Đại dịch mới có xuất hiện từ bệnh viêm gan bí ẩn?
Với những thông tin còn chưa đầy đủ, chúng ta khó có thể đánh giá chính xác nguy cơ lây lan trên diện rộng của căn bệnh viêm gan bí ẩn.
Tính đến ngày 9/5, theo con số chưa chính thức, căn bệnh viêm gan bí ẩn đã lan ra ít nhất 23 quốc gia với gần 350 ca mắc trên toàn cầu. Số trường hợp mắc bệnh tăng nhanh cùng tâm lý lo lắng vẫn tồn tại từ sự xuất hiện của Covid-19 khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu thế giới có tiếp tục hứng chịu một làn sóng dịch mới.
Nhiều điều chưa sáng tỏ
Nhận định về chùm ca bệnh gần đây, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết những giả thuyết ban đầu đang nghiêng về việc nghi ngờ căn nguyên là virus Adeno.
Theo đó, ban đầu các nhà khoa học nhận thấy có 79 bệnh nhân dương tính với virus Adeno sau khi xét nghiệm sinh học phân tử. 20 trường hợp khác dương tính với SARS-CoV-2. Trong số này, 19 trường hợp đồng thời nhiễm cả 2 loại virus trên.
Virus Adeno được nghi ngờ là tác nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn ở
trẻ em. Ảnh: CDC.
Từ đây, một số giả thuyết khác cũng được đặt ra về việc SARS-CoV-2 hay vaccine phòng bệnh Covid-19 gây ra tình trạng này.
“SARS-CoV-2 và vaccine Covid-19 được cho là căn nguyên gây kích ứng bệnh tự miễn. Do đó, người ta cho rằng nhiễm nCoV hoặc tiêm vaccine Covid-19 có thể là yếu tố kích hoạt các bệnh tự miễn sẵn có của trẻ và dẫn tới viêm gan tự miễn”, bác sĩ Huyền thông tin.
Ngoài ra, cũng có giả thuyết gần đây thậm chí cho rằng chùm ca bệnh viêm gan còn liên quan tới chó, mèo.
“Tuy nhiên, đến nay, tất cả vẫn là giả thuyết. Chúng chưa được xác định một cách chính xác. Các nhà khoa học trên thế giới vẫn phải tìm hiểu rất nhiều về căn bệnh này”, vị chuyên gia nói.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương, khẳng định hiện thế giới chưa phát hiện được nguyên nhân chính xác của chùm ca bệnh này.
Liên quan giả thuyết lớn nhất là virus Adeno, bác sĩ Hoa cho biết chúng đã được phát hiện từ năm 1953, có 57 type cùng 7 loài khác nhau. Ở người, loại virus này gây bệnh ở nhiều dạng như đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, tổn thương dạ dày, ruột,... Trong quá khứ, virus Adeno khá thường gặp với cả người lớn và trẻ em.
“Khi chúng ta kiểm tra kháng thể Adeno trong máu, phần lớn trẻ từ 0 đến 4 tuổi cho kết quả dương tính. Điều này đồng nghĩa trẻ đã có ít nhất một lần 'va vấp' với loại virus này”, bác sĩ Hoa nói.
Nguy hiểm nhưng tránh hoang mang
Theo bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, với số lượng ca bệnh phải ghép gan là 10, nhiều trường hợp diễn biến nặng cùng tỷ lệ 5/350 trường hợp đã tử vong, bệnh viêm gan bí ẩn này khá nguy hiểm.
“Tại các quốc gia phát triển, việc ghép gan khá dễ dàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chi phí cho một ca ghép gan khá đắt đỏ và không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn gan để ghép”, bác sĩ Huyền nói.
Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết các triệu chứng ban đầu được ghi nhận của căn bệnh viêm gan bí ẩn này là sốt nhẹ, mệt mỏi, nôn, buồn nôn, vàng mắt, vàng da,... Báo cáo tại Mỹ cho thấy 90% bệnh nhi đã phải nhập viện, 14% được can thiệp ghép gan. Số lượng nhập viện tại Anh cũng là 10%.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá hoang mang. Thay vào đó, phụ huynh nên cẩn thận hơn khi chăm sóc con. Trẻ từ 0 đến 16 tuổi có triệu chứng nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xác định mức độ bệnh, qua đó điều trị kịp thời”, bác sĩ Hoa nói.
Vệ sinh cá nhân tốt là một trong những biện pháp hữu hiệu để
phòng tránh bệnh viêm gan bí ẩn ở thời điểm này. Ảnh minh họa:
galleryds.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc xét nghiệm men gan nên được bác sĩ chỉ định ở những trẻ có triệu chứng điển hình. Việc này không nên làm đồng loạt và đồng bộ do không cần thiết, gây lãng phí.
Nguy cơ trở thành đại dịch?
Nhận định về mối lo ngại bệnh viêm gan bí ẩn lần này có thể diễn biến phức tạp thành dịch, tương tự Covid-19 thời gian qua, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền cho biết các thông tin đến nay vẫn chỉ dựa trên sự trao đổi với đồng nghiệp và báo cáo từ thế giới.
Bác sĩ Huyền khẳng định: “Lúc này, chúng ta vẫn chưa có được bức tranh toàn cảnh về căn bệnh này”.
Tuy nhiên, bác sĩ Huyền cho hay theo phần lớn mô tả, trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn có triệu chứng khởi đầu là các vấn đề liên quan đường tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy,... Sau đó vài ngày, trẻ mới có biểu hiện ở gan.
Từ đây, nhiều khả năng cơ quan đầu tiên của trẻ bị tấn công là đường tiêu hóa. Đường vào của virus cũng là hệ thống tiêu hóa.
Trong khi đó, theo y văn, các virus lây qua đường hô hấp sẽ không gây ra các tổn thương gan điển hình như trên. Nếu có, chúng thường chỉ xuất hiện trong bệnh cảnh suy đa tạng.
Bác sĩ Huyền lấy ví dụ với virus cúm, sau khi tổn thương phổi và đường hô hấp, toàn thân người bệnh mới bị ảnh hưởng, suy đa tạng và dẫn đến tổn thương gan.
“Với bệnh viêm gan bí ẩn cùng các triệu chứng nổi trội ở gan, tôi nghĩ nhiều đến việc tác nhân từ đường tiêu hóa. Nếu vậy, dịch sẽ khó có thể bùng phát rộng như virus lây qua đường hô hấp. Thay vào đó, chúng sẽ lây lan khu trú hơn”, bà nhận định.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng nếu chúng ta đề cao cảnh giác, duy trì vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, tiêu thụ thực phẩm an toàn, khả năng dịch bệnh sẽ không lan rộng.
Tuy nhiên, bác sĩ Huyền vẫn lưu ý trong bối cảnh Việt Nam đã bắt đầu mở cửa, khí hậu dần chuyển sang mùa hè, thời tiết nóng, các dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa sẽ có điều kiện phát triển, khả năng bệnh viêm gan bí ẩn xâm nhập vẫn có thể xảy ra.
Do đó, bà cho rằng chúng ta nên tiếp tục duy trì những thói quen tốt từ dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên,... Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ theo chương trình Tiêm chủng Mở rộng, đồng thời thăm khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ.
Bạn đang xem: Đại dịch mới có xuất hiện từ bệnh viêm gan bí ẩn?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Phát hiện bất ngờ về bệnh viêm gan bí ẩn
- Tự ý xét nghiệm để phòng viêm gan bí ẩn là không cần thiết
- Số ca viêm gan bí ẩn ở trẻ trên thế giới chạm ngưỡng 300: 9 dấu hiệu không được bỏ qua
- Thêm hai trẻ ở Indonesia tử vong vì viêm gan bí ẩn
- Bước tiến quan trọng trong cuộc điều tra về làn sóng viêm gan bí ẩn
- Hàn Quốc phát hiện ca nghi mắc viêm gan bí ẩn đầu tiên