Chúng ta có thực sự cần các cuộc thi hoa hậu?
Khái niệm đầu tiên về những cuộc thi sắc đẹp cho phụ nữ đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước, song trong bối cảnh hiện đại, lý do gì khiến những cuộc thi này vẫn hợp thời và cần thiết?
Sử thi Illiad ghi lại, do bất mãn vì không được mời tới đám cưới của nữ thần biển Thetis, nữ thần bất hòa Eris đã lén lấy một quả táo vàng, khắc lên đó dòng chữ "Tặng vị nữ thần đẹp nhất" rồi ném vào giữa bàn tiệc.
Thay vì bữa tiệc cưới, mọi sự tập trung đổ dồn vào cuộc tranh cãi nổ ra giữa 3 nữ thần có sức ảnh hưởng nhất - Hera, Athena, và Aphrodite. Do các vị thần khác đều ở thế khó khi không thể đưa ra quyết định mà làm phật lòng người thua cuộc, họ quyết định tìm tới một phàm nhân là hoàng tử Paris thành Troy để phân xử.
Cả 3 đưa ra những điều kiện hấp dẫn. Hera hứa hẹn vương quyền tột bậc; Athena hứa sẽ trao vị giám khảo khả năng bách chiến bách thắng; chỉ có Aphrodite đánh thẳng vào trái tim người đàn ông, khi đề nghị đổi lấy tình yêu của Helen - người đẹp nhất thế giới thần thoại lúc đó. Kết quả là Paris đã chọn tình yêu và tuyên bố nữ thần sắc đẹp Aphrodite là người thắng cuộc.
Nguồn gốc các cuộc thi hoa hậu
Ít nhất, đó là kiến giải đầu tiên của người Hy Lạp cổ về khái niệm manh nha của một "cuộc thi sắc đẹp". Trái với suy nghĩ của nhiều người, các cuộc thi sắc đẹp hay hoa hậu không hẳn là sản phẩm của thời hiện đại, mà vốn đã tồn tại lâu như nền văn minh con người, không chỉ ở Hy Lạp mà còn rất nhiều nền văn minh lớn khác với các câu chuyện mang mô típ tương tự.
Tất nhiên vào thời điểm đó, khái niệm về "người đẹp nhất" đã rõ ràng nhưng những cuộc thi với quy định cụ thể và việc trao vương miện hay danh hiệu "hoa hậu" thì vẫn chưa có bằng chứng xác thực. Đến thời Trung cổ, thứ gần nhất với những cuộc thi sắc đẹp mà chúng ta thấy ngày nay là các lễ hội tương tự như May Day ở Anh - khi họ chọn ra một "nữ hoàng" của ngày hội.
Tại Hoa Kỳ, truyền thống May Day chọn phụ nữ làm biểu tượng của lý tưởng cộng đồng vẫn tiếp tục, khi những phụ nữ trẻ đẹp tham gia các lễ hội. Khi George Washington đi từ núi Vernon đến thành phố New York vào năm 1789 để nhậm chức tổng thống, các nhóm phụ nữ trẻ mặc đồ trắng xếp hàng dọc tuyến đường của ông, đặt những cành cọ trước xe ngựa của ông. Chuyến công du chiến thắng của Tướng Lafayette đến Hoa Kỳ năm 1826 cũng được chào đón bởi các đoàn phụ nữ trẻ tương tự.
Cuộc thi sắc đẹp đúng nghĩa hiện đại đầu tiên, với hình thức phô diễn sắc đẹp và hình thể phụ nữ trước một ban giám khảo, có thể được bắt nguồn từ một trong những người trình diễn vĩ đại nhất lịch sử Hoa Kỳ, Phineas T. Barnum - vốn nổi danh từ những rạp xiếc.
Cuộc thi Miss America đầu tiên diễn ra năm 1921.
Vào những năm 1850, Barnum sở hữu một "bảo tàng" ở thành phố New York phục vụ cho lượng khán giả ngày càng tăng trong ngành giải trí thương mại. Một số điểm thu hút phổ biến nhất của Barnum là "các cuộc thi cấp quốc gia", nơi chó, gà, hoa, và thậm chí cả trẻ em được "thi sắc đẹp".
Thời gian sau, nhờ ảnh hưởng của Barnum, một phong trào được khởi xướng và kéo dài suốt đến đầu thế kỷ 20 là các cuộc thi sắc đẹp qua ảnh cho phụ nữ. Thời điểm này, ý tưởng về việc chọn ra người có sắc đẹp xuất sắc nhất và đại diện cho cộng đồng, cùng phần thưởng hiện hữu bắt đầu thực sự được ra đời.
Cuối cùng, đến những thập niên đầu thế kỷ 20, khi những cấm đoán xã hội về việc thể hiện nhan sắc và hình thể phụ nữ tại Mỹ đã dần phai nhạt, cùng sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu có nhu cầu giải trí ngày càng cao, cuộc thi sắc đẹp đầu tiên trong lịch sử hiện đại là Miss America đã được tổ chức ở thành phố Atlanta cho những phụ nữ trẻ.
Cũng từ đó, tinh thần của các cuộc thi sắc đẹp (ít nhất là theo tuyên bố) được gắn với các vấn đề xã hội như giới tính, chủng tộc, công bằng xã hội... đã chính thức bùng nổ và kéo dài đến cả hơn 1 thế kỷ sau này.
Từ Miss America đầu tiên, khái niệm về các cuộc thi sắc đẹp hiện đại bắt đầu lan rộng khắp thế giới. Các bộ phim và phim truyền hình của Hollywood đã giúp truyền bá ý tưởng này đến các quốc gia khác nhau trong những năm 1930 và 1940.
Kiki Håkansson của Thụy Điển - Miss World đầu tiên.
Năm 1951, Tập đoàn Miss America, một tổ chức phi lợi nhuận không liên quan đến cuộc thi Miss America, đã thống nhất các cuộc thi khu vực và các cuộc thi quốc gia riêng biệt và phát minh ra cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World) đầu tiên. Sau đó, khi Hoa hậu Mỹ Yolande Betbeze từ chối mặc đồ tắm ở nơi công cộng, Catalina Swimwear đã rút ra với tư cách là nhà tài trợ của cuộc thi Hoa hậu Mỹ và thành lập cuộc thi Miss USA và Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) đối thủ.
Tới nay, có 6 cuộc thi hoa hậu quốc tế được ghi nhận là danh giá nhất, mang biệt danh "Big Six Pageants" là Miss Universe, Miss World, Miss International, Miss Supranational, Miss Earth, và Miss Grand International.
Vì sao các cuộc thi hoa hậu trở nên cần thiết?
Nhưng qua thời gian, thông điệp của các cuộc thi sắc đẹp không còn dừng lại ở vẻ đẹp nữ tính đơn thuần mà còn sử dụng sắc đẹp để thảo luận những vấn đề xã hội.
Một số cuộc thi hoa hậu sau này nhấn mạnh tầm quan trọng của các nữ hoàng sắc đẹp như một biểu tượng. Cuộc thi Hoa hậu Ý năm 1996 đã tạo ra một cuộc đối thoại quốc gia về chủng tộc.
Denny Mendez, một người nhập cư Carribe da đen, đã đăng quang Hoa hậu Ý. Chiến thắng của Mendez đã gây ra một cuộc tranh cãi giữa người Ý về vấn đề bản sắc dân tộc và khoan dung chủng tộc.
Cùng năm đó, Cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Bangalore, Ấn Độ, đã gây xôn xao dư luận quốc tế khi vấp phải các cuộc biểu tình nữ quyền và chủ nghĩa dân tộc. Thông điệp của họ không chỉ là phụ nữ bị đe dọa phẩm giá (trong các cuộc thi) mà còn rằng cuộc thi Miss World đe dọa nền văn hóa Ấn Độ với việc du nhập các giá trị phương Tây.
Miss Universe 1994 - Sushmita Sen của Ấn Độ.
Sự phản đối đối với các cuộc thi hoa hậu quốc tế tập trung vào việc các sự kiện này mang vai trò truyền bá toàn cầu cho các sản phẩm và tiêu chuẩn sắc đẹp của phương Tây. Lo ngại này không phải không có cơ sở, khi chẳng hạn như Miss Universe đã có lúc được phát sóng tới hơn 80 quốc gia và có 600 triệu khán giả.
Các cuộc thi hoa hậu quốc tế cũng đóng một vai trò là cơ hội thể hiện khát vọng quốc gia. Như học giả văn hóa Sarah Banet-Weiser gợi ý, nhiều quốc gia gửi thí sinh đến các cuộc thi này đang đưa ra một tuyên bố: Trong bối cảnh nền kinh tế văn hóa của thế giới, việc có một thí sinh tham dự một cuộc thi quốc tế có thể là lời khẳng định mong được hòa nhập vào "gia đình của các quốc gia" bao gồm cộng đồng quốc tế.
