3 sai lầm chết người nhiều người hay mắc khi đi nắng về
Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Việc uống bia lạnh tưởng tốt nhưng thực tế lại làm tăng nguy cơ mất nước.
Nếu ở ngoài trời nắng nóng trong thời gian dài, bạn có nguy cơ cao bị mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
ThS.BS Nguyễn Duy Chinh, khoa Các bệnh mạch máu, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, nắng nóng còn khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém kèm theo sự giãn mạch dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, cao huyết áp.
Ảnh minh họa: Nam Anh.
Thời tiết nắng nóng còn làm suy giảm chức năng các cơ quan, gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ… khiến nguy cơ đột quỵ dễ xảy ra.
Dưới đây là 3 thói quen không tốt của nhiều người khi đi trời nắng về:
Dùng rượu bia để giải khát khi nóng
Theo Cleveland Clinic, uống đồ uống có cồn trong thời tiết nóng bức có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Trong thời tiết quá nóng, chúng ta đổ mồ hôi nhiều hơn và uống rượu bia có thể khiến chúng ta mất nước do đi tiểu nhiều. Sự kết hợp này có thể dẫn đến mất nước.
Mất nước trong thời tiết nóng có thể gây ra: Chóng mặt, chuột rút cơ bắp, mệt mỏi, say nắng…
Nếu bạn chọn uống đồ uống có cồn trong thời tiết nóng, hãy uống chúng từ từ và uống một cốc nước đều đặn để giữ cho cơ thể đủ nước.
Ngồi phòng máy lạnh sau khi đi nắng về
Ngồi phòng máy lạnh sau khi đi từ nắng nóng về khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích nghi kịp thời có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Cụ thể là những người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, mắc các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…
Tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về
Đi nắng về, cơ thể ra mồ hôi nhiều, nhớp nháp khiến nhiều người lao ngay đi tắm nước lạnh với hy vọng cơ thể được làm mát. Tuy nhiên, đây là một thói quen không tốt.
Theo BS Chinh, việc tắm nước lạnh ngay sau khi nắng về có thể làm co quá mức hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và làm tăng hoạt động của tim. Từ đó, tăng nguy cơ đột quỵ, nhưng không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ.
Để phòng ngừa đột quỵ trong những ngày nắng nóng, BS Chinh khuyên:
- Người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài đường, nhất là những lúc nắng gắt, buổi trưa đứng nắng. Nếu không thật sự cần thiết, nên hủy bỏ các hoạt động ngoài trời, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm và chiều muộn, khi ngoài trời đã tương đối dịu mát.
- Thường xuyên bổ sung đủ nước trong ngày. Có thể bổ sung nước qua việc uống nước ép trái cây, ăn bổ sung canh rau, củ quả mỗi ngày.
- Mặc quần áo nhẹ, rộng, màu sáng, tránh mặc đồ bó khó chịu, đội mũ rộng vành và nên đeo kính bảo vệ mắt.
- Hạn chế rượu bia hoặc cà phê, bởi thành phần cồn và cafe.
- Với người mắc bệnh tim mạch, nên dùng máy điều hòa để làm mát. Khi dùng máy điều hòa, chỉ nên khống chế nhiệt độ ở khoảng 27 độ C và mức chênh lệch trong và ngoài phòng không nên vượt quá 7 độ.
Bạn đang xem: 3 sai lầm chết người nhiều người hay mắc khi đi nắng về
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Trời nắng nóng gay gắt, Bộ Y tế hướng dẫn cách xử trí khi bị say nắng, đột quỵ do nóng
- 5 triệu người chết vì đột quỵ năm 2030: Cảnh báo 7 nguyên nhân hàng đầu
- Sốc nhiệt ngày nắng nóng dễ gây đột quỵ, tử vong: Hãy học cách tự bảo vệ mình theo khuyến nghị của WHO
- Nắng nóng, đột quỵ 'vào guồng': Các dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với say nắng
- Thực hư tắm đêm gây đột quỵ và tử vong
- Ám ảnh về kết cục bi thương nhất của bệnh nhân đột quỵ