Chiêu trò sau việc hàng loạt sao Việt quảng cáo xem bói miễn phí
Trong khi Facebook có hàng trăm nhóm xem chỉ tay thì hashtag #tuvi, #tarot ở TikTok thu hút hàng triệu lượt xem. Những lời bói toán này đánh thẳng vào nỗi bất an của người xem.
MC Cát Tường quảng cáo địa chỉ xem bói trên Facebook, đường
link dẫn về một trang chuyên bán đồ phong thủy.
"Dã man! Được chỉ chỗ xem tử vi mà hết hồn, sao có thể đúng đến thế chứ. Xem không mất phí nhưng mà nói chuẩn quá. Ai cần mách chỗ cho!".
Đoạn quảng cáo trên đồng loạt xuất hiện tại trang cá nhân của nhiều người nổi tiếng như MC Cát Tường, Nguyễn Hương Giang, nam diễn viên Bảo Anh trong ngày 25-26/9.
Các đường link được những nghệ sĩ này giới thiệu đều dẫn về một trang Facebook chuyên bán đồ phong thủy, cung cấp các dịch vụ tính phí như "thỉnh giải hạn tam tai", "kích hoạt tài lộc".
Những bài đăng này cùng dùng vài từ tương tự như "hữu duyên", "xem cực chuẩn", "không mất phí".
Việc những người nổi tiếng, ít nhiều có ảnh hưởng trên mạng xã hội thay nhau quảng cáo cho cùng một trang xem bói khiến khán giả hoang mang lẫn bức xúc.
Trước hàng loạt bình luận chỉ trích, một số nghệ sĩ đã phải xóa bài đăng ngay sau đó.
Trong vài năm trở lại đây, bói toán online bùng nổ trong giới trẻ. Facebook có hàng trăm hội nhóm liên quan đến xem tướng số, phong thủy, tử vi, chỉ tay... Nhiều nhóm có hơn 500.000 thành viên, chia sẻ hàng chục bài đăng mỗi ngày.
Còn trên TikTok, hashtag #tarot có hơn 34 tỷ lượt xem, #xemboi có 407 triệu lượt xem và #tuvi thu hút 3,4 tỷ lượt xem. Các clip phổ biến nhất có nội dung: "Có ai đang âm thầm theo dõi bạn", "Thông điệp vũ trụ đầu tháng", "Thông điệp tuần này", "Tin vui gì sắp đến với bạn"...
Giới trẻ ngày càng quan tâm đến bói toán. Ảnh:
Economist.
Thầy bói online
Trong bài viết xuất bản hồi tháng 5/2021, NBC News nhận định sự thay đổi văn hóa của nghệ thuật bói toán cổ đại ở Đông Nam Á từ tư vấn trực tiếp sang các nền tảng trực tuyến đã tạo ra cơ hội mới cho các thầy bói trẻ, hiểu biết về công nghệ.
Sự phổ biến của phương tiện truyền thông xã hội, kết hợp với nỗi bất an ngày càng tăng về kinh tế hậu đại dịch, cũng đồng nghĩa với việc kinh doanh bói toán trở nên phát triển.
Vào giờ nghỉ trưa, Sean Cheng, thầy bói ở Hong Kong (Trung Quốc), luôn vào Instagram để kiểm tra các cuộc hẹn với khách hàng và trả lời bình luận của những người theo dõi.
Cheng, 26 tuổi, bắt đầu tự học cách xem bài tarot ở trường đại học vài năm trước và thành lập trang bói toán online vào tháng 2 năm ngoái. Anh nói rằng đa phần khách hàng của mình là người trẻ tuổi, mong muốn được định hướng về tinh thần và những quyết định quan trọng trong cuộc sống.
"Lý do khiến họ đến với tôi là mọi người không còn tin tưởng vào bản thân. Họ hy vọng có thể nhận được câu trả lời xác đáng từ tôi", Cheng nói.
Theo cuộc thăm dò được công bố vào năm ngoái bởi 36Kr, 80% người tham gia nói rằng họ đã xem bói trước đây (trực tuyến hoặc trực tiếp) và 90% trong số này muốn "tìm hiểu đường đời" thông qua các thầy bói online. Những người này hy vọng có thể biết được điều gì nên và không nên làm, lấy chồng năm nào tốt, vợ sinh con năm nay có tốt không.
Các cơ sở bói toán đóng cửa trong đại dịch nhưng nhiều thầy bói
làm ăn phát đạt hơn nhờ nền tảng trực tuyến. Ảnh: AP.
Tao Baibai, người xem tử vi tại Trung Quốc, lên xu hướng trên mạng xã hội Weibo ít nhất 5 lần/tháng. "Ông trùm bói toán" này đã thu hút gần 20 triệu lượt theo dõi trên nền tảng chia sẻ clip ngắn Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc).
Từ thầy bói trên các hội nhóm đến những clip tử vi, tướng số, tất cả đều góp phần tạo nên khái niệm "số phận", vốn là chủ đề bàn tán phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á từ thời cổ đại.
