Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là gì? Và sự ảnh hưởng đến sức khỏe là như thế nào?
Với vấn đề ô nhiễm không khí đang ở tình trạng đáng báo động như hiện nay, việc có một chỉ số đo lường chất lượng không khí là cần thiết để mọi người có nhận biết và theo dõi, và đó chính là chỉ số chất lượng không khí (AQI). Mời bạn tìm hiểu về chỉ số này trong bài viết sau nhé!
Xem nhanh
1Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là gì?
Chỉ số chất lượng không khí hay AQI (Air Quality Index) là chỉ số thể hiện mức độ ô nhiễm không khí của một khu vực trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo EPA (The U.S. Environmental Protection Agency – Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ) tính toán chỉ số AQI với 5 thông số ô nhiễm không khí:
- Ozon mặt đất.
- Ô nhiễm phân tử: Thường đánh giá qua chỉ số bụi mịn PM 2.5 và PM 10. Các hạt bụi mịn PM 2.5 thường được sinh ra từ hoạt động công nghiệp, hoặc bụi từ các công trình xây dựng, bụi đường phố, khói máy công nghiệp, hút thuốc, và đặc biệt là từ khí thải của các phương tiện giao thông,...
- Carbon monoxide (CO).
- Sulfur dioxide (SO2).
- Nitrogen dioxide (NO2).
Đối với mỗi chất gây ô nhiễm, EPA đã thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chỉ số AQI cao tương ứng với mức độ ô nhiễm không khí cao và ngược lại. Một số quốc gia như Canada, Malaysia, Singapore sẽ xây dựng thang đo AQI riêng tương ứng với tiêu chuẩn về chất lượng không khí của mỗi quốc gia đó.
2Cách xác định chỉ số chất lượng không khí
Chỉ số AQI được đo lường bằng cách đo nồng độ trung bình của các chất sau trong không khí trong một khoảng thời gian thường là 1 giờ, 8 giờ hoặc 24 giờ:
- Bụi mịn PM10
- Bụi mịn PM2.5
- Khí NO2
- Khí O3 (Ozon)
- Khí CO
- Khí SO2
- Khí NH3
- Chì
Sau khi đo lường xong, ta sẽ tính toán ra chỉ số trung bình để xếp hạng theo các thứ bậc như bảng sau:
3Chất lượng không khí tại Việt Nam
Theo số liệu ngày 28/2/2021 của trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam có sự khác nhau rõ rệt, được thể hiện cụ thể như sau:
Miền Bắc
Bản đồ quan trắc chất lượng không khí cho thấy, tại các tỉnh, thành phố miền Bắc, nhiều điểm quan trắc có chỉ số chất lượng không khí (AQI) màu đỏ (ở mức xấu), màu cam (ở mức kém).
Nguyên nhân chỉ số chất lượng không khí ở miền Bắc cao được cho là do mật độ xây dựng cao cùng với nhiều khu công nghiệp đang hoạt động.
Miền Trung
Tại khu vực miền Trung, chỉ số chất lượng không khí ở hầu hết các điểm quan trắc có màu xanh, chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe và rất ít điểm quan trắc có màu vàng (chất lượng không khí ở mức trung bình). Mật độ dân cư trung bình, ít hoạt động công nghiệp giúp cho miền Trung có chất lượng không khí tốt nhất cả nhất.
Miền Nam
Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Bộ, chỉ số chất lượng không khí tại nhiều điểm quan trắc có màu vàng (chất lượng không khí ở mức trung bình), tuy nhiên đối với người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch,... có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.
Miền Nam là trung tâm tài chính, kinh tế của cả nước, vì vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân diễn ra rất sôi nổi dẫn đến việc xả nhiều khí thải ra môi trường.
4Ảnh hưởng của chất lượng không khí tới sức khỏe
Tim mạch
Không khí ô nhiễm với nhiều loại bụi cùng các chất hóa học sẽ dễ dàng phát tán từ phổi vào hệ tuần hoàn, ảnh hưởng đến khả năng giãn nở và co thắt của mạch máu. Các mạch máu bị giảm kích cỡ sẽ cản trở khả năng lưu thông, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Đường hô hấp
Chất lượng không khí thấp có ảnh hưởng rõ rệt nhất lên phổi. Bụi mịn PM10 sẽ đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi. Bụi PM2.5 vì có kích thước rất nhỏ nên dễ dàng luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, cộng với khí CO hay SO2, NO2 sẽ cản hemoglobin kết hợp oxi khiến tế bào thiếu oxy.
Các triệu chứng có thể thấy được khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm cao là viêm mũi, viêm xoang, khó thở và hen suyễn. Nếu một thời gian dài người bệnh sống trong vùng ô nhiễm sẽ có khả năng cao mắc bệnh ung thư phổi.
Chức năng thận
Thận là nơi lọc máu và chất thải, điều hòa thể tích máu và bài tiết nước tiểu. Ô nhiễm không khí tạo gánh nặng lên thận sẽ khiến thận không thể lọc hết các phân tử ô nhiễm trong máu, từ đó có thể gây ra bệnh suy thận.
Quá trình sinh sản
Một vài nghiên cứu cho thấy, phụ nữ sống trong khu vực ô nhiễm không khí có nguy cơ sinh con tự kỷ cao gấp 2 lần so với bình thường. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng được cho là liên quan đến đến khả năng có con của nam giới vì khiến cho chất lượng tinh trùng bị suy giảm.
Những ảnh hưởng khác đến cơ thể
Ngoài ra, những người sống trong vùng ô nhiễm không khí lâu cũng thường mắc các triệu chứng như người hút thuốc lá như bị yếu xương cốt, lão hóa da và đau đầu nhiều hơn. Việc thường xuyên hít phải khí ô nhiễm làm hệ hô hấp, tim mạch bị ảnh hưởng, từ đó gây nên các biến đổi xấu trong cơ thể.
5Những điều cần biết để bảo vệ bản thân với sự ô nhiễm của không khí
Ô nhiễm không khí là điều khó tránh khỏi hiện nay khi mật độ dân số ngày càng cao cùng với lượng phương tiện lưu thông ngày càng nhiều ở các thành phố lớn.
- Đeo khẩu trang, đeo kính, đội mũ bảo hiểm trùm đầu có kính khi ra đường để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi.
- Nếu có điều kiện, chọn ô tô để di chuyển hoặc nếu không thì sử dụng phương tiện công cộng. Trên ô tô có máy lọc không khí ô tô sẽ phần nào giúp bạn hạn chế tiếp xúc với sự ô nhiễm. Việc sử dụng phương tiện công cộng cũng góp phần giảm bớt lượng khí thải.
- Trồng một ít cây xanh xung quanh nhà và nơi làm việc để cản bụi, lọc không khí tốt hơn.
- Không tập thể dục, đạp xe, chạy bộ và với cường độ cao tại nơi nhiều khói bụi sẽ làm cho hệ hô hấp bị ảnh hưởng nặng nề.
- Tránh các hoạt động ngoài trời vào mùa nóng hoặc chỉ nên tiến hành vào buổi sáng khi mức độ ô nhiễm thường thấp hơn.
6Những website xem chỉ số không khí đáng tin cậy
Mời bạn tham khảo một số website đáng tin cậy, có thể cung cấp cho bạn nhanh chóng và chính xác thông tin về chỉ số chất lượng không khí sau:
- https://maps.pamair.org: Trang web của công ty phi lợi nhuận PAM Air với 400 trạm đo tại khắp 63 tỉnh thành phố Việt Nam.
- https://www.iqair.com/vi: Đối tác công nghệ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, UN Habitat và Greenpeace.
- http://enviinfo.cem.gov.vn: Trang web của Tổng cục Môi trường Việt Nam.
- https://www.airnow.gov: AirNow là đối tác của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) và NASA.
Tham khảo thêm các máy lọc không khí để tận hưởng sự trong lành trong ngôi nhà mình nhé!
Trên đây là bài viết cung cấp thông tin về chỉ số chất lượng không khí AQI. Mong rằng những thông tin trên giúp bạn hiểu hơn về chỉ số này và nhận thức được về sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe của chúng ta.
Bạn đang xem: Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là gì? Và sự ảnh hưởng đến sức khỏe là như thế nào?
Chuyên mục: Tra cứu thông tin