Vụ 3 anh em ở TP.HCM bị ngộ độc: Một trẻ vẫn phải thở máy
Ba anh em ruột ở TP.HCM bị nôn ói, đau bụng, yếu cơ và chuyển vào cấp cứu sau khi ăn giò lụa không rõ nguồn gốc. Các bác sĩ đã sử dụng thuốc hiếm có giá 8.000 USD/lọ để giải độc.
Trong đó, em N.Đ (13 tuổi) nhập Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, yếu 2 chi dưới tăng dần, sụp mi mắt, đi đứng loạng choạng. Em N.H. (14 tuổi) và N.X (10 tuổi) cấp cứu vì nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng, chóng mặt, yếu chi.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, hiện em Đ. vẫn tiếp tục thở máy thông số thấp, thực hiện được theo y lệnh, kích thích đau đáp ứng. Hai em H. và X. tri giác tỉnh, tiếp tục được điều trị.
Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, theo người nhà, các em đã ăn phải giò lụa không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu hư hỏng. Đến chiều cùng ngày, các triệu chứng xuất hiện.
Nạn nhân vụ ngộ độc sau ăn giò lụa đang điều trị tại Bệnh viện
Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: BVCC.
Thời điểm nhập viện, em Đ. được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thức ăn căn nguyên do botulinum. Bệnh nhi được thở oxy, truyền dịch, nhưng suy hô hấp tăng dần phải đặt nội khí quản thở máy. Kết quả đo điện cơ ghi nhận giảm đáp ứng dẫn truyền vận động trên tất cả các dây thần kinh, phù hợp với chẩn đoán bệnh tiếp hợp thần kinh cơ, nghi do botulinum.
Qua hội chẩn, các bác sĩ của 3 bệnh viện gồm Nhi đồng 2, Bệnh nhiệt đới và Chợ Rẫy đã thống nhất chẩn đoán theo dõi ngộ độc botulinum toxin biến chứng suy hô hấp.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận thuốc giải độc BAT (trị giá 8.000 USD/lọ) từ ê-kíp bác sĩ Quảng Nam. Số thuốc được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để sử dụng cho 3 bệnh nhi nói trên vào rạng sáng ngày 16/5. Đây là thuốc giải độc quý hiếm còn lại sau vụ ngộ độc botulinum ở Quảng Nam.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Thị Ngọc Phú, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, ngộ độc botulinum có dấu hiệu sớm như mệt mỏi, nôn ói, tiêu lỏng trong khi tri giác vẫn tỉnh táo, không sốt.
Khi độc tố xâm nhập nhiều hơn, bệnh nhân sẽ nhìn mờ, khô miệng, dấu hiệu liệt cơ như sụp mi, khó nuốt, khó nói. Tình trạng nặng hơn là liệt các cơ hô hấp, dẫn đến suy hô hấp nặng, người bệnh có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Thuốc giải độc BAT có giá 8.000 USD/lọ. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ Phú cho biết thuốc giải độc tố BAT nên được sử dụng càng sớm càng tốt, ngay sau khi có chẩn đoán để giúp cải thiện tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, đây là loại thuốc rất hiếm, không phải lúc nào cũng sẵn có, giá thành cao.
Vì vậy, chăm sóc hỗ trợ là cơ sở điều trị chính trong ngộ độc botulinum, đặc biệt là trường hợp suy hô hấp nặng phải thở máy, có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng để hồi phục.
Để phòng ngừa tình trạng ngộ độc, bác sĩ Phú khuyến cáo phụ huynh cần đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm tươi sống, không sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Đối với thực phẩm đóng hộp, cần lựa chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy cách đóng gói an toàn, có ghi hạn sử dụng.
Khi phát hiện thực phẩm có màu hay mùi lạ, cần thông báo với nhà bán hàng, nơi cung cấp hoặc cơ quan chức năng can thiệp. Tuyệt đối không tiêu thụ thực phẩm nghi ngờ và kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình.
Bạn đang xem: Vụ 3 anh em ở TP.HCM bị ngộ độc: Một trẻ vẫn phải thở máy
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Uống nhầm thuốc chống trầm cảm, 3 trẻ em nguy kịch
- Bộ Y tế: WHO sẽ cung cấp khẩn thuốc điều trị ngộ độc botulinum
- 4 nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc Botulinum được WHO cảnh báo, không ngờ toàn món quen thuộc với người Việt
- Ăn chả lụa, liên tục ngộ độc botulinum: Cảnh báo thói quen 'chết người'
- Sau tiệc nhậu, 2 người tử vong, một người cấp cứu nghi do ngộ độc rượu
- 5 thói quen khiến vi khuẩn 'tích tụ', tăng nguy cơ ngộ độc, số 3 nhiều người Việt làm