Cơ thể ra sao khi bạn thường xuyên nhịn ăn sáng
Nhịn ăn sáng có thể đem lại kết quả giảm cân cấp tốc nhưng về lâu dài có thể cản trở trao đổi chất, khiến bạn tích mỡ, thèm ăn nhiều hơn.
1. Thiếu năng lượng
"Khi thức dậy vào buổi sáng, lượng đường trong máu đang ở mức thấp và nếu bạn duy trì trạng thái này trong thời gian dài, bạn có thể bị mệt mỏi, uể oải, thậm chí là lú lẫn", chuyên gia dinh dưỡng Marcie Vaske cho biết. Cô phân tích rằng não bộ cần glucose để hoạt động và glucose chủ yếu đến từ lượng carb bạn ăn vào bữa đầu tiên trong ngày.
Nhịn ăn sáng có thể khiến bạn thấy uể oải, khó tập trung.
2. Mất cân bằng nội tiết
Bữa sáng phá vỡ sự nhịn ăn kéo dài cả đêm và quá trình này sẽ kéo dài đối với những người không ăn sáng. Nhịn ăn quá lâu có thể làm giảm lượng đường trong máu và rối loạn nồng độ hormone, đặc biệt là hormone gây căng thẳng cortisol. "Nhìn chung, nồng độ cortisol cao hơn khi bạn thức dậy và giảm dần khi ngày trôi qua. Ăn sáng có thể giúp kiểm soát các mức độ này cũng như kiểm soát căng thẳng, giúp bạn có thêm động lực tinh thần để bắt đầu ngày mới", bác sĩ y khoa Laura Purdy nhận định thói quen ăn sáng sẽ giúp bạn dễ dàng sắp xếp mọi công việc bao gồm ăn uống trong cả ngày.
3. Thèm ăn nhiều hơn
Chuyên gia dinh dưỡng Melissa Mitri nói rằng: "Nhiều người bỏ bữa sáng sẽ cảm thấy thèm ăn dữ dội hơn vào cuối ngày, vì cơ thể họ cố gắng bù đắp các chất dinh dưỡng mà họ có thể đã bỏ lỡ". Điều này sẽ càng tai hại nếu bạn đang đặt mục tiêu giảm cân, cải thiện vóc dáng. Khi bỏ qua bữa sáng bạn có xu hướng dễ sa đà vào các món kém lành mạnh, nhiều calo hơn trong ngày. Ngoài ra, bạn cũng dễ hình thành tâm lý ăn bù vào các bữa tiếp theo, tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa khi ăn nhiều hơn mức cơ thể cần.
Thiếu năng lượng, ăn không đúng bữa... có thể khiến bạn có xu hướng thèm ăn, khó kiểm soát việc ăn uống trong cả ngày.
4. Cản trở trao đổi chất
Một số người thường xuyên bỏ qua bữa sáng với hy vọng giảm cân, nhưng thay vào đó, nó có thể cản trở việc giảm cân bởi ảnh hưởng từ quá trình trao đổi chất. Chuyên gia Stephanie Darby nói về cơ chế sinh tồn của cơ thể khi thiếu năng lượng: "Nếu không ăn sáng, cơ thể sẽ tìm kiếm năng lượng ở nơi khác, lấy năng lượng dự trữ từ mô mỡ và cơ bắp của chúng ta. Lúc này, các quá trình khác sẽ hoạt động chậm lại để bảo tồn năng lượng, hướng đến duy trì sự sống còn cho cơ thể và có xu hướng tích trữ mỡ để làm năng lượng sử dụng sau này". Chuyên gia khuyến khích hãy ăn một bữa sáng đủ dinh dưỡng để thúc đẩy trao đổi chất, nhờ đó tăng hiệu quả giảm cân bền vững.
5. Có thể gia tăng nguy cơ béo phì
Bỏ bữa sáng có thể giúp bạn giảm cân tối thiểu trong thời gian ngắn, nhưng việc này không bền vững và thậm chí có thể phản tác dụng. Theo một nghiên cứu năm 2022 trên Nutrients , bỏ bữa sáng có liên quan đến tình trạng kháng insulin và tăng cân. "Béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường và các hậu quả sức khỏe khác", chuyên gia Maggie Berghoff cho hay.
Không ăn khi đói có thể làm rối loạn hoạt động của hormone no – đói. Nhận thức và tôn trọng các dấu hiệu đói - no của cơ thể là cách để duy trì lối ăn uống lành mạnh, hỗ trợ trao đổi chất diễn ra hiệu quả.
Bữa sáng lý tưởng
Bữa sáng lý tưởng cho cả cân nặng lẫn sức khỏe cần có đủ ba nhóm chất cơ bản: carb, chất xơ và protein.
"Một bữa sáng tiêu chuẩn nên có đủ ba nguồn năng lượng: chất béo, chất xơ và protein. Sự kết hợp này là bí quyết để bạn tràn đầy năng lượng và duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định. Một ví dụ dễ hiểu là một lát bánh mì nguyên cám ăn kèm quả bơ cùng một quả trứng ở trên. Quả bơ mang lại chất béo tốt, bánh mì nướng lúa mì nguyên cám là tinh bột giàu chất xơ và trứng gà cung cấp protein", chuyên gia Claire Rifkin gợi ý.
(Theo EatingWell)
Bạn đang xem: Cơ thể ra sao khi bạn thường xuyên nhịn ăn sáng
Chuyên mục: Thời trang