Năm 1994, các thí sinh Ấn Độ đã chiến thắng cả 2 cuộc thi Miss World và Miss Universe. Nhiều người Ấn Độ và các nước khác đã ăn mừng sự kiện này khi họ có thể tự hào về sắc đẹp phụ nữ quốc gia mình cũng như có cơ hội quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước ra thế giới.
Nói cách khác, trong suốt giai đoạn cuối thế kỷ 20 và đầu 21, các vũ đài quốc tế dần trở thành sân khấu để các nhà tổ chức, khán giả và cả thí sinh tìm kiếm những giá trị chung, đồng thời khẳng định niềm tự hào quốc gia qua hình tượng phụ nữ.
Những hạn chế của các cuộc thi sắc đẹp hiện tại
Tuy nhiên, các giá trị nữ quyền và phong trào dân chủ, chống phân biệt đang ngày càng dâng cao trong một thế giới tương tác ngày càng phức tạp. Đã có không ít câu hỏi dấy lên về vai trò và chỗ đứng thực sự của các cuộc thi trưng bày sắc đẹp trong xã hội hiện đại.
Thực tế mà nói, các cuộc thi hoa hậu trên thế giới ngày càng ít được quan tâm, nhất là tại các quốc gia phát triển tại phương Tây. Một ví dụ có thể kể ra là khi Hoa hậu Thế giới (Miss World) 2015 - Mireia Lalaguna trở về nước nhà Tây Ban Nha sau đăng quang, chỉ có người thân của cô ra nghênh đón, còn lại thì chẳng có khán giả nào đến sân bay.
Từ lâu, những cuộc biểu tình phản đối các cuộc thi sắc đẹp đã diễn ra với khẩu hiệu yêu cầu dừng trưng bày hay bình phẩm về thân thể phụ nữ - một hành động dù vô tình hay cố ý cũng có thể gây tổn thương cho họ. Gần đây, một "ông trùm" cuộc thi sắc đẹp nằm trong Big 6 đã gây tranh cãi khi thẳng thừng lên tiếng cho rằng một đại diện bị loại vì "hình thể không đẹp" do "phần thân trên dài hơn thân dưới, phần hông to".
Số người xem Miss Universe qua truyền hình (tính theo triệu
khán giả) ở Mỹ giảm tới một nửa chỉ sau 5 năm.
Một vấn đề đáng nhắc đến theo theo trang Qrius là dù các phong trào như #MeToo đang trở nên nổi bật trong thập kỷ qua, các sân khấu lớn như Miss Universe vẫn đang tiếp tục từ chối việc loại bỏ các phần thi như trang phục áo tắm, trong khi Miss America đã làm vậy.
Nhà tổ chức Miss Universe nói rằng cuộc thi là "bởi phụ nữ và cho phụ nữ", đồng thời "truyền sức mạnh cho phụ nữ nhận ra tiềm năng, chuyên môn và các mục tiêu thiện nguyện của họ thông qua các trải nghiệm xây dựng sự tự tin làm xúc tác cho thành công tương lai" trong khi, theo lời Qrius, "hoàn toàn quên đi rằng phụ nữ vẫn bị đánh giá dựa trên khả năng xoay mình, bước đi gợi cảm hay chu môi tốt hơn những người phụ nữ xinh đẹp khác - tất cả đều đáng ra có khả năng trở thành những bác sĩ, phi công, luật sư hay doanh nhân đầy khát vọng, nhưng giờ bị thu nhỏ lại thành những số đo hình thể".
Vậy thì, câu hỏi thực sự là: Thực sự còn có lý do nào để chúng ta vẫn cho các cuộc thi sắc đẹp tồn tại ngày nay hay không?
Có lẽ thế giới chưa đủ "đất diễn" cho sự phân biệt giới tính hay sao mà bằng cách nào đó người ta vẫn quyết định giữ lại hình thức thi sắc đẹp từ thời hậu Đại chiến Thế giới như một lời nhắc rằng phụ nữ cần phải ăn mặc lộng lẫy, trông xinh đẹp nhằm hy vọng đám đông sẽ chú ý, cho họ vài tràng pháo tay, lắng nghe những tuyên bố về xã hội, hay có ưu tiên thể hiện danh tính quốc gia?
Liệu chúng ta có thể thành thật mà thừa nhận rằng, các cuộc thi sắc đẹp, suy cho cùng, đúng như cái tên của chúng, vẫn là sân chơi cho "sắc đẹp" chứ không phải tự huyễn hoặc trong những tuyên bố nghe có vẻ cao siêu rằng người ta đang tìm kiếm nhiều hơn là vẻ đẹp hình thể hay không?
Vẻ đẹp không còn "nằm trong con mắt kẻ si tình"
Vẻ đẹp của mỗi người phụ nữ, dù là hình thể hay tri thức và tinh thần đều là đa dạng và không thể mang lên bàn cân, nhưng một khi bước chân vào "đấu trường sắc đẹp", dường như tất cả đều phải là chuyên gia về vấn đề quốc tế hay biến đổi khí hậu, và dường như ký ức cuối cùng của họ đọng lại trong công chúng luôn là hình ảnh trao lại vương miện cho người may mắn kế tiếp.
Ảnh minh họa
Một nỗi lo khác đến từ thời kỳ bùng nổ mạng xã hội. Dù muốn thừa nhận hay không, dần dần đã có một tiêu chuẩn nhất định về vẻ đẹp được rộng rãi chấp nhận bất thành văn mà phụ nữ "nên" tuân theo: Sắc đẹp không còn là thẩm mỹ chủ quan, mà trở thành bộ môn của toán học và lý tính: làn da không tì vết; chiều cao, cân nặng và 3 vòng hoàn hảo; đường nét khuôn mặt theo những tỉ lệ nhất định.
Bất chấp những phong trào tích cực về cơ thể và nỗ lực xóa bỏ hay ít nhất là mở rộng khái niệm "vẻ đẹp tiêu chuẩn", liệu những chuẩn mực vẻ đẹp mà xã hội vô tình hay cố ý áp đặt lên người phụ nữ - dù chỉ là những giá trị bên ngoài - đã thực sự thay đổi hay chưa?
Không thể phủ nhận rằng nhiều cuộc thi sắc đẹp đang có những nỗ lực nhằm xóa bỏ định kiến về sắc đẹp hay giá trị phương Tây như lịch sử ban đầu của nó nhằm trở nên hợp thời hơn với cuộc thảo luận về sự bình đẳng của phái nữ.
Trong nỗ lực đó, có những tuyên ngôn rằng sắc đẹp là một "vũ khí" truyền sức mạnh cho phái nữ, tức là việc tham gia các cuộc thi sắc đẹp cũng là bênh vực nữ quyền và là lời đáp trả với hệ thống gia trưởng của xã hội truyền thống.
Hơn nữa, những cố gắng chứng minh rằng dù sắc đẹp là nhân tố tiên quyết thì nó vẫn không phải yếu tố quyết định cũng đã hiện diện với chiến thắng của Miss Universe 2020 Andreas Meza (Mexico) - người có bằng kỹ sư phần mềm; Miss Universe 2015 Pia Wurtzbach (Philippines), thông thạo 4 ngôn ngữ.
Nhưng bất chấp điều đó, tính đa dạng và hòa nhập của các cuộc thi vẫn còn rất hạn chế. Kể từ khi Miss Universe được tổ chức đầu tiên vào năm 1952, mới chỉ có 6 người chiến thắng gốc Phi, gần nhất vào năm 2019.
Hơn nữa, mặc dù tiêu chuẩn của cuộc thi không nêu rõ về cân nặng hoặc số đo cơ thể, nhưng có niềm tin bất thành văn rằng các giám khảo luôn tìm kiếm "bằng chứng về sự vừa vặn thể chất, cũng như sự chăm sóc cơ thể thích hợp", với phần thi áo tắm là cơ hội tốt nhất để các thí sinh "thể hiện sự cống hiến của cô ấy với lối sống lành mạnh".
Điều này che đi sự thật rằng sức khỏe và sự vừa vặn thể chất không thể hiện qua một kiểu hình thể duy nhất. Tranh cãi này sẽ còn đi xa vào những vấn đề như phong trào tích cực cơ thể quá đà hay sự ám ảnh hình thể tới mức phải nhịn ăn cực đoan.
