Từ vụ cháy ở Bình Dương, nguyên tắc vàng để không ngạt khói và khí độc
Để kéo dài thời gian tồn tại trong khi chờ cứu hộ, nạn nhân phải luôn nhớ di chuyển sát sàn nhà và có khăn ướt che mặt.
Vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại quán karaoke An Phú, thuộc phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương hiện vẫn chưa có thống kê chính xác về số người thương vong. Ít nhất 12 thi thể đã được tìm thấy.
Cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm kiếm nạn nhân có thể còn mắc kẹt bên trong quán karaoke. Hiện vẫn còn 2 phòng hát chưa thể tiếp cận. Đến tận thời điểm này, khói vẫn bốc lên từ hiện trường.
Trong các vụ hỏa hoạn, nếu không kịp chạy thoát theo lối thoát hiểm hoặc không đủ thời gian di tản, nạn nhân dễ đối mặt với nguy cơ hôn mê vì ngạt khí. Thậm chí, nhiều người có thể tử vong vì ngạt trước khi bị lửa tấn công. Vì vậy, trong thời gian chờ cứu hộ, các nạn nhân cần làm mọi cách để kéo dài thời gian tồn tại.
Bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho hay, tối quan trọng là sự bình tĩnh. Sau khi bình tĩnh, nạn nhân cần tìm vị trí an toàn và luôn di chuyển bằng cách bò sát mặt sàn.
Khói vẫn bốc lên từ đám cháy quán karaoke, ít nhất 12 người tử
vong. Ảnh: Chí Hùng
Bác sĩ Lam cho biết, khí độc bay lên trên, nên tuyệt đối không vội vã chạy hay di chuyển trong tư thế đứng, nạn nhân sẽ hít rất nhanh các khí độc và rơi vào hôn mê.
Trong đám cháy, thông thường sẽ hình thành 2 vùng cơ bản: vùng không gian sát trần nhà bao gồm khói và khí độc; vùng không gian phía dưới sát sàn nhà là không khí ít khí độc hơn. Để di chuyển an toàn và tránh hít phải khói độc, các nạn nhân di chuyển bằng cách bò sát sàn nhà. Trong lúc chờ đợi cũng giữ tư thế trên để hạn chế thấp nhất khí độc vào phổi.
Thứ hai, dùng khăn ướt che mặt, che đường hô hấp. Có rất nhiều khí độc được sinh ra trong khói của đám cháy như CO, CO2, amoniac, axit hữu cơ... trong đó CO và CO2 là nguyên nhân chính gây tử vong.
Theo bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy, nạn nhân có thể tử vong do ngạt, rối loạn chuyển hóa hô hấp, hít các khí thải độc từ đám cháy trong khoảng 5-10 phút. Khi dùng khăn ướt, bịt mũi, miệng và thở qua khăn ướt, sẽ giảm lượng khí độc vào phổi. Mục tiêu vẫn là kéo dài thời gian an toàn, tránh ngộ độc, hôn mê trong lúc chờ ứng cứu.
“Khi nạn nhân hít phải CO2 nhiều, sẽ gây toan hóa máu, ngưng thở. Nhiều trường hợp nạn nhân bị bỏng đường hô hấp do không khí quá nóng, gây di chứng nghiêm trọng vì mất hết lớp niêm mạc hô hấp, hoặc bụi than bám đầy trong phổi…”, bác sĩ Vân Thanh chia sẻ.
Sau khi thoát khỏi đám cháy và khói lớn, các nạn nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm do ngạt hoặc ngộ độc khí. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, nguyên tắc đầu tiên là đưa nạn nhân ra khỏi vùng có khí độc đến nơi thoáng khí. Đồng thời, nhanh chóng gọi cấp cứu 115.
Tại hiện trường, nếu nạn nhân nôn ói cần cho bệnh nhân ói hết để thông đường thở, tránh hít sặc. Nếu bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, người sơ cứu thực hiện hô hấp nhân tạo đúng cách. Sau đó, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thở oxy và cấp cứu kịp thời.
Lưu ý khi xảy ra hỏa hoạn:
Khi có nhiều người cùng di chuyển thoát nạn, cần giữ bình tĩnh, không chen lấn, xô đẩy, hoảng loạn, di chuyển theo thang bộ và đường thoát hiểm. Tuyệt đối không sử dụng thang máy,
Tuân thủ hướng dẫn của lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại chỗ hoặc lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.
Trong trường hợp bắt buộc phải băng qua khu vực có lửa, khói, cần tìm vải, khăn, áo khoác dày thấm đẫm ướt nước, trùm lên người tránh bị cháy quần áo gây bỏng da trong lúc di chuyển. Dùng khăn ướt che mặt tránh ngộ độc khí.
Trước khi di chuyển cần hình dung trước quãng đường để có thể nhanh chóng thoát hiểm an toàn.
Bạn đang xem: Từ vụ cháy ở Bình Dương, nguyên tắc vàng để không ngạt khói và khí độc
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe