Vi khuẩn bệnh than có thể tồn tại ngoài môi trường từ 30-40 năm
Điện Biên - Giải thích về trường hợp mắc bệnh than không rõ nguồn lây, lãnh đạo CDC Điện Biên cho biết, vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại ngoài môi trường từ 30-40 năm.
Đại diện CDC Điện Biên cho biết, vi khuẩn gây bệnh than có thể
tồn tại ngoài môi trường từ 30-40 năm. Ảnh: CDC Điện Biên
Như Lao Động đã thông tin, bên cạnh 3 ổ dịch bệnh than với 13 bệnh nhân đã được phát hiện trong tháng 5 trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên thì đến ngày 4.6 đã ghi nhận thêm bệnh nhân thứ 14 chỉ mới 2 tuổi và không rõ nguồn lây.
Theo đó, trường hợp mắc bệnh than thứ 14 được xác định là cháu Thào Thị Đ (SN 2021) có địa chỉ tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trước đó, bệnh nhân được ghi nhận có tình trạng sốt, nôn mửa, trên cánh tay trái xuất hiện nốt tím đen và ngứa.
Sau 1-2 ngày, nốt tím đen to lên và có mủ, gia đình đã đưa bệnh nhân đến nhà người quen tại huyện Tủa Chùa để bó thuốc, sau đó vẫn không đỡ. Sáng 4.6, bệnh nhân Thào Thị Đ được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa để khám. Chiều cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và được chẩn đoán viêm phổi, mắc bệnh than.
Dấu hiệu của bệnh than ban đầu có thể chỉ là những nốt rất nhỏ.
Ảnh: CDC Điện Biên
Theo lãnh đạo CDC tỉnh Điện Biên, trường hợp của bệnh nhân Thào Thị Đ là hiếm gặp vì bệnh nhân còn rất nhỏ. Trước đó, gia đình chỉ ăn thịt lợn và rau, không ăn thịt trâu bò, trong vùng không có trâu bò mắc bệnh nhiệt thán và cũng không tiếp xúc với người có mầm bệnh than.
Giải thích về hiện tượng này, ông Đàm Thanh Tú - Phó Giám đốc CDC Điện Biên - cho biết: "Do vi khuẩn gây bệnh than có thể tồn tại ngoài môi trường từ 30-40 năm nên trước đây ghi nhận 1 trường hợp chỉ đi làm cỏ lúa và mắc bệnh".
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc CDC Điện Biên cho hay, trước đây việc khử khuẩn chủ yếu bằng biện pháp rắc vôi bột, điều đó vô tình tạo ra lớp vỏ bọc khiến vi khuẩn chỉ bị khống chế tạm thời và có thời gian tồn tại ngoài môi trường lâu hơn.
Cũng theo ông Đàm Thanh Tú, tại các xã Xá Nhè, Mường Báng của huyện Tủa Chùa (nơi đang xuất hiện 3 ổ dịch) trước đây đều từng xuất hiện ổ dịch than.
Do vậy, đầu tháng 5.2023, tại bản Pàng Dề A, xã Xá Nhè đã xuất hiện ổ dịch bệnh nhiệt thán ở trâu, bò (khi lây sang người gọi là bệnh than) dẫn đến 1 con trâu, 2 con bò bị chết. Người dân đã tự mổ thịt bán tại các thôn, bản khác dẫn đến xuất hiện 3 ổ dịch bệnh than trên người.
Trong đó, cả 13 trường hợp mắc bệnh than đều đã tham gia mổ thịt, chế biến thức ăn dẫn đến mắc bệnh than thể ngoài da. Cùng với đó, có 132 người đã ăn thịt 3 con trâu, bò nói trên. Nguy hiểm hơn, gia đình người có trâu bò chết còn mang thịt đi bán tại Thị trấn Tủa Chùa và một số nơi tại huyện Tuần Giáo.
"Do việc người dân phát tán nguồn thịt trâu bò chết khá rộng, nên đến nay chưa xác định chính xác được số lượng người mua thịt từ 3 con trâu bò chết nói trên dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh than trên người trong thời gian tới là có thể xảy ra" - lãnh đạo CDC tỉnh Điện Biên cảnh báo.
Bạn đang xem: Vi khuẩn bệnh than có thể tồn tại ngoài môi trường từ 30-40 năm
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe