Bệnh nhân bị bác sĩ dùng một tay phá thai 21 tuần tuổi, đại diện phòng khám nói gì?
Theo nội dung phản ánh đến Báo Tiền Phong, chị T. cho biết đã bị bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Đại Lộ Bình Dương dùng một tay thực hiện thủ thuật phá thai 21 tuần tuổi đồng thời còn “vẽ bệnh, moi tiền” khiến chị T bức xúc. Đại diện phòng khám nói gì về việc này?
Mang thai 21 tuần vì hoàn cảnh riêng của bản thân, chị P.T.T (32 tuổi, ngụ tại Dĩ An, Bình Dương) phải quyết định bỏ con. Ngày 14/10, chị đến Phòng khám Đa khoa Đại Lộ Bình Dương (Thuận An, Bình Dương) phá thai. Nữ bệnh nhân cho biết đã chọn gói dịch vụ 21,9 triệu đồng sau khi bác sĩ của phòng khám là Nguyễn Thị Nga khẳng định việc bỏ thai sẽ hoàn tất trong thời gian từ 2 đến 3 ngày. Tuy nhiên, 6 ngày sau khi chị được bác sĩ tiêm và truyền thuốc thai vẫn chưa lưu.
Theo lời bệnh nhân, ngày 20/10 bác sĩ bị thương một bên tay trái, dùng một tay còn lại lấy thuốc đồng thời sử dụng ống tiêm với cây kim dài để bơm thuốc trực tiếp vào cuống rốn nhằm thúc đẩy quá trình thai lưu.
Chị T cho biết: “Mũi tiêm thứ nhất bị lệch khiến tôi vô cùng đau đớn, thuốc phụt hết ra ngoài. Tôi đề nghị để người khác thực hiện nhưng BS Nga nói “chỉ có mình bác làm”. Sau đó, bà tiếp tục dùng một tay, sử dụng cây kim dài, tiêm mũi thứ hai vào vùng bụng của tôi”.
Bệnh nhân đến gửi đơn thư khiếu nại và trực tiếp phản ánh vụ
việc tại Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM
Theo phản ánh của người bệnh, tối cùng ngày phòng khám đề nghị chị lưu lại để theo dõi. Sang ngày 21/10 chị có biểu hiện đau đớn dữ dội nên đã đề nghị nhân viên y tế hỗ trợ. “Lúc này bác sĩ tư vấn tôi nên chuyển sang gói 37 triệu là phương pháp không đau và tốt hơn cho sức khỏe. Trong lúc quá đau, tôi đã đồng ý mức giá mới. Tuy nhiên, sau đó họ chẳng hỗ trợ gì mà đưa cho tôi một cái chậu, tự vượt cạn trong đau đớn tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần” – chị T cho biết.
Từ số tiền thỏa thuận theo gói dịch vụ ban đầu là 21,9 triệu đồng, theo thông tin từ bệnh nhân, khi hoàn tất việc phá thai chị đã phải đóng cho phòng khám gần 45 triệu đồng. Sau khi ổn định sức khỏe, bệnh nhân trở lại phòng khám xin các giấy tờ liên quan đến việc khám chữa bệnh để đi làm thủ tục hưởng bảo hiểm nhưng không được phòng khám cung cấp.
Phòng khám nói gì?
Sau khi tiếp nhận đơn thư của người bệnh, ngày 13/11 phóng viên đã trực tiếp đến làm việc, chuyển nội dung khiếu nại tới phòng khám. Ngày 15/11, đại diện phòng khám là ông Hoàng Đại Nam, Trưởng phòng Nhân sự Phòng khám Đa khoa Đại Lộ Bình Dương đã đến văn phòng Báo Tiền Phong tại TPHCM cung cấp các thông tin liên quan.
Ông Nam cho biết, người khám và điều trị cho bệnh nhân là BS Nguyễn Thị Nga, mới ký hợp đồng làm việc tại phòng khám 10 ngày. Nguyên nhân BS Nga dùng một tay để bơm thuốc cho người bệnh là do trong thời gian điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ bị tai nạn giao thông khiến một tay bị thương.