Trong khi hình thể ít nhiều có thể thay đổi, chiều cao thì không sau độ tuổi trưởng thành và đã trở thành một tiêu chuẩn gây tranh cãi liên miên làm tăng thêm tính loại trừ của cuộc thi. Lấy ví dụ, tiêu chuẩn chiều cao cho Miss India (Hoa hậu Ấn Độ) từng là 1m65, lớn hơn chiều cao trung bình của phụ nữ nước này và chỉ mới thay đổi về 1m6 vào năm 2020.
Cuối cùng là một vấn đề không kém phần nhạy cảm - các cuộc thi hoa hậu rất tốn kém cho thí sinh, trang Lipstick Politico lập luận. Không chỉ trang phục, giày dép hay mỹ phẩm, mà còn cả chi phí cho việc tập thể dục, ăn kiêng, thuê huấn luyện viên thể hình, chi phí đào tạo bộ kỹ năng cạnh tranh trong chương trình và cả tiền quảng bá hình ảnh cá nhân. Đây dần trở thành một loại trừ về mặt kinh tế khi các thí sinh không chỉ cần xinh đẹp theo chuẩn mà còn cần có tiền hoặc ít nhất là nhà tài trợ để cạnh tranh.
Một điều cần làm rõ là mặc dù các cuộc thi hoa hậu vẫn còn nhiều vấn đề, gánh nặng đó cũng đổ lên các thí sinh và họ không phải là đối tượng để bị chỉ trích theo bất cứ cách nào.
Các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới đều là các sân chơi tư nhân được "đóng gói" bởi cá nhân và tập đoàn giàu có đang bán cho người tiêu dùng các sản phẩm làm đẹp và ý tưởng về một "vẻ đẹp chuẩn mực".
Hoa hậu Thái Lan Anchilee Scott-Kemmis từng thừa nhận mình suy
sụp và có ý định tự tử chỉ vì bị miệt thị ngoại hình và đổ lỗi do
không vào được Top 16 Miss Universe 2021
Trong kỷ nguyên mạng xã hội, điều đó đồng nghĩa với việc thứ mà nhà tài trợ quan tâm hơn cả là vương miện sắc đẹp cũng như những hợp đồng quảng cáo trên tạp chí, Instagram, bằng cách lựa chọn những thí sinh có thể đáp ứng một loạt các tiêu chuẩn vẻ đẹp và tỉ lệ cơ thể như những người mẫu mà vẫn vừa mắt số đông.
Khi đặt vào cuộc chơi lợi nhuận, ý nghĩa của một cuộc thi sắc đẹp và tài năng hay văn hóa, nữ quyền cũng giảm đi mà thay vào đó là sân chơi tìm xem ai là khuôn mặt "hái ra tiền" nhất. Trong khi mọi sản phẩm được thương mại hóa trong tay các tỷ phú và tài phiệt thật khó để ước đoán lợi nhuận thực tế, có lẽ chỉ riêng việc một vị tỷ phú từng sở hữu một cuộc thi trong Big Six từng thản nhiên ra vào phòng thay đồ của các thí sinh hay hôn môi họ cũng đủ khiến nhiều người cân nhắc lại việc ủng hộ hình thức thi sắc đẹp hiện nay.
Dưới ảnh hưởng đó, vẻ đẹp hẳn nhiên không còn nằm trong mắt người xem mà trở thành một công cụ lý tính Copy - Paste giữa các thí sinh nhằm đảm bảo truyền tải được thông điệp chứng thực bởi các tập đoàn và người dùng mạng xã hội, trong khi tiếp tục lan truyền những giá trị kém lành mạnh về hình thể, sức khỏe, cân nặng cho phụ nữ trẻ toàn cầu.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Bạn đang xem: Chúng ta có thực sự cần các cuộc thi hoa hậu?
Chuyên mục: Giải trí
Các bài liên quan
- Top 3 Hoa hậu Hàn Quốc 2022 gây tranh cãi vì giống nhau như đúc
- Mỹ nhân Việt khóc nức nở khi bị loại khỏi top 5 Miss Grand International giờ thành biên tập viên, cuộc sống thế nào?
- Chuyên gia: Trấn Thành cần xin lỗi Đức Phúc và nhận thức sự sai trá
- Bị nói bít cửa, hết tuổi thi Miss Grand International, Quỳnh Châu lên tiếng: 'Mình cũng biết buồn mà!'
- Phương Oanh tươi tắn với tóc mới 'cháy phố' hậu lùm xùm
- Hoa hậu Thiên Ân: 'Dừng lại ở Top 20 là do xui thôi, không có gì phải buồn'