Cho điều hòa, quạt điện phả thẳng vào mặt: Thói quen cần bỏ ngay
Thói quen đang ở ngoài nóng về bật quạt mạnh, điều hòa lạnh sâu thậm chí thổi thẳng gió vào người gây ra rất nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.
Đợt thời tiết nắng nóng gần đây, tôi có thói quen đi ngoài đường nắng về nhà là bật quạt, bật điều hòa ngay thậm chí để nhiệt độ xuống 16 độ C. Cảm giác mát lạnh như “giải nhiệt mùa hè”cho cơ thể nhưng sau đó tôi lại hay bị mệt. Triệu chứng này có phải do tác hại của việc thay đổi nhiệt độ đột ngột không? Xin cảm ơn bác sĩ tư vấn. (Nguyễn Thị Hằng - Long Biên, Hà Nội).
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, tư vấn:
Thời tiết ở trạng thái nóng là khi nhiệt độ môi trường từ 33 độ C trở lên, khi đó cơ thể bắt đầu tiết mồ hôi. Khi nắng nóng mọi người thường có thói quen di chuyển từ nơi nóng nắng sang nơi lạnh đột ngột. Cảm giác đang đi nắng về hoặc mất điện sau đó tiếp xúc với môi trường thật lạnh, thổi gió vào mặt ở nhà hoặc trong ô tô giúp bạn “tỉnh” người nhưng điều này lại cực kỳ hại cho cơ thể, khiến mạch máu bị co lại hoặc giãn rộng ra.
Bình thường, trong những ngày nắng nóng, cơ thể đối diện với nhiều nguy hiểm như bài tiết mồ hôi nhiều, máu cô đặc và nguy cơ hình thành cục máu đông nhiều hơn dẫn tới nhiều nguy cơ bệnh tim mạch. Ngoài ra, thời tiết nắng các chất điện giải của cơ thể hay bị rối loạn tăng lên dẫn truyền thần kinh, co bóp cơ tim ảnh hưởng tới việc truyền máu từ tim đi nuôi các bộ phận khác của cơ thể.
Cụ thể, 3 tác hại bạn dễ gặp nhất khi có thói quen bật quạt, điều hòa thẳng vào người ở nhiệt độ thấp:
Thứ nhất, khi thổi gió điều hòa, quạt vào người gây khô da rất nhanh khiến cho nồng độ chất điện giải trong cơ thể thay đổi, ảnh hưởng dẫn truyền thần kinh.
Thứ hai, trung tâm điều nhiệt nhất là ở người già và trẻ con hoạt động không được tốt như người trẻ trưởng thành. Nếu những người này tiếp xúc với môi trường lạnh ngay có thê gây hiện tượng co mạch có thể gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, cơ chế điều nhiệt không hoạt động kịp có thể gây cảm lạnh, giảm thân nhiệt quá mức.
Thứ ba, khi thay đổi nhiệt độ nóng - lạnh quá đột ngột các niêm mạc da, mũi, mắt có xu hướng co mạch máu lại, niêm mạc khô đi… các tế bào miễn dịch bảo vệ trong cơ thể giảm đi, sức đề kháng kém đi. Bề mặt niêm mạc khô càng dễ bị các bệnh cảm lạnh, viêm họng. Nguyên nhân từ vi khuẩn bên ngoài hoặc chính vi khuẩn đang tồn tại trong mũi họng, miệng của mình mạch máu co lại, dịch niêm mạng khô thì các vi khuẩn, virus hoạt động mạnh gây bệnh viêm hô hấp.
Do đó, bạn không nên đặt nhiệt độ điều hòa quá thấp. Nhiệt độ tối ưu chênh lệch về lý thuyết là 7 độ C. Tuy nhiên, khi nhiệt độ lên 40 độ C, nhiệt độ chênh lệch này vẫn gây nóng. Vì vậy, bạn chỉ nên để mức nhiệt độ 28 độ C là phù hợp. Nếu dùng quạt điện, bạn cũng nên dùng quạt để xa, không nên phả thẳng quạt vào mặt mũi khi ngủ.
Khi ở ngoài nhiệt độ nóng nắng về hoặc nhà đang mất điện có điện ngay, bạn không nên mở ngay quạt, điều hòa ở chế độ mát nhất, cần để nhiệt độ thay đổi từ từ.
Với người già, trẻ em, người có bệnh nền nếu đang ở ngoài nóng, toát mồ hôi, mất nước bạn nên bổ sung nước từ từ, lau khô mồ hôi trước khi vào phòng lạnh, ô tô có điều hòa. Nguy hiểm nhất, người bị tăng huyết áp nếu thay đổi đột ngột nhiệt độ có thể dẫn tới đột quỵ.
Trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, đối với người già và trẻ nhỏ, cần giữ vệ sinh, nhất là đường hô hấp để tránh mắc các bệnh do vi sinh vật gây ra. Nên súc họng bằng nước muối sinh lý hằng ngày. Đồng thời, bất kỳ ai cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và nên hạn chế ăn uống đồ chiên rán, bổ sung vitamin đầy đủ.
Bạn đang xem: Cho điều hòa, quạt điện phả thẳng vào mặt: Thói quen cần bỏ ngay
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Trời nắng nóng gay gắt, Bộ Y tế hướng dẫn cách xử trí khi bị say nắng, đột quỵ do nóng
- 5 triệu người chết vì đột quỵ năm 2030: Cảnh báo 7 nguyên nhân hàng đầu
- Sốc nhiệt ngày nắng nóng dễ gây đột quỵ, tử vong: Hãy học cách tự bảo vệ mình theo khuyến nghị của WHO
- Nắng nóng, đột quỵ 'vào guồng': Các dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với say nắng
- Thực hư tắm đêm gây đột quỵ và tử vong
- Ám ảnh về kết cục bi thương nhất của bệnh nhân đột quỵ