Phòng khám Đa khoa Đại Lộ Bình Dương thừa nhận vụ việc bệnh
nhân phản ánh xảy ra tại đây
“Sau khi bác sĩ khám, điều trị cho bệnh nhân T thì ban giám đốc phòng khám mới nắm được thông tin. Lãnh đạo phòng khám đã yêu cầu các phòng ban tập hợp, báo cáo, giải trình. Đến hôm nay, phòng khám thừa nhận sự việc có xảy ra tại phòng khám. Phòng khám ghi nhận và thừa nhận sai sót do có sự buông lỏng về mặt quản lý dẫn đến tình huống không mong muốn mà bệnh nhân phản ánh” – ông Nam nói.
Theo thông tin ông Nam cung cấp, Phòng khám Đa khoa Đại Lộ Bình Dương được Sở Y tế tỉnh Bình Dương cấp phép thực hiện dịch vụ phá thai, tuy nhiên chỉ được phép phá thai từ 7 tuần tuổi trở xuống. Phía phòng khám đang cung cấp thông tin cho Thanh tra Sở Y tế để xác định thời điểm phá thai, tuổi thai chính xác của thai nhi là bao nhiêu tuần. Ông Nam thẳng thắn nhìn nhận: “Nếu sự việc diễn ra như bệnh nhân phản ánh thì đây là vấn đề thiếu đạo đức, thiếu nhân văn, đi ngược lại chủ trương của lãnh đạo phòng khám. Chúng tôi đang nỗ lực liên hệ với người bệnh để tìm giải pháp hỗ trợ và giải quyết vụ việc”.
Về chi phí bất hợp lý bệnh nhân đã chi trả, đại diện phòng khám cho biết các dịch vụ bệnh nhân đã thanh toán là không phù hợp với bảng giá niêm yết đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Phòng khám đang tiến hành kiểm tra, rà soát và bước đầu xác định việc chuyển tiền được gửi đến một tài khoản cá nhân, sự việc đang được tiếp tục làm rõ.
“Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã yêu cầu phòng khám báo cáo sự việc và đang trong quá trình xử lý. Nội dung bệnh nhân phản ánh xảy ra tại phòng khám, nhân sự khám chữa bệnh có hành vi vi phạm cũng là của phòng khám. Đây có thể là lỗi do cá nhân nhưng phòng khám vẫn nhận trách nhiệm trước pháp luật về vụ việc này” – ông Nam nói.
Liên quan đến phản ánh của bệnh nhân T, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, sở đã tiếp nhận đơn phản ánh của bệnh nhân. Sở đã mời bệnh nhân đến làm việc để tiến hành xác minh theo nội dung đơn và sẽ cung cấp thông tin đến báo sau khi có kết luận, xử lý.
Một chuyên gia trong lĩnh vực sản phụ khoa tại TPHCM cho biết, theo quy định hiện hành, những trường hợp phá thai trên 12 tuần tuổi bắt buộc phải thăm khám và thực hiện tại bệnh viện. Một số phòng khám đa khoa đủ điều kiện thẩm định có thể được cấp phép thực hiện phương pháp phá thai tối đa là 12 tuần. Các phòng khám tư nhân, trung tâm y tế chỉ được cấp phép phá thai nội khoa đến hết 7 tuần của thai kỳ.
Bạn đang xem: Bệnh nhân bị bác sĩ dùng một tay phá thai 21 tuần tuổi, đại diện phòng khám nói gì?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Thủng tử cung vì tự ý uống nước lá cây để phá thai
- Băng huyết nguy kịch sau khi tự phá thai tại nhà
- Suýt chết do tự phá thai bằng thuốc
- Nữ sinh suýt chết vì uống thuốc phá thai mua trên mạng
- Thiếu nữ 19 tuổi suýt mất mạng vì uống thuốc phá thai mua trên mạng
- Đi cấp cứu sau khi phá thai bằng thuốc tại phòng khám tư