Trong khi theo truyền thống, mọi người thường đến các ngôi đền, chùa chiền để cầu xin vận may, sự phát triển của công nghệ đã biến hoạt động này thành dạng trực tuyến, thậm chí trở nên đa dạng hơn khi kết hợp với chiêm tinh học phương Tây.
"Tôi biết nghe có vẻ như chúng tôi cũng mê tín như ông bà mình ngày xưa, nhưng thực tế nó rất khác", một sinh viên đại học họ Li, người đã theo dõi trang cá nhân của Tao Baibai trong 6 tháng, nói với Global Times.
"Rất nhiều bạn bè của tôi cũng theo dõi kênh của anh ấy. Nhưng họ không hoàn toàn tin vào điều đó. Chúng tôi chỉ coi nó giống như phương pháp thư giãn về mặt tâm lý".
Đánh vào nỗi bất an
Nhiều cơ sở kinh doanh bói toán phải đóng cửa do đại dịch Covid-19, nhưng nghịch lý là các thầy bói đang làm ăn khấm khá hơn bao giờ hết.
Vào cuối năm 2020, thời kỳ dịch bệnh căng thẳng, The New York Times nhấn mạnh lưu lượng truy cập trực tuyến tăng đối với các cuộc tư vấn về tử vi và tâm linh. Các nhà chiêm tinh và người xem bài tarot cũng nói rằng nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng.
Nhiều nhà quan sát cho rằng hiện tượng này không hề khó hiểu nếu đặt vào bối cảnh người trẻ tuổi đang cố gắng kìm nén sự lo lắng và bất an trong xã hội căng thẳng ngày nay. Trong một thế giới đầy bất trắc, mọi người càng tìm kiếm khả năng dự đoán và những chỗ dựa về mặt tinh thần.
Sau khi mất việc vào tháng 12/2020, Wong Fung, 27 tuổi, cho biết anh thường xuyên cảm thấy bất an và tìm đến các thầy bói trực tuyến để được hướng dẫn.
"Nếu bạn có thể biết trước số phận tương lai của mình bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào chỉ với 13 USD, tại sao lại không? Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ngồi sau màn hình. Thật dễ dàng để nói về những gì bạn giấu kín trong lòng", Wong chia sẻ.
Người trẻ lo lắng, bất an ở thực tại đang tìm kiếm chỗ dựa tinh
thần trong bói toán. Ảnh: iStock.
A-Fei, cô gái đã thay đổi công việc hai lần trong vài năm qua, cũng bày tỏ quan điểm tương tự. "Dù đã quyết định nhảy việc, tôi vẫn cần một ai đó bên ngoài 'xác nhận' rằng mình đã lựa chọn đúng. Tôi xem các thầy bói như bên thứ ba giúp bảo đảm lần cuối", cô nói.
Tuy nhiên, khi bói toán phát triển online, những kẻ lừa đảo dưới danh nghĩa "thầy bói" cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Các thành viên của cộng đồng nhà tâm linh, chiêm tinh học và người xem bài tarot nổi tiếng nói với The Los Angeles Times rằng nhiều kẻ lừa đảo đã mạo danh, dùng tài khoản giả để lừa tiền khách hàng, kể từ khi đại dịch bùng phát.
Aja Daashuur, nhà chiêm tinh học ở Los Angeles, cho biết: "Lâu nay, những người hành nghề như chúng tôi đã chịu nhiều định kiến, giờ đây những kẻ lừa đảo đang khiến sự kỳ thị trở nên nghiêm trọng hơn".
Better Business Bureau (BBB), tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ quyền lợi người tiêu dùng ở Bắc Mỹ, cũng cảnh báo về sự gia tăng tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội liên quan ngành dịch vụ tâm linh.
"Chúng tôi nhận được báo cáo từ những khách hàng đã trả tiền cho các dịch vụ như chiêm tinh hoặc xem bài tarot nhưng sau đó thầy bói biến mất. Một số khách hàng khác cho biết họ bị đánh lừa bởi các bài đánh giá giả mạo trực tuyến hoặc bị ép phải trả thêm tiền cho nhiều dịch vụ phát sinh vô lý", BBC đưa ra cảnh báo hồi cuối năm ngoái.
Bạn đang xem: Chiêu trò sau việc hàng loạt sao Việt quảng cáo xem bói miễn phí
Chuyên mục: Giải trí
Các bài liên quan
- Vụ Quyền Linh bị cắt ghép bán thuốc trị trĩ, thận: Nhiều nghệ sĩ quảng cáo tràn lan
- Xử lý nghệ sĩ quảng cáo thổi phồng công dụng 'thần dược' giả
- 'Nghệ sĩ quảng cáo tiền ảo, có nên bán rẻ tên tuổi để thu tiền'
- Ca sĩ Nguyệt Thu ung thư gan giai đoạn cuối
- Thầy dạy catwalk của các hoa hậu Việt qua đời
- Khán giả thất vọng vì nghệ sĩ Việt quảng cáo trá hình 'bói tử vi'