Vi khuẩn Salmonella có trong cơm gà Trâm Anh nguy hiểm thế nào?
Vi khuẩn Salmonella bước đầu được xác nhận là tác nhân gây nhiễm độc ở các bệnh nhân nhập viện nghi do ngộ độc tại quán cơm gà Trâm Anh.
Mới đây, Sở Y tế Khánh Hòa đã đề xuất điều trị cho các nạn nhân đang nằm viện sau khi ăn cơm gà tại Nha Trang theo hướng nhiễm trùng, nhiễm độc đường tiêu hóa do tác nhân Salmonella group với kết quả tham khảo kháng sinh đồ sớm nhất từ Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang. Đồng thời tiếp tục theo dõi diễn tiến bệnh và cập nhật kết quả xét nghiệm cụ thể của từng người bệnh để điều chỉnh các chỉ định lâm sàng hợp lý.
Được biết trước đó, vào chiều 14/3, tại Bệnh viện Vinmec Nha Trang, kết quả cấy phân của hai bệnh nhi ngộ độc nghi do ăn cơm gà của quán Trâm Anh cho ra dương tính với vi khuẩn Salmonella - tác nhân chính gây nhiễm khuẩn đường ruột.
Liên quan đến vi khuẩn Salmonella, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam cho hay, loại vi khuẩn này là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn trên thế giới. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.
Vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi, những người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa… Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.
Các thực phẩm có thể bị nhiễm Salmonella: Thịt gà, thịt lợn, sữa tươi, trứng, rau các loại, sò, hến, trai và gia vị. Đặc biệt khi thực phẩm bị nhiễm Salmonella, protein của thực phẩm không bị phân giải, tính chất lý hoá của thực phẩm không bị thay đổi mặc dù vi khuẩn phát triển rất nghiêm trọng nhưng trạng thái cảm quan không thay đổi gì rõ rệt.
Về biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Salmonela, Chi cục VSATTP tỉnh Quảng Nam khuyến cáo:
Kiểm soát từ trang trại, hộ chăn nuôi: Việc kiểm soát Salmonella trong thực phẩm phải bắt đầu từ trang trại, hộ chăn nuôi thông qua kiểm tra, giám sát các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như: trứng, thịt gia cầm, thịt gia súc và các sản phẩm tươi sống. Salmonella có thể kiểm soát hiệu quả bằng cách xử lý nhiệt và tránh nhiễm chéo; thực hành vệ sinh tốt.
Đối với gia súc và gia cầm: Phải được kiểm tra thú y trước khi giết mổ để giảm nguy cơ các loại thịt nhiễm Salmonella. Quá trình giết mổ phải bảo đảm vệ sinh và ngăn cách các khu vực, tránh sự lây lan của vi khuẩn nhất là lây nhiễm chéo. Khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái...
Giám sát chế độ vệ sinh nơi ăn uống: vệ sinh dụng cụ, đảm bảo nguồn nước sạch, có thiết bị phòng chống côn trùng, chuột và bảo đảm vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm là cách phòng ngừa nhiễm Salmonella đơn giản và hiệu quả. Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nhà bếp sẽ giúp ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn này.
Không ăn thực phẩm tái, gỏi: khi ăn các thực phẩm này có nguy cơ cao nhiễm các loại ký sinh trùng, trong đó có Salmonella. Bên cạnh đó, còn có khả năng nhiễm Salmonella từ bàn tay người chế biến thực phẩm nên phải rửa tay thật sạch trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm và lây nhiễm từ dụng cụ nhà bếp như: dao, thớt...
Đun sôi thực phẩm trước khi ăn là biện pháp tốt nhất: đối với thực phẩm đã ướp lạnh, đóng băng thì thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường. Khi đun phải bảo đảm nhiệt độ sôi cả bên trong miếng thịt, các thực phẩm phải đun sôi ít nhất 5 phút. Thực phẩm còn lại sau bữa ăn trước, thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh phải được đun lại trước khi ăn.
Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, không để quá lâu.
Với thức ăn sau khi nấu chín cần ăn ngay. Nếu để lại cần để nguội đồ ăn và nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Hạn chế ăn ở những nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chiều 15/3, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết vẫn đang thống kê số ca nhập viện điều trị trên địa bàn tỉnh liên quan vụ nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà ở quán Trâm Anh, đường Bà Triệu, TP Nha Trang.
Theo ông Minh, đến chiều 14/3, thống kê từ các bệnh viện trong toàn tỉnh đã có 222 trường hợp nhập viện điều trị có dấu hiệu bị ngộ độc.
Sau sự việc, đại diện quán cơm gà Trâm Anh lên mạng xã hội gửi lời xin lỗi đến khách hàng, đồng thời chủ động liên hệ các bệnh nhân, đến bệnh viện thăm hỏi để đưa ra hướng giải quyết.
Đại diện quán cơm Trâm Anh cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng để tìm nguyên nhân vụ việc và từ chối thông tin về các phương thức bảo quản, chế biến thực phẩm của quán.
Theo Phụ nữ mới
Bạn đang xem: Vi khuẩn Salmonella có trong cơm gà Trâm Anh nguy hiểm thế nào?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Người phụ nữ suýt phải cắt cụt ngón tay vì mắc 1 sai lầm khi lau nhà: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ
- Bộ phận bẩn nhất của tôm có gây hại cho sức khỏe không?
- Ngô Thanh Vân: U50 vẫn có 'nhan sắc không tuổi', nhìn những món ăn 'chống lão hóa' của chồng Việt kiều chị em sẽ hiểu lý do
- Bộ Y tế: Khẩn tìm nguyên nhân vụ ngộ độc cơm gà ở Nha Trang
- Trứng nhiều dinh dưỡng, dễ chế biến nhưng chớ kết hợp cùng 7 loại thực phẩm này kẻo ngộ độc
- Bác sĩ chỉ ra các loại thực phẩm thường gây ngộ độc do độc tố Botulinum Toxin, có dấu hiệu này sau khi ăn cần đi khám ngay