánh bắt tại bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình). Tập tính kiếm ăn của cá lẹp là ở tầng nước mặt vào ban đêm, bởi vậy muốn đánh bắt chúng, ngư dân cần dùng lưới vào ban ngày và kết hợp thêm hệ thống đèn cao áp vào ban đêm. Quy trình đi đánh bắt cá lẹp ban đêm cứ tiếp tục theo trình tự như thế cho đến khi mặt trời ló dạng. Để thu được những mẻ cá lớn, nhiều người phải thức trắng đêm và đối mặt với sóng to gió lớn của biển cả.
Thân của cá lẹp rất mềm do xương cá không cứng, thịt cá nhão và rất nhiều mỡ. Cá lẹp tuy béo nhưng khi kho nấu thường thịt cá sẽ nhanh rời ra cùng mỡ tan trong nước khiến nước kho đục, ăn không còn mùi vị gì. Đó cũng là lý do khiến chúng không được ưa chuộng. Cho đến khi người dân Quảng Bình tìm cách chế biến loại cá này sao cho thật ngon. Muốn giữ được độ ngậy và hương vị của cá lẹp, thông thường sẽ có 2 cách chế biến, đó là nướng trên than đỏ và đem làm mắm.
Công đoạn chế biến nên những hũ mắm lẹp Quảng Bình chất lượng không quá phức tạp. Các loại cá khác khi đánh bắt về sẽ được làm sạch, cắt khúc vừa ăn và đem ngâm muối một thời gian. Sau đó, cá sẽ được vớt ra rồi trộn với bột gạo rang hoặc ngô rang xếp lại vào chum để bảo quản 2 - 3 tháng mới thành món mắm thính. Riêng với cá lẹp lại khá đơn giản, người dân đánh bắt cá về rồi làm sạch, sau đó trộn muối vào cá, ép trong vài ba ngày là đã có được thành phẩm mắm lẹp Quảng Bình thơm ngon.
Món mắm lẹp thường sẽ được ăn kèm với rau mưng - là một loại rau rừng thân cây to và thường mọc ở khe suối, sông hồ, khi ăn có vị chát nhẹ. Ngoài ra, mắm lẹp chỉ cần đun chín, nêm nếm thêm tí gia vị và ăn với cơm trắng cũng rất bắt vị.
Mắm lẹp Quảng Bình có thể được tìm mua ở những cửa hàng đặc sản hoặc trong các khu chợ Quảng Bình như chợ Tréo, chợ Đồng Hới, chợ Hoàn Lão, chợ Ga,…
Ngoài mắm lẹp, cá lẹp tươi mang về sơ chế sạch sẽ rồi kẹp que tre, nướng trên than hồng. Than củi dương đỏ rực, phả sức nóng đều nên những chú cá sớm đổi màu. Mùi thơm của biển, của cá sực nức. Vỏ cá vàng hươm, cháy sém bắt mắt. Cá lẹp nhanh chóng chín đều, gỡ nhẹ tay thì lớp thịt trắng bong đã hiện ra.
Pha nước mắm chua ngọt thật đậm đà. Vắt chanh mạnh tay, giã tỏi, thêm nạm ớt tiêu cay xè, nhúm đường, rót nước mắm ruốc thơm sực nức. Thế là ta có ngay thức chấm tuyệt vời.
Ngắt một vài đọt mưng, ngồi nhâm nhi với cá lẹp. Cá lẹp phải gói ghém cùng với rau mưng ăn mới đúng kiểu. Vị béo ngậy của cá kết hợp với cái đắng chát của rau mưng lại tạo ra sự cân bằng tuyệt vời cho món ăn.
Từ loài cá không ai ưa chuộng, nay cá lẹp lại trở thành một đặc sản dân dã, ngon lành ở Quảng Bình. Nếu có dịp du lịch đến đây, du khách đừng quên nếm thử nhé, chắc chắn sẽ khó lòng quên được.
Bạn đang xem: Loại cá xưa ít người ăn, nay thành đặc sản Quảng Bình
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Mầm, lá các loại rau củ trước bỏ đi nay thành đặc sản đắt đỏ
- Loại củ có tên lạ, trước ít ai biết nay là đặc sản, dân buôn ngày bán cả tạ
- Dân Quảng Ninh đi đào loại giun này, đem bán giá hàng triệu đồng/kg
- Phế phẩm vứt đầy chợ thành món ăn vặt đắt tiền giá lên đến hơn nửa triệu/kg
- Loại rau đặc sản miền núi xuống phố, dân buôn ngày bán cả tạ
- Loại quả rừng xưa ăn chống đói, giờ thành đặc sản được chị em tranh nhau mua