Bộ Xây dựng: Giá nhà đất tăng cao, thu nhập của người dân theo không kịp
Theo Bộ Xây dựng, đất ở tăng cao so với thu nhập của người dân, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2.
Bộ Xây dựng vừa báo cáo về thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2022. Trong 7 vấn đề còn tồn tại hiện nay, Bộ Xây dựng nhấn mạnh đến thực trạng giá nhà ở, đất ở tăng cao so với thu nhập của người dân. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, hầu như không còn căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2. Trong đó, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với 2021. Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước.
Trong khi đó, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I vẫn chưa được cải thiện. Số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 41%, số căn hộ của các dự án bằng khoảng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. "Thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung ở các phân khúc. Số lượng dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đều hạn chế, có xu hướng giảm", Bộ Xây dựng chỉ rõ.
Theo Bộ Xây dựng, giá nhà đất tăng quá cao so với thu nhập của
người dân hiện nay. (Ảnh minh họa)
Một trong những nguyên nhân khiến giá nhà đất tăng cao, theo Bộ Xây dựng là "có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường bất động sản". Điều này chứng tỏ hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chưa quản lý tốt các giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, việc tách thửa, phân lô bán nền tại một số địa phương chưa theo quy định của pháp luật, tạo cơ hội cho hành vi đầu cơ, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm trục lợi.
Trong báo cáo này, Bộ Xây dựng cũng nhắc đến hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất tại một nơi có biểu hiện bất thường, đấu giá cao rồi bỏ cọc, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản trong thời gian gần đây chưa tuân thủ quy định của pháp luật, cũng gây nhiều rủi ro cho thị trường.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu (thống kê của SSC và HNX), trong Quý I/2022, có tổng cộng 48 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng (chiếm 78,09% tổng GTPH) và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng (chiếm 21,91% tổng GTPH). Kể từ đầu năm đến này, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 21,9% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 24,17%, đạt 30.998 tỷ đồng (chiếm 78,09% tổng giá trị phát hành).
Nhóm Bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành.
Bạn đang xem: Bộ Xây dựng: Giá nhà đất tăng cao, thu nhập của người dân theo không kịp
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Nóng ruột gom tiền lao vào cơn sốt, bạc mặt chôn vốn ôm hận 10 năm
- Chơi 'tất tay' giữa cơn sốt, nhà đầu tư F0 sập bẫy, ôm đất không thể giao dịch
- Qua 'sốt nóng', chủ nhà đất tự giảm giá rao bán xuống cả tỷ đồng
- Ôm mảnh ruộng ngàn m2 rồi bỏ hoang: Giấc mộng 10 năm ăn cú đậm
- Giá đất tăng gấp đôi, ồ ạt bán nhà mặt biển dời về làng ở
- Liên hoàn 'sốt' đất đẩy giá tăng 'ảo', nhà đầu tư cần hành động ngay khi có hiện tượng này