Cẩn trọng nếu ngáy to, ngủ nhiều vẫn buồn ngủ

Dấu hiệu ngủ ngáy, ngủ gật ban ngày, đau đầu, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hội chứng này sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bất thường ngủ cả đêm, ngày vẫn ngủ gật

Cách đây khoảng 3 tháng, anh Nguyễn Văn Hòa (52 tuổi, ở Hà Nội) tìm đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám khi có triệu chứng hay buồn ngủ ban ngày và ngáy rất to vào ban đêm.

Sau khi tiến hành đo đa ký giấc ngủ tại Trung tâm Hô hấp, anh Hòa được chẩn đoán mắc hội chứng ngưng thở do tắc nghẽn đường hô hấp. Anh được khuyến cáo bỏ thuốc lá và đeo máy trợ thở khi ngủ.

Cẩn trọng nếu ngáy to, ngủ nhiều vẫn buồn ngủ-1

Bác sĩ Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân có dấu hiệu ngưng thở khi ngủ

Từ khi được điều trị, sức khỏe của anh Hòa cải thiện rõ rệt, đêm ngủ ngon hơn, không còn cảm giác nghẹt thở, còn ban ngày tỉnh táo và làm việc hiệu quả hơn.

Được biết, trước đó, mặc dù đều đặn đi ngủ từ 11h đêm và thức dậy vào 6h sáng, nhưng ban ngày anh Hòa luôn thấy rất buồn ngủ, mệt mỏi.

“Vợ tôi thường than phiền tôi ngủ đêm ngáy rất to, hơn nữa khi ngủ tôi có cảm giác nghẹt thở nên rất mệt mỏi. Sáng ngủ dậy, tôi thường thấy rất đau đầu”, anh Hòa cho biết.

Theo PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng đáng chú ý của hội chứng ngưng thở khi ngủ là ngủ ngáy, ngáy rất to và người bệnh có cơn ngừng thở được người thân chứng kiến.

Cụ thể, bệnh nhân đang ngáy rất đều, tự nhiên không thấy có tiếng động phát ra, trên 10 giây bắt đầu thấy bệnh nhân cựa mình, sặc lên rồi ngáy tiếp.

Đó là dấu hiệu biểu hiện cơn ngừng thở, bệnh nhân cảm thấy ngộp thở, ngột ngạt khó thở khi ngủ. Biểu hiện đáng chú ý nữa là bệnh nhân thường thức giấc vào ban đêm, có thể đi tiểu 3 - 4 lần, ngủ không ngon giấc; ngủ dậy mệt mỏi, đau đầu buổi sáng, không sảng khoái, rất buồn ngủ, rất khó tập trung…

Các trường hợp mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ gặp ở cả cháu bé, thậm chí còn rất ít tuổi, thanh niên và người trung tuổi, người lớn tuổi. Trong đó, trẻ em hay gặp ở nhóm có liên quan bất thường đến căn nguyên tai - mũi - họng. Đặc biệt, trẻ em thừa cân, thanh niên béo phì, người lớn tuổi tăng huyết áp... cũng là đối tượng dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ.

Ngoài ra, nam giới thường xuyên hút thuốc lá; dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc an thần; phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cũng là nhóm đối tượng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Dù là tình trạng rất nhiều người mắc phải, nhưng không phải ai cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng để đi khám.

Không thể chủ quan

Ths.BS. Phan Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi lần xuất hiện cơn ngưng thở kéo dài 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ bão hòa oxy trong máu. Khi nồng độ này giảm thấp, người bệnh có cảm giác khó thở, ngạt thở, vùng dậy để thở, thậm chí có những bệnh nhân giảm oxy máu quá thấp có thể dẫn đến đột tử trong đêm.

Nếu trong gia đình có người thường xuyên ngáy, ngáy to; hay buồn ngủ vào ban ngày; thức giấc nhiều lần trong đêm; đi tiểu đêm nhiều; đau đầu buổi sáng; không biết mình có ngủ được hay không; giảm trí nhớ, kém tập trung khi làm việc... thì nên đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán tình trạng bệnh.

PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai

Theo BS. Thủy, trước đây khi chưa có biện pháp đo đa ký giấc ngủ thì ngay cả các bác sĩ hay người bệnh đều chưa có hiểu biết về hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Bởi, biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng này là ngủ ngáy. Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ các bác sĩ đã chẩn đoán được rất nhiều các ca bệnh ngừng thở khi ngủ.

Nhờ có hình ảnh trên máy tính ghi lại sau một đêm ngủ của bệnh nhân, các bác sĩ đã có những bằng chứng để có thể chẩn đoán, điều trị chính xác cũng như dễ dàng giải thích, chỉ rõ các cơn ngừng thở cho bệnh nhân thấy và chỉ rõ các biến đổi về nồng độ oxy máu, hay sự biến động của nhịp tim là hậu quả của các cơn ngừng thở.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, giảm trí nhớ, mất tập trung.

Theo cảnh báo của BS. Giáp, khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não...

Từ đó, gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não, mạch máu ở tim và khắp cơ thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp, nguy cơ mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não. Chính vì vậy, ngưng thở khi ngủ về lâu dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử.

Bạn đang xem: Cẩn trọng nếu ngáy to, ngủ nhiều vẫn buồn ngủ

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết