Giá vé máy bay nội địa quá cao, Cục Hàng không nói gì?

Lãnh đạo Cục Hàng không lên tiếng trước phản ánh của nhiều hành khách cho rằng giá vé máy bay nội địa đã tăng quá cao so với 2 năm trước.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay trên các đường bay nội địa hiện nay đều nằm trong khung giá vé vận chuyển nội địa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Giá vé máy bay nội địa quá cao, Cục Hàng không nói gì?-1

Vé máy bay tăng cao nhưng hầu hết các hãng hàng không vẫn lỗ do chi phí nhiên liệu tăng cao, thị trường quốc tế chưa phục hồi vì COVID-19.

Giá vé trên từng đường bay sẽ theo các dải giá khác nhau trong khung. Việc xác định tỷ lệ số lượng vé theo từng dải giá được hãng hàng không tính toán tùy thuộc chính sách của hãng và các yếu tố cụ thể liên quan đến chuyến bay đó như ngày bay, thời điểm xuất phát nhưng đảm bảo không vượt quá giá trần theo quy định.

Điều đáng nói là dù giá nhiên liệu tăng mạnh, khung giá vé vận chuyển nội địa vẫn chưa có bất kỳ điều chỉnh theo hướng tăng trần như đề nghị của các hãng trong nhiều tháng qua. Thực tế cho thấy khi giá nhiên liệu bay Jet A1 chỉ ở mức 70 - 80 USD/thùng vào những năm trước, chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng 28 - 33% trong tổng chi phí của chuyến bay tùy từng hãng. Nhưng với giá nhiên liệu bay luôn ở ngưỡng 160 - 170 USD/thùng thời gian qua, chi phí nhiên liệu đã chiếm tỉ trọng tới trên 40% tổng chi phí của chuyến bay.

Vẫn theo ông Thắng, mức giá tối đa dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa đang áp dụng đã được ban hành từ 2015 khi giá nhiên liệu bay Jet A1 ở mức khoảng 60 USD/thùng, trên cơ sở điều chỉnh mức giá ban hành năm 2014.

Hiện, giá Jet A1 đã vượt ngưỡng 150 USD/thùng. Trên cơ sở báo cáo và đề nghị của các hãng hàng không, Cục Hàng không đã đề xuất, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải việc điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định tại thời điểm năm 2014, khi giá nhiên liệu vào khoảng 80 USD/thùng.

Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng, Nhà nước chỉ quy định khung giá vận chuyển nội địa, các hãng hàng không chủ động đánh giá, xây dựng mức giá cũng như tỉ trọng số lượng vé theo từng mức giá trong khung, phù hợp với chính sách của hãng hàng không đối với từng đường bay, từng giai đoạn áp dụng nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

"Việc xác định tỉ trọng theo từng mức giá hoàn toàn do thị trường quyết định. Trong thực tế, nhiều đường bay phục vụ kinh tế xã hội hoặc chuyến bay vào khung giờ không thuận tiện cho khách du lịch (quá sớm hoặc quá muộn) vẫn luôn còn nhiều vé ở mức giá thấp dù gần đến ngày bay", ông Thắng nói.

Liên quan đến giá vé máy bay nội địa, khảo sát của VTC News cho thấy, hiện tại, vé máy bay của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways...cho các chuyến bay đến các địa điểm du lịch vào tháng 7 đang tăng nóng từng ngày.

Cụ thể, vé khứ hồi đường bay Hà Nội - Đà Nẵng (đã gồm thuế phí) của Vietnam Airlines dao động từ 3 - 5 triệu đồng, Bamboo Airways, khoảng 3 - 4 triệu đồng tùy giờ bay, Vietjet Air thấp hơn một chút song cao hơn nhiều so với hồi đầu năm hoặc cùng thời điểm những năm trước.

Tương tự, đường bay Hà Nội - Phú Quốc, giá vé của Vietnam Airlines và Bamboo Airways dao động từ 4 - 10 triệu đồng một cặp vé khứ hồi, Vietjet thấp hơn 1 chút cũng trong khoảng từ 3 - 7 triệu đồng/khứ hồi.

Với đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé của Vietnam Airlines cao nhất tới 11 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi, Bamboo Airways khoảng 10 triệu đồng và Vietjet Air là 7 triệu đồng.

Theo đại diện một số hãng bay, giá vé tăng cao do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao sau dịch COVID-19 và giá nhiên liệu đắt đỏ. Đáng chú ý, dù giá vé cao ngất, nhưng hầu hết các hãng hàng không cho biết đang đứng trước nguy cơ mất hàng nghìn tỷ đồng do giá xăng liên tục lập đỉnh.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đang gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu bay tăng mạnh. Từ đầu năm, có thời điểm giá dầu thế giới lên tới 161 USD/thùng, trong khi giá bình quân 2021 chỉ khoảng 73 USD/thùng. Với mức tăng hơn gấp đôi này, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động rất mạnh, càng bay nhiều thì chi phí càng lớn và số lỗ càng nhân lên.

Theo tính toán, chỉ cần với 1 USD/thùng/năm tăng hoặc giảm thì chi phí tăng hoặc giảm sẽ tương ứng 87 tỷ đồng/năm. Hiện, chi phí nhiên liệu bay của Vietnam Airlines trong quý I/2022 chiếm hơn 30% chi phí hoạt động và dự kiến còn tăng sốc trước xu thế tăng giá xăng dầu thế giới.

Trước đó, đại diện một số hãng bay cho hay giá vé hiện nay chỉ bù đắp được chi phí nhiên liệu. Hầu hết các hãng hàng không ở Việt Nam đang lỗ khoảng 100 ỷ đồng mỗi tháng.

Bạn đang xem: Giá vé máy bay nội địa quá cao, Cục Hàng không nói gì?

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết