Hoa gạo nở vào mùa nào? Những địa điểm chụp hoa gạo đẹp nhất

“Lập loè cây gạo ra hoa. Nghe trong sâu thẳm cây đa, đình làng. Ẩn trong tiềm thức mơ màng. Một vùng quê, một mùa vàng bội thu”. Hoa gạo - một loài hoa bình dị, rất đỗi thân quen và gắn liền với tuổi thơ của nhiều người Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ muốn lưu giữ những hình ảnh đẹp bên hoa gạo. Vậy hoa gạo nở vào mùa nào? Địa điểm chụp hoa gạo đẹp nhất là ở đâu? Mời bạn theo dõi bài viết này của chúng tôi để có câu trả lời nhé.

Hoa gạo là hoa gì? Hoa gạo nở vào mùa nào?

Hoa gạo còn gọi là hoa gì? Hoa gạo màu gì? Đây là câu hỏi mà khá nhiều người đặt ra. Hoa gạo còn có nhiều tên gọi khác nhau như mộc miên, hồng miên hoặc Pơ-lang (theo cách gọi của người Tây Nguyên). Nó thực chất là hoa của cây gạo - một loại cây ở vùng nhiệt đới, có thân cao, thẳng và có lá rụng vào mùa đông. Thân cây gạo thường có nhiều gai với mục đích ngăn chặn sự tấn công của các loài động vật. Mặc dù thân cây gạo khá cao lớn nhưng gỗ của nó lại khá mềm nên thường không được tận dụng nhiều. Loại cây này có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng hiện nay nó được trồng rộng khắp các nước như Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông...

Hoa gạo có màu đỏ gồm 5 cánh và thường nở vào mùa xuân (khoảng tháng 3 hay tháng 4 Dương lịch) trước thời điểm cây ra lá non.

Hoa gạo nở vào mùa nào

Sự tích hoa gạo

Chuyện kể rằng, xưa kia, có một chàng trai nghèo yêu một cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị làm đám cưới thì trời bỗng đổ cơn mưa to, lũ lớn khiến nhà cửa, lễ vật của chàng trai bị cuốn trôi hết. Dân làng bèn trồng cây nêu để chàng trai lên trời hỏi sự tình. Ngày ra đi, chàng trai buộc vào cổ tay người yêu một băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thủy chung.

Khi gặp Ngọc Hoàng, chàng thưa rằng: "Trần gian mưa nắng thất thường khiến cuộc sống con người khổ cực, lầm than, xin Ngọc Hoàng xem xét lại".

Ngọc Hoàng bèn hỏi ai trông coi chuyện mưa nắng, một vị thần tâu: "Đó là thần Sấm nhưng thần vốn ham vui nên có đôi khi chểnh mảng".

Thần Sấm bèn thưa: "Một mình thần nên làm không xuể, xin người giữ chàng trai này ở lại phụ giúp thần". Ngọc Hoàng chuẩn tấu và truyền lệnh nâng bầu trời xa khỏi mặt đất để người hạ giới không thể lên được nữa. Chàng trai đành ngậm ngùi ở lại làm thần Mưa. Vì nhớ người yêu, nước mắt chàng tuôn trào không ngớt.

Còn về phần cô gái, vì mong nhớ chàng trai nên ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu ngóng trông tin tức của chàng. Vào một ngày tháng Ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Biết chuyện, ngài đã cho cô gái xin một điều ước.

Cô gái thưa với Ngọc Hoàng: "Xin người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, có thân thẳng, ngọn cao để thần có thể nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ này biến thành bông hoa để anh ấy có thể nhận ra thần".

Thỏa nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống và trở thành một loài hoa rất đẹp. Người ta gọi đó là hoa gạo, loài hoa đỏ rực rỡ như tình yêu nồng thắm của chàng trai và cô gái.

Sự tích hoa gạo

Ý nghĩa và tác dụng của hoa gạo đỏ

Ý nghĩa của hoa gạo

Từ sự tích hoa gạo, chúng ta có thể thấy loài hoa này là biểu tượng cho tình yêu thủy chung, son sắt của đôi lứa. Dù cho có khó khăn, cách trở thì với tình yêu chân thành nhất định họ vẫn đợi chờ nhau để được sum vầy, đoàn tụ.

Bên cạnh đó, hoa gạo nở còn là tín hiệu cho thấy đông tàn, xuân tới, vì thế nó còn tượng trưng cho niềm vui, hi vọng, cho những điều hạnh phúc, sung túc, đủ đầy.

Hoa gạo cũng là một nét đặc trưng của làng quê Việt Nam, của sự bình yên, mộc mạc tới lạ kỳ. Ngoài ra, trong phong thủy, cây hoa gạo cũng có thể xua đuổi tà ma, quỷ dữ mang tới cho con người sự an lành, may mắn.

Tác dụng của hoa gạo đỏ

Cây hoa gạo bên cạnh tác dụng tạo bóng mát, trừ tà (theo quan niệm phong thủy) thì còn được bào chế thành nhiều bài thuốc rất tốt cho sức khỏe. Theo Đông y, hoa gạo có vị ngọt, hơi chát những rất mát. Hoa và rễ cây gạo đem phơi khô rồi tán thành bột mịn có thể dùng để làm các vị thuốc tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc hay điều trị các chứng mẩn ngứa, tiêu chảy, đau dạ dày...

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng hoa gạo, lá non... để làm nên nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn vô cùng lạ miệng nữa đấy.

Tác dụng của hoa gạo đỏ

Những địa điểm chụp hoa gạo đẹp nhất

Hoa gạo là một loài hoa đẹp, chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt lành. Chính vì thế, cứ tới dịp tháng 3, nhiều người lại nô nức kiếm tìm những địa điểm đẹp để lưu giữ những khoảnh khắc bên loài hoa đặc biệt này. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn một số địa điểm chụp những hình ảnh hoa gạo tháng 3 đẹp nhất ngay tại Hà Nội. Mời bạn cùng tham khảo nhé.

Chùa Hương 

Chùa Hương tọa lạc ở xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Đây không chỉ là một địa điểm tâm linh nổi tiếng, thu hút được rất đông du khách tới tham quan, thưởng ngoạn mà cứ vào tháng 3, nơi đây còn được biết tới là địa điểm chụp ảnh hoa gạo tuyệt vời.

Sẽ thật thú vị khi du khách vừa được xuôi theo dòng suối Yến thơ mộng, lại bắt trọn được khoảnh khắc hoa gạo nở đỏ thắm một góc trời.

>> Tham khảo: Kinh nghiệm đi lễ chùa Hương - Trọn bộ văn khấn chùa Hương chuẩn nhất

Chùa Hương

Thôn Đoan Nữ - Mỹ Đức

Thôn Đoan Nữ thuộc xã An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Nội. Đây được coi là một địa điểm có nhiều hoa gạo và đẹp nhất Hà Nội. Địa điểm này nằm ngay sát chùa Hương. 

Khi đến với nơi đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những rặng hoa gạo ngợp trời, nở dọc bờ sông trong không gian đồi núi trùng trùng điệp điệp.

Thôn Đoan Nữ

Chùa Thầy

Chùa Thầy là một ngôi chùa cổ, nổi tiếng linh thiêng ở Hà Nội. Chùa tọa lạc dưới chân dải núi đá vôi hình vòng cung ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Nơi đây không chỉ có cảnh sắc nên thơ mà còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa tâm linh độc đáo, đặc sắc cùng truyền thuyết về thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Cứ vào độ tháng 3, cây gạo lớn trong khuôn viên chùa bắt đầu rực rỡ sắc hoa, in bóng dưới mặt nước trong xanh, tạo nên một khung cảnh vô cùng hữu tình.

Chùa Thầy

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nằm ở số 216 Đường Trần Quang Khải, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây cũng được biết tới là một địa điểm chụp ảnh hoa gạo đẹp, nổi tiếng. 

Khi tháng 3 về, hoa gạo nở rộ làm bừng sang cả một góc trời của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Vẻ cổ kính, trầm mặc của bảo tàng đan xen với sắc đỏ của hoa gạo tạo nên một bức tranh đậm sắc màu hoài cổ.

Ngoài những địa điểm trên, bạn có thể "săn lùng" những khoảnh khắc đẹp với hoa gạo ở một số nơi như đại học Dược, bệnh viện Trung Ương Quân đội 108, Hồ Hoàn Kiếm...

>> Xem thêm: Những địa điểm chụp ảnh, chụp hình đẹp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Hi vọng rằng những chia sẻ trên đây của chúng tôi đã giúp bạn biết được hoa gạo nở vào mùa nào cũng như những địa điểm chụp hoa gạo đẹp nhất. Mùa hoa gạo đang rực rỡ rồi, hãy tận dụng để có được những hình ảnh đẹp, nên thơ với loài hoa đặc biệt này bạn nhé.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.

Bạn đang xem: Hoa gạo nở vào mùa nào? Những địa điểm chụp hoa gạo đẹp nhất

Chuyên mục: Tra cứu thông tin

Chia sẻ bài viết