Ám ảnh về kết cục bi thương nhất của bệnh nhân đột quỵ

Đối với bệnh nhân đột quỵ, ranh giới của sự sống và cái chết vốn mong manh. Thế nhưng, vượt qua cửa tử, ải khó khăn hơn đang chờ họ chính là những di chứng tàn phế khó hồi phục.

Ám ảnh về kết cục bi thương nhất của bệnh nhân đột quỵ-1
Đột quỵ hiện đang tăng nhanh ở cả 2 giới và trẻ hóa độ tuổi. Ảnh minh họa: monash.edu.

Chia sẻ với Zing về gánh nặng đột quỵ tại Việt Nam và những thành tựu trong điều trị đột quỵ trong nước, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, kiêm Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), nhiều lần nhắc đến di chứng sau đột quỵ và trăn trở về lĩnh vực phục hồi chức năng cho những bệnh nhân sau đột quỵ.

Di chứng nặng nề sau cơn đột quỵ

Theo PGS Nguyễn Huy Thắng, gánh nặng đột quỵ tại Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng, trong đó, số bệnh nhân tăng nhanh ở cả 2 giới và độ tuổi. Theo thống kê mỗi năm, chỉ tính riêng Bệnh nhân Nhân dân 115, tổng số ca đột quỵ cấp nhập viện là 20.000.

Một thống kê khác tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) được công bố mới đây, trung bình một quý, có đến 350-500 bệnh nhân nhập viện do đột quỵ cấp (số liệu quý IV/2022 - quý I/2023).

“Cách đây 25 năm, các thầy thuốc gần như đầu hàng với đột quỵ vì chưa có biện pháp nào ngăn cản sự tàn phá tế bào não do đột quỵ gây ra. Còn đến thời điểm này, đột quỵ là căn bệnh có thể chữa được do việc điều trị ngày càng tốt hơn”, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng khẳng định.

Chuyên gia phân tích năm 1996, phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch ra đời tại Mỹ, sau đó ứng dụng rộng rãi đã thay đổi hoàn toàn trong lịch sử điều trị bệnh đột quỵ. Đây là lần đầu tiên có thuốc thay đổi cục diện của đột quỵ.

Đến năm 2015, chúng ta có chứng cứ lấy huyết khối đường dụng cụ cơ học trong cửa sổ 6 giờ và sau đó cửa sổ kéo dài từ 6 đến 24h. Hiện tại, khả năng điều trị đột quỵ cấp tại Việt Nam có thể được đứng trong top đầu tại khu vực châu Á.

Mặc dù việc cấp cứu và điều trị đột quỵ tại Việt Nam ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật, vẫn có trên 50% người bị đột quỵ vẫn phải gánh chịu nhiều di chứng sau khi xuất viện.

PGS Thắng cũng nhấn mạnh rằng tàn phế và di chứng sau đột quỵ mới là điều đáng lo sợ nhất.

Ám ảnh về kết cục bi thương nhất của bệnh nhân đột quỵ-2
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, kiêm Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM). Ảnh: Linh Thùy.

Ông chia sẻ nhắc đến đột quỵ, người ta hay nghĩ nhiều đến cái chết và lằn ranh sinh tử. Thế nhưng với những người trực tiếp điều trị đột quỵ, nỗi ám ánh hơn là tàn phế, di chứng thần kinh, di chứng vận động đeo bám người bệnh cả quãng đời về sau. Đây có lẽ mới là kết cục bi thương nhất.

Thiếu nơi phục hồi chức năng cho người sau đột quỵ

Các phương pháp điều trị đột quỵ được chia thành 3 loại: Điều trị cấp và điều trị phục hồi, phòng ngừa và điều trị phục hồi chức năng. Trong đó, điều trị cấp chỉ nhằm 10% dân số, 90% còn lại là điều trị phòng ngừa và phục hồi chức năng.

“Tuy nhiên, mảng chúng ta tiến độ nhất vẫn chỉ ở mức điều trị đột quỵ cấp. Vấn đề phòng ngừa và phục hồi chức năng vẫn là câu chuyện dài và khó khăn”, ông nói.

Vấn đề phòng ngừa khó khăn chủ yếu nằm ở ý thức tuân thủ điều trị kém của người bệnh. Nhiều người chỉ uống thuốc duy trì 1-2 năm, sau đó cảm giác sức khỏe ổn định, họ ngưng thuốc. Một số trường hợp khác có di chứng liệt vận động, họ chán nản hơn và không tuân thủ uống thuốc phòng ngừa tái phát.

“Ở Việt Nam, ngày càng có nhiều trung tâm điều trị nhận chứng chỉ vàng, kim cương trong điều trị của Hội Đột quỵ thế giới, điều này cho thấy chúng ta đang cập nhật nhiều tiến bộ trong điều trị đột quỵ cấp. Tuy nhiên, mảng phục hồi chức năng vẫn dặm chân tại chỗ”, ông trăn trở.

Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM cho biết ở nước ngoài, bệnh nhân sau đột quỵ ra viện được chuyển ngay đến bệnh viện phục hồi chức năng để làm quen, thích nghi và cải thiện di chứng tàn phế. Nhưng ở Việt Nam không có những trung tâm như thế.

Một số trung tâm, bệnh viện có đơn vị phục hồi chức năng nhưng số giường hạn chế, tập hợp nhiều người bệnh gặp di chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng liệt sau đột quỵ và liệt do bệnh lý bại liệt không giống nhau.

Một cơ sở đủ tiêu chuẩn, có nhân lực và chuyên phục hồi chức năng sau đột quỵ là điều chúng ta đang thiếu.

Ám ảnh về kết cục bi thương nhất của bệnh nhân đột quỵ-3
Việt Nam có nhiều tiến bộ trong điều trị đột quỵ cấp, nhưng phục hồi chức năng sau đột quỵ vẫn còn là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Chuyên gia ngôn ngữ trị liệu cho bệnh nhân sau đột quỵ (speech therapist) lại càng thiếu. Hiện nay, một số bác sĩ Việt Nam đã và đang học ở một số chuyên gia nước ngoài nhưng số lượng vẫn rất ít.

“Nhìn chung, điều trị cấp thì Việt Nam đang tiến nhanh nhưng điều trị phòng ngừa, phục hồi và phục hồi chức năng sau đột quỵ thì còn nhiều vấn đề và cần cải thiện trong thời gian tới”, PGS Thắng nói thêm.

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa

PGS Thắng chia sẻ thêm cách đây 10-20 năm, mỗi khi tiếp nhận người nghi đột quỵ cấp, bác sĩ thường khai thác dựa theo thời gian xuất hiện triệu chứng. Nếu trong vòng 3-4 giờ, họ tự tin điều trị tốt. Nếu quá khung giờ này, gần như không có nhiều hy vọng.

“Giờ đây, chúng ta đã có thể điều trị được cho bệnh nhân đến trong vòng 6-24 giờ. Tôi tin rằng tương lai, chúng ta còn có thể điều trị cho bệnh nhân nhập viện trong vòng 36 giờ”, ông chia sẻ.

Liên quan vấn đề trẻ hóa người bệnh đột quỵ, theo PGS Thắng, hiện tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về dịch tễ học. Các thống kê của mỗi bệnh viện cũng không thể phản ảnh được số liệu trẻ hóa đột quỵ trên toàn quốc. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định việc ngày càng trẻ hóa của bệnh nhân đột quỵ có thể tin được.

Nguyên nhân là lối sống của chúng ta đang thay đổi quá nhiều. Trước đây, lối sống của con người chân phương hơn, ít trò chơi, ít nhu cầu hơn. Trong khi cuộc sống hiện tại kéo theo sự phát triển của quá nhiều thức, nhiều nhất là rượu bia, thuốc lá, ma túy, thuốc hóa học… những thứ này cùng lúc tác động vào khiến dịch tễ học thay đổi.

“Mỗi năm, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận gần 20.000 bệnh nhân đột quỵ, do đó, việc thống kê về độ tuổi không dễ dàng. Nhưng theo cảm quan cá nhân, đúng là có những ca đột quỵ chưa bao giờ chúng tôi gặp trẻ như vậy. Việc tiếp nhận các trường hợp đột quỵ ở trẻ em (dưới 18 tuổi) hiện nay không phải quá hiếm gặp, còn đột quỵ ở người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm tỷ lệ từ khoảng 15% tại Bệnh viện Nhân dân 115”, PGS Thắng chia sẻ.

Bạn đang xem: Ám ảnh về kết cục bi thương nhất của bệnh nhân đột quỵ

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết