Lít xăng, viên thuốc tăng không thấy đỉnh, dân Việt lo tiền 'bốc hơi'
Mới đầu năm, cú sốc tăng giá của xăng dầu, thực phẩm, thuốc men, phân bón… khiến người dân, doanh nghiệp chới với.
Sức ép tăng giá: Xăng dầu thành tác nhân chính
Tính từ đầu năm đến 2/3, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 5 lần và đều tăng liên tục. So với kỳ điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng E5 đã tăng thêm gần 2.918 đồng/lít, xăng RON95 tăng 2.958 đồng/lít, dầu diesel tăng 3.071 đồng/lít... Kỳ điều hành ít ngày tới, dự báo giá xăng dầu lại lập đỉnh mới.
Theo Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Việc giá dầu thô thế giới cũng như giá xăng dầu thành phẩm tăng cao sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Tại cuộc tọa đàm về kiểm soát lạm phát do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 9/3, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tính toán: Giá xăng dầu tăng 10% làm lạm phát tăng 0,36%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI hai tháng đầu năm 2022 tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ năm trước, việc tăng giá xăng dầu làm CPI chung tăng tới 1,63 điểm phần trăm.
Xăng dầu đang chịu nhiều áp lực tăng giá
Cùng với giá cả nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu khác tăng đột biến, áp lực lạm phát cho năm 2022 được ông Nguyễn Bích Lâm đánh giá là “rất lớn”.
Áp lực thứ nhất, theo chuyên gia này, đó là tổng cầu tăng đột biến, thể hiện ở doanh thu bán lẻ hai tháng đầu năm đã dương, thay vì mức âm như của năm 2021. Đặc biệt, 2 năm tới gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng sẽ thúc đẩy tổng cầu, trong khi nguyên nhân gây ra lạm phát chính là tổng cầu tăng.
Áp lực thứ hai là giá cả nguyên vật liệu tăng cao khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Áp lực thứ ba là đứt gãy chuỗi cung ứng, đây là nguyên nhân gây ra lạm phát rất cao trên thế giới. Việc thiếu hụt lao động khiến DN phải chi thêm tiền để tuyển dụng lao động, đào tạo cũng khiến chi phí tăng.
“Đó là các yếu tố tạo áp lực lạm phát cho năm 2022”, ông Lâm đúc kết.
Ông Nguyễn Bá Khang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng: “Giai đoạn hiện nay khác các chu kỳ lạm phát trước. Tất cả chu kỳ lạm phát trước đây đều do tổng cầu tăng quá nhanh, cao hơn sản lượng tiềm năng của nền kinh tế. Còn lần này, lạm phát được gây ra do thiếu hụt nguồn cung hàng hóa cơ bản để phục vụ cho sản xuất”.
Theo ông Khang, quý I/2022, lạm phát có thể tăng 2-2,2% so với quý I/2021. Dù gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ làm tăng tổng cầu, nhưng ông Khang cho rằng “không quá lo gói này làm tổng cầu gia tăng quá mức”. Điều quan trọng, để kiểm soát lạm phát, cần tăng cường phối hợp giữa các chính sách khác nhau như tài khóa, tiền tệ cùng chính sách hỗ trợ khác.
Nguồn cung khan hiếm sẽ đẩy giá cả tăng
“Bản chất rủi ro lạm phát lần này là thiếu hụt cung”, ông Nguyễn Bá Khang nhắc lại. “Cho nên, việc kiểm soát tổng cầu, tín dụng, lo ngại cung tiền tăng cao quá chưa phải là vấn đề cần đặt ra lúc này”.
Giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng gây áp lực lên lạm phát
“Chúng ta cần tập trung cho mục tiêu phục hồi kinh tế. Để làm được, rõ ràng, vai trò bình ổn giá, kiểm soát lạm phát là rất quan trọng. Đầu tiên cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được tăng giá hàng hóa tiêu dùng, khi đó sẽ có nền tảng phát triển kinh tế bền vững”, ông Khang khuyến nghị.
Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, giá cả ổn định, lạm phát được kiểm soát sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển kinh tế. Khi giá cả ổn định sẽ giữ được ổn định vĩ mô. Đây là yếu tố quan thời gian qua Việt Nam đã làm tốt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất, đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, khi giá cả ổn định, kiểm soát được lạm phát sẽ giúp triển khai các dự án đầu tư, nhất là liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng. Giá cả tăng cao buộc nhà thầu phải mất thời gian đàm phán lại với chủ đầu tư, khiến dự án chậm tiến độ. Khi không bị chậm tiến độ, dự án sẽ sớm phát huy hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng không chỉ năm nay năm sau mà nhiều năm tiếp theo. Mặt khác, giá cả ổn định không làm thu nhập người dân suy giảm, họ sẽ yên tâm chi tiêu, đầu tư - yếu tố thúc đẩy tổng cầu tăng.
Theo chuyên gia này, ổn định vĩ mô sẽ không gây rủi ro và làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác, đặc biệt là các chính sách đề ra trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ.
Phân tích sâu hơn, ông Lâm thấy rằng trong đó chính sách tài khóa chiếm tới 291 nghìn tỷ (83%), chính sách tiền tệ 55 nghìn tỷ (chiếm 14%), còn 3% là chính sách hỗ trợ khác.
Liệu gói hỗ trợ có làm "cung tiền ào ạt, gây ra lạm phát", ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định: Thực sự không phải như vậy.
“Trong gói tiền tệ, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% với nhiều mặt hàng, dịch vụ. Như vậy, chính sách này không phải tăng cung tiền. Hay việc cấp bù lãi suất cho DN cũng không phải là bơm tiền. Đáng ra, DN phải trả 10% chi phí vay, giờ chỉ phải trả 9%. Đó là các giải pháp được Chính phủ, các bộ nghiên cứu kĩ, có kế hoạch triển khai bài bản, đúng liều lượng nên không gây lạm phát”, ông Lâm nói.
Nhưng áp lực lạm phát của gói này, theo ông, là khi nhu cầu tăng thì sẽ cần sử dụng nhiều nguyên vật liệu hơn, như đầu tư cơ sở hạ tầng thì phải dùng nhiều sắt thép, vật liệu xây dựng. Như vậy, áp lực tăng lạm phát từ gói phục hồi kinh tế này không phải đến từ việc cung tiền, mà là từ việc làm thế nào đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu cho nền kinh tế.
Cho nên, phải đảm bảo đủ nguồn cung, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng để không tạo ra lạm phát, góp phần kích thích phục hồi kinh tế, ông lưu ý.
Bạn đang xem: Lít xăng, viên thuốc tăng không thấy đỉnh, dân Việt lo tiền 'bốc hơi'
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Đau đớn ôm vàng, 1 ngày lỗ ngay 5 triệu/lượng
- Bất ngờ hoa quả dội chợ rẻ như cho, chị em chi tiền mua cả thùng về chia nhau.
- Dốc tiền dưỡng già mua 20 lượng vàng, ông bà ngồi chơi thắng đậm 300 triệu
- Nhót đầu mùa bán gần 100 ngàn/khay vẫn được 'săn lùng'
- Nỗi đau F1: Đau ví mua kit test giá ngất ngưởng, nay nháo nhào thanh lý giá rẻ
- Giá vàng cao nhất trong lịch sử, các chuyên gia nói gì?