Xe ôtô đời mới có cần phải chạy roda nữa không?
Kỹ thuật hiện đại ngày nay đã hiện đại hơn trước nhưng vẫn có một số yếu tố quan trọng mà người dùng ôtô cần cân nhắc trong giai đoạn đầu mới nhận xe.
Trước đây, những người dùng thường được khuyên là nên
chạy roda xe ôtô mới trong giai đoạn đầu để bảo vệ
động cơ và kéo dài tuổi thọ của bộ phận quan trọng này. Tuy nhiên,
công nghệ hiện đại ngày nay đã giúp ôtô trở nên khỏe hơn thì việc
chạy roda có thực sự cần thiết nữa không?
Chạy roda là gì?
Chạy roda cho xe ôtô mới mua (rodai hay rốt-đa) là
quá trình cho phép động cơ vận hành đồng đều lúc còn mới. Quá trình
này mang đến thời gian cần thiết để động cơ điều chỉnh hiệu suất
tối ưu và tuổi thọ về lâu về dài. Chạy roda cho phép xéc măng nằm
đúng vị trí trên thành xi-lanh, ngăn tình trạng mòn không đồng đều.
Quá trình chạy roda có thể kéo dài trong khoảng 500 - 1.000 dặm
(800 - 1.600 km) đầu tiên sau khi nhận xe, tùy từng nhà sản
xuất.
Việc chạy roda sẽ giúp tăng tuổi thọ động cơ.
|
Nếu bắt động cơ làm việc nặng ngay từ những km đầu, bạn
có thể làm sai hỏng kích thước và hình dạng của các bộ phận trong
động cơ. Khi điều này xảy ra, xéc măng có thể nằm không đúng vị trí
hoặc piston di chuyển không đúng cách khiến động cơ tốn dầu theo
thời gian.
Cách tốt nhất là chạy roda động cơ một cách từ từ. Làm như vậy
sẽ đảm bảo giảm thiểu tình trạng ăn mòn sớm của động cơ đồng thời
cung cấp đủ thời gian để động cơ và hộp số điều chỉnh ăn khớp với
nhau.
Xe ôtô đời mới có cần phải chạy roda nữa
không?
Để trả lời câu hỏi này, ông Mike Monticello, giám đốc mảng lái
thử xe của tạp chí Consumer Reports, đã liên hệ với các nhà sản
xuất ôtô. "Tôi đã hỏi một hãng ôtô, trong trường hợp này là Volvo.
Họ nói là không có quy định hay quy trình roda cần thiết với những
mẫu xe mới của hãng. Theo họ, hệ truyền động sẽ liên tục thích ứng
với phong cách lái của chủ xe nên giai đoạn chạy roda không thực sự
cần thiết", ông Monticello cho biết.
Tuy nhiên, khác với Volvo, vẫn có những hãng ôtô hướng dẫn
người mới mua xe về việc chạy roda. Có thể thấy điều này trong sách
hướng dẫn dành cho chủ xe của mẫu xe bán tải cỡ nhỏ Ford Maverick
2022. Trong sách hướng dẫn, hãng Ford ghi rõ: "Xe cần giai đoạn
chạy roda". Ford khuyên người mới mua xe của hãng nên tránh chạy
tốc độ cao, phanh gấp, sang số gấp hay kéo hàng nặng trong 1.000
dặm (1.600 km) ban đầu.
Tương tự như vậy, sách hướng dẫn của Hyundai Santa Fe đời 2021
cũng nêu rõ những gì chủ xe nên và không nên làm trong 600 dặm (960
km) đầu. Theo hãng Hyundai, nếu làm theo những chỉ dẫn đơn giản
này, bạn sẽ "cải thiện hiệu suất, khả năng tiết kiệm nhiên liệu và
tuổi thọ cho xe của mình".
Cụ thể hơn, Hyundai khuyên người mới mua xe của hãng không nên
ép động cơ tới mức giới hạn trong 960 km đầu. Thay vào đó, chủ xe
nên duy trì vòng tua máy của động cơ trong khoảng 2.000 - 4.000
vòng/phút. Bên cạnh đó, Hyundai cũng khuyên chủ xe không nên duy
trì ở một tốc độ trong thời gian dài. Nói cách khác, trong giai
đoạn chạy roda, ngay cả trên cao tốc, bạn vẫn nên thay đổi tốc độ
của xe. Điều này sẽ giúp xéc măng của động cơ đóng kín đúng cách,
giảm ăn mòn sớm.
Chưa hết, theo hãng Hyundai, người mới mua xe nên tránh phanh
gấp không cần thiết. Việc phanh gấp sẽ khiến má phanh và rô-to
phanh bị quá nhiệt. Điều này dẫn đến tình trạng rô-to phanh bị đánh
bóng và giảm hiệu suất phanh. Cuối cùng, hãng Hyundai khuyên chủ xe
không nên kéo rơ-moóc trong 1.200 dặm (1.920 km) đầu.
Ô tô điện thì sao?
Đối với ôtô điện, người lái không cần phải chạy roda. Trong
sách hướng dẫn dành cho chủ xe của mẫu ôtô điện Kia EV6 không có
dòng nào liên quan đến việc chạy roda. Nguyên nhân là bởi "xe điện
sẵn sàng chạy luôn ngay sau khi được đập hộp", một đại viện của
hãng Kia trao đổi với tờ Consumer Reports. "Đây là một lợi ích khác
của việc sở hữu ôtô điện", vị này nói thêm.
Xe ôtô điện như Kia EV6 không cần phải chạy
roda
|
Những điều cần lưu ý khi chạy roda
Tránh đẩy động cơ tới mức giới hạn
Một trong những điều mà người mới mua xe hay làm chính là thử
và đẩy động cơ tới mức giới hạn. Một quy tắc chung là giữ động cơ ở
vòng tua dưới 4.000 vòng/phút trong 800 - 1.600 km đầu. Sau đó, bạn
có thể dần dần tăng lên. Trong giai đoạn chạy roda, nếu tăng tốc
đến mức tối đa, bạn sẽ gây áp lực cho xéc măng và ống góp khí vào
xi-lanh, từ đó đẩy nhanh tình trạng mòn động cơ.
Ngoài ra, bạn cũng không nên chở quá trọng tải hay kéo hàng
nặng trong 1.600 km đầu. Với xe hộp số sàn, người lái nên tránh đẩy
vòng tua máy lên mức tối đa trước khi sang số.
Nên chạy đường dài
Quãng đường ngắn sẽ khiến động cơ của xe không đủ thời gian để
nóng lên và đạt nhiệt độ tối ưu. Nhiệt độ động cơ thấp sẽ làm giảm
hiệu quả bôi trơn các bộ phận, gây ra ăn mòn sớm. Điều này càng có
tác động lớn trong những km đầu tiên của xe khi các bộ phận động cơ
chưa ổn định.
Tránh sử dụng hệ thống Cruise Control
Trong thời gian chạy roda, bạn nên thay đổi tải động cơ, tốc
độ và vòng tua máy. Việc sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình
Crusie Control trong giai đoạn này sẽ phản tác dụng vì công nghệ
này có tác dụng liên tục duy trì tốc độ động cơ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu không chạy roda động cơ đúng
cách?
Chạy roda đúng cách sẽ ngăn các bộ phận động cơ
bị ăn mòn sớm. Nếu không chạy roda đúng cách, bạn sẽ gây ra những
hậu quả như sau:
- Giảm tuổi thọ động cơ.
- Dầu bôi trơn tụ lại trong thành xi-lanh khiến động cơ tốn
dầu bôi trơn hơn cần thiết.
- Thành xi-lanh bị mòn nhanh hơn.
- Vấu cam bị mòn không đúng cách, làm sai lệch thời gian
đóng/mở van.
Thảo Nguyễn
Bạn đang xem: Xe ôtô đời mới có cần phải chạy roda nữa không?
Chuyên mục: Xe
Các bài liên quan
Chia sẻ bài viết