Virus Adeno có thể gây dịch bệnh mới không?
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thông tin về tình trạng gia tăng đột biến trẻ mắc bệnh do virus Adeno. Số trẻ nhập viện vì virus này tăng mạnh từ tháng 8 và đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong.
Ít tháng trước, virus Adeno cũng khiến cộng đồng lo ngại vì được cho là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan bí ẩn ở một số quốc gia.
Virus Adeno từng được nghi ngờ là nguyên nhân gây ra bệnh viêm
gan bí ẩn.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, virus Adeno là loại virus rất cũ, quen thuộc với bác sĩ nhi khoa và hô hấp. Virus Adeno được phân lập lần đầu năm 1953 từ các mảnh hạch hạnh nhân và tổ chức tuyến được cắt bỏ sau khi phẫu thuật.
Đến nay, các nhà chuyên môn biết khoảng trên 100 chủng của virus này, trong đó có 47 chủng gây bệnh ở người.
“Virus Adeno từ lâu đã gây bệnh hô hấp ở người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Người nhiễm virus Adeno có triệu chứng nóng, ho, sổ mũi giống như bị cảm hoặc viêm hô hấp. Có trẻ khi mắc bệnh sẽ biểu hiện nhẹ nhàng, nhưng cũng có trẻ thở mệt phải đi bệnh viện”, bác sĩ Khanh chia sẻ. Giống như RSV (virus hợp bào) và cúm, virus Adeno lưu hành quanh năm.
Hiện nay, không có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh do virus Adeno gây ra, vì đa số bệnh tự hết. Những trường hợp trở nặng thường do trẻ có miễn dịch kém hoặc nhiễm thêm vi trùng, nhất là vi trùng kháng thuốc.
Trẻ em nhập viện vì bệnh hô hấp tại TP.HCM.
Theo bác sĩ Khanh, có thể hiện nay, một số cơ sở y tế có điều kiện thực hiện test nhanh hoặc PCR, nên xác định được virus Adeno gây bệnh hô hấp ở trẻ em. Tuy nhiên, việc xét nghiệm hay không với virus Adeno cũng không thay đổi hướng điều trị cho bệnh nhân.
“Mọi người cần bình tĩnh, virus Adeno không có diễn biến gì mới”, bác sĩ Khanh khẳng định.
Đến thời điểm này vẫn chưa có vắc xin phòng virus Adeno vì có quá nhiều chủng. Loại virus này xâm nhập qua đường tiêu hóa, tiếp xúc, hô hấp, do đó, khẩu trang và rửa tay vẫn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
Người lớn bị cảm hoặc mắc bệnh hô hấp phải tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ, che miệng khi ho hay hắt hơi. Trẻ nhỏ cần tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Bên cạnh đó, mỗi người cần uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh khuyến cáo, trẻ nhỏ cần được chích ngừa mũi vắc xin 6 trong 1, vắc xin phế cầu, vắc xin cúm nhằm tránh nguy cơ mắc cùng lúc nhiều bệnh.
Đáng chú ý, virus Adeno cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc, bệnh dạ dày, tiêu hóa, từng được nghi ngờ là nguyên nhân gây ra viêm gan bí ẩn thời gian qua.
Theo Vietnamnet
Bạn đang xem: Virus Adeno có thể gây dịch bệnh mới không?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Giám đốc CDC Mỹ: Đại dịch tiếp theo có thể là cúm
- Dịch bệnh kỳ lạ đang lan rộng khiến nhiều người Mỹ bị ốm kéo dài
- Năm 2022: Dịch bệnh và những loại virus gây bệnh phức tạp, nguy cơ tử vong tới 90% và chưa có vaccine phòng ngừa
- WHO cập nhật các mầm bệnh có nguy cơ bùng phát thành đại dịch
- Những dịch bệnh diễn biến nóng nhất tại Hà Nội
- Làm xét nghiệm nào để phát hiện ca nhiễm virus Adeno?