Căn bệnh nhạc sĩ Phú Quang phải chống chọi suốt 30 năm trước khi qua đời

Sáng 8/12, thông tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời ở tuổi 72 tại Bệnh viện Việt Xô (Hà Nội) sau thời gian điều trị bệnh tiểu đường đã khiến nhiều người hâm mộ bàng hoàng.

Căn bệnh nhạc sĩ Phú Quang phải chống chọi suốt 30 năm trước khi qua đời-1
Nhạc sĩ Phú Quang.

Nhạc sĩ Phú Quang đã mắc bệnh đái tháo đường hơn 30 năm. Cứ mấy tháng, ông phải vào viện điều trị một lần. Năm 2020, ông từng nhập viện dài ngày trong tình trạng nguy kịch do biến chứng đái tháo đường.

Tháng 5/2021, do biến chứng của tiểu đường, nhạc sĩ phải nhập viện. Thời điểm đó, ông phải nằm trong phòng vô trùng và phải dùng máy thở.

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Căn bệnh nhạc sĩ Phú Quang phải chống chọi suốt 30 năm trước khi qua đời-2
Bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

GS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam, cho biết số ca mắc đái tháo đường vẫn tăng lên trong những năm gần đây. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế. Đây thực sự là khoảng trống lớn về sự chênh lệch giữa nhu cầu và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Hiện đang có gần 1,9 triệu người mắc đái tháo đường không biết mình mắc bệnh và biến chứng vẫn âm thầm xảy ra.

Theo GS Dàng, rất may mắn, lối sống lành mạnh có thể phòng ngừa được 70% đái tháo đường type 2 và ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ của đái tháo đường.

Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của đái tháo đường. Tuy nhiên, một số người đái tháo đường type 2 có các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được.

– Đi tiểu thường xuyên

– Cảm thấy rất khát

– Cảm thấy rất đói – ngay cả khi đang ăn

– Mệt mỏi nhiều

– Nhìn mờ

– Chậm lành các vết thương hoặc vết loét

– Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân

Phòng bệnh đái tháo đường

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của đái tháo đường type 2. Nhưng ảnh hưởng rõ nhất là những hành vi lối sống thường gắn với đô thị hóa, bao gồm sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như đồ uống có đường, thực phẩm có hàm lượng chất béo cao và carbohydrate tinh chế cao.

Ngoài ra, lối sống hiện đại được đặc trưng bởi sự không hoạt động và thời gian tĩnh tại dài làm tăng nguy cơ thừa cân hoặc béo phì và sự phát triển của đái tháo đường type 2.

Để ngăn chặn sự gia tăng của đái tháo đường type 2, phải thay đổi hành vi sống bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tăng mức độ hoạt động thể lực.

Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới đã tổng hợp các bằng chứng về loại thực phẩm có thể gây ra đái tháo đường type 2 và đã đưa ra 9 khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh cho mọi người nói chung.

1. Chọn nước, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, ngọt, nước ngọt, hoặc đồ uống có đường khác.

2. Ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày, kể cả rau xanh lá.

3. Ăn tối đa ba suất trái cây tươi mỗi ngày.

4. Chọn một miếng trái cây tươi, hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ.

5. Hạn chế đồ uống có cồn.

6. Chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản, thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.

7. Chọn bơ đậu phộng thay vì sô cô la hoặc mứt.

8. Chọn bánh mì, gạo hoặc mì ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống.

9. Chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu canola, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật, dầu dừa hoặc dầu cọ).

Bạn đang xem: Căn bệnh nhạc sĩ Phú Quang phải chống chọi suốt 30 năm trước khi qua đời

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết