Ôm mảnh ruộng ngàn m2 rồi bỏ hoang: Giấc mộng 10 năm ăn cú đậm
Trong khi nhiều nhà đầu tư đất nền khóc ròng vì bán cắt lỗ cũng không có người mua thì một số nhà đầu tư khác lại chuyển sang đất nông nghiệp, chấp nhận đọng vốn 5 đến 10 năm chờ thời tăng gấp chục lần giá trị.
Cắt lỗ vẫn không thanh khoản
Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ra quyết định yêu cầu cơ quan liên quan tạm dừng việc giải quyết thủ tục về chia tách thửa các loại đất, trừ đất thổ cư và việc ngân hàng siết chặt việc cho vay đầu tư bất động sản, thị trường đất Hòa Lạc gần như đình trệ.
Trước đó, các xã quanh khu công nghệ cao Hòa Lạc như Bình Yên, Tân Xã, Tiến Xuân,... thuộc huyện Thạch Thất; Cổ Đông, Sơn Đông thuộc thị xã Sơn Tây chứng kiến nhiều đoàn người nườm nượp đến xem đất. Tuy nhiên, sau khi có quyết định trên thì giá đất ở khu vực này đã giảm mạnh, một số nhà đầu tư bắt đầu cắt lỗ để thu hồi vốn.
Gần một tháng qua, anh Quang (Thanh Xuân - Hà Nội) rao bán một lô đất rộng 90m2 tại xã Bình Yên, Thạch Thất với giá 1,5 tỷ đồng, cao hơn lúc mua 100 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm được người chốt. Anh Quang cho hay, sau hai lần đăng tin hạ giá xuống còn 1,2 tỷ đồng đến nay vẫn chưa có người hỏi.
Nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ để thu hồi vốn
Anh Quang kể, cuối tháng 9/2021 anh quyết định đầu tư lô đất này, tới giữa tháng 3/2022 có người trả 1,7 tỷ đồng, lãi 300 triệu nhưng anh không bán. Vì anh tính đất sẽ còn lên giá nên có ý chờ khi nào có người trả lãi được 500 triệu thì mới chốt.
“Không ngờ cuối tháng 3 có quyết định của Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội về việc dừng phân lô tách thửa, tôi đã rất lo lắng. Tuy vậy, tôi nghe ngóng thêm một thời gian xem thế nào rồi mới quyết định rao bán. Đến bây giờ chấp nhận cắt lỗ mà cũng không bán nổi”, anh Quang kể.
Chị Thân, ngụ tại Thôn 7, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất - một nhà đầu tư kiêm môi giới đất tại Hòa Lạc - chia sẻ, thực chất đất Hòa Lạc không còn sốt giá từ hơn 1 năm nay. Đầu tháng 3/2022, giá đất được đẩy lên là do giữa các cò đất mua đi bán lại cho nhau rồi tự thổi giá lên, còn nhà đầu tư thuần như anh Quang thì rất ít.
“Quyết định dừng phân lô tách thửa như là cú sốc với người làm môi giới kiêm đầu tư. Chúng tôi còn đọng vốn vào vài lô, chứ một lô như anh Quang đã ăn thua gì”, chị Thân than thở.
Kế hoạch dài hơi, chuyển sang đất nông nghiệp
Trong đợt sốt đất năm 2021, giá đất vườn kèm theo đất ở tăng gấp cả chục lần, từ mức 200 triệu đồng/sào nay đang đứng giá ở mức 1-1,5 tỷ đồng tại một số khu vực có tiềm năng du lịch như Sóc Sơn, Ba Vì... Nhờ đó, đất nông nghiệp tại đây cũng được đà tăng giá, từ vài chục triệu đồng/sào cách đây 2 năm nay lên 200-300 triệu đồng/sào, thậm chí 400 triệu đồng/sào tùy vị trí. Đất nông nghiệp rõ ràng được các nhà đầu tư để mắt tới.
Anh Phan Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội), nghe người bạn giới thiệu đất Ba Vì có tiềm năng du lịch, đất thổ cư kèm đất vườn sau một năm giá tăng lên 1 tỷ đồng/sào, có vị trí 1,5 tỷ đồng/sào. Còn đất nông nghiệp cũng tăng đến cả chục lần, đang chào bán khoảng 200 triệu đồng/sào. Thấy vậy, anh cũng quyết định mua 3 sào đất nông nghiệp tại thôn Xoan, Vân Hòa (Ba Vì) với giá 550 triệu đồng.
Đầu tư đất nông nghiệp có thể lời lớn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Anh Thắng cho hay, tầm tiền trên 1 tỷ đồng/sào đất vườn thì anh không đủ để đầu tư, nhưng với giá đất nông nghiệp như vậy có thể sẽ là cơ hội đầu tư sinh lời lớn.
“Ngay từ đầu mình xác định, đầu tư đất nông nghiệp không được nóng vội, phải tính kế hoạch lâu dài, có thể từ 5 năm đến 10 năm mới có lãi. Trong quá trình đó có thể sẽ chuyển đổi thành đất ở thì sinh lời tính hàng chục lần”, anh Thắng phân tích.
Nhưng cũng theo anh Thắng, đầu tư đất nông nghiệp tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Theo anh, nếu trong vòng 5-10 năm không chuyển đổi được sang đất ở thì tiền nằm chết dí ở đó, chưa kể mua phải lô nằm trong vùng quy hoạch thì mất trắng.
“Phải chọn những lô có vị trí đắc địa, mặt tiền rộng vài chục mét thì đầu tư mới có thể cơ hội sinh lời lớn, chứ mặt tiền hẹp chỉ còn cách đi làm nông nghiệp’, anh Thắng nói thêm.
Cùng quan điểm với anh Thắng, anh Nguyễn Mạnh Quỳnh cũng quyết định đầu tư 4 sào đất nông nghiệp thuộc xã Vân Hòa với giá 800 triệu đồng, tương đương 200 triệu đồng/sào. Anh Quỳnh cho hay, nếu 5 đến 10 năm tới hạ tầng du lịch Ba Vì phát triển mạnh thì đất nông nghiệp cũng có thể thành đất vàng.
“Chỉ cần nhìn lại cách đây 3 năm, những mảnh đất vườn kèm theo đất ở chỉ 200 triệu đồng/sào sau đợt sốt vừa qua đã có giá trên 1 tỷ đồng, hay có giao dịch lên tới 2 tỷ đồng/sào. Chính vì thế, nếu Ba Vì thành một quần thể du lịch lớn trong thời gian tới thì đất nông nghiệp sẽ đắt ngang đất sổ đỏ như hiện nay”, anh Quỳnh cho hay.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đất đai thì có hạn, con người thì ngày càng đông lên nên việc tích lũy đất sẽ đem lại giá trị lớn và lâu dài. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư có ý định mua đất bằng mọi giá, bởi ngay cả đất nông nghiệp cũng có thể sẽ là tài sản lớn trong tương lai.
Bạn đang xem: Ôm mảnh ruộng ngàn m2 rồi bỏ hoang: Giấc mộng 10 năm ăn cú đậm
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Liên hoàn 'sốt' đất đẩy giá tăng 'ảo', nhà đầu tư cần hành động ngay khi có hiện tượng này
- Mua đất như thiêu thân, cơn sốt hạ nhiệt, đua nhau bán cắt lỗ
- Chỉ sau một cú điện thoại của 'cò', giá đất bị thổi thêm 4 triệu đồng/m2
- Bộ Xây dựng: Giá nhà đất tăng cao, thu nhập của người dân theo không kịp
- Đua nhau cắt lỗ đất nền phân lô ven đô
- 'Cò đất' lùng sục khắp ngõ ngách sau công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng