Vì sao thị trường 'khát' xăng dầu?
Việt Nam chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất nhưng vì sao tình trạng 'khát' xăng dầu vẫn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước?
Hiện nay cả nước có 36 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối, khoảng 500 doanh nghiệp phân phối và 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nhưng thị trường vẫn có tình trạng khan hiếm xăng dầu. Vì sao lại có tình trạng này?
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, có 3 lý do dẫn đến tình trạng nguồn cung xăng dầu trong nước ngày càng ít.
Thứ nhất, nguồn cung thế giới khan hiếm, châu Âu và các nền kinh tế lớn tăng mua nguồn dầu lớn từ OPEC + và Nga, trước hạn 25/11 khi phương Tây tiếp tục áp lệnh cấm vận lên Nga, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam.
Thứ hai, tỷ giá ngoại tệ có thể nhập khẩu xăng dầu như USD, Euro liên tục thay đổi tỷ giá, tăng 0,75 điểm % trong tuần qua và dự báo sẽ tiếp tục được điều chỉnh trong thời gian tới, lên đến ngưỡng 4,25% với USD và trên dưới 5% với đồng Euro, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Thứ ba, việc tiếp cận vốn, ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của nhiều doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu cho vay và bảo lãnh của ngân hàng.
"Thị trường xăng dầu thế giới ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta. Xăng dầu sản xuất trong nước đảm bảo 80% nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, một nửa lượng dầu thô để sản xuất xăng dầu được chúng ta nhập khẩu từ thế giới, nên giá xăng dầu biến động sẽ có tác động trực tiếp đến xăng dầu trong nước. Ngoài ra, còn 20% xăng dầu thành phẩm nhập khẩu cũng ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước", ông Diên nói.
Bộ Công Thương chỉ ra loạt lý do dẫn đến tình trạng nguồn cung xăng dầu khan hiếm. (Ảnh minh họa)
Vẫn theo ông Diên, việc điều hành giá xăng dầu phải thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành, 10 ngày điều chỉnh giá một lần và căn cứ điều chỉnh là giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới. Đây là quy định thực hiện trong lúc bình thường. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu có những dị biệt, nhất là trong bối cảnh thế giới hỗn loạn nên quy định trên bộc lộ những khiếm khuyết. Hệ thống kinh doanh xăng dầu của nước ta hiện nay lại đa tầng nấc, dẫn đến rối, nhất là trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, làm tăng chi phí. Chính phủ đã nhận thấy điều này và đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 cho phù hợp với thực tiễn.
Trong khi đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng nói thêm nguyên nhân khiến khan hiếm xăng dầu cục bộ là do từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.
Trong giai đoạn quý II, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu (do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước), đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Nhưng sang quý III (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10), giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng liên tục đi xuống. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.
Thứ nữa, do thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh. Trong khi đó, tín dụng bị thắt chặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND đều tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước (do giá tăng gấp 2- 3 lần giá các năm trước) nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho điện tử theo quy định.
Một nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu nhằm giảm thua lỗ đó là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành.
Ông Đông cũng cho rằng, việc một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) đã dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của doanh nghiệp đầu mối này. Ngoài ra, tình hình mưa bão ảnh hưởng tới việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp cũng làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.
Đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ bảo đảm nguồn cung
Bộ Công Thương vừa có công văn đề nghị các bộ, ngành, tập đoàn sản xuất xăng dầu và các địa phương tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, chính quyền các địa phương có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời, hai công ty này cần hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký và cung ứng cho các thương nhân đầu mối để bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra, cần tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.
Yêu cầu Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu, mua trong nước, không để gián đoạn nguồn cung; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Tổng công ty và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối. Hơn nữa, PV OIL cũng cần chia sẻ nguồn cung, chiết khấu cho khách hàng một cách hợp lý.
Đồng thời, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Trong đó, cần chú ý xử phạt hành vi găm hàng, bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác; trừ trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang thuộc địa bàn miền núi, vùng cao đã được sự cho phép của chính quyền địa phương theo đúng pháp luật. Với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, cần làm rõ nguyên nhân và kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định, kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm.
Bạn đang xem: Vì sao thị trường 'khát' xăng dầu?
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Gia đình 4 người ở Hà Nội: Thu nhập 42 triệu đồng/tháng, tiết kiệm được 30%
- Gia chủ tiết lộ thu nhập 'khủng' nhờ cây hồng cổ trăm tuổi 'quý hơn vàng' ở Ninh Bình
- Quán trà đá, tiệm hoa tươi ở Hà Nội tranh thủ bán xăng
- Giá vàng hôm nay 8/11: Đà giảm chưa dứt, vàng vẫn dò đáy
- Thực hư loại lạc tím đen được quảng cáo 'thần thánh' như nhân sâm
- Đầu tư bất động sản mắc kẹt vì cạn vốn, thẳng tay cắt lỗ hay cố giữ?