Trở thành ‘trẻ 3 tuổi’ sau chuyến ship hàng giữa trưa nắng
Người đàn ông 38 tuổi bị đột quỵ khi đang ship hàng bằng xe máy giữa trời nắng 37 độ C. Hiện tại, ý thức của anh chỉ như đứa trẻ 3 tuổi.
Anh Trần Trọng Nghĩa, 38 tuổi, bị đột quỵ trong một lần đi giao
hàng tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thuận.
Một ngày cuối tháng 3, trời nắng gắt, ông Trần Văn Thức buông chén cơm đang ăn khi hay tin con trai bị tai nạn, phải nhập viện phẫu thuật gấp. Ông Thức chỉ kịp mang theo được đôi ba bộ quần áo, vội bắt xe từ Bến Tre lên TP.HCM.
Nhìn con trai đang rơi vào nguy kịch, nằm bất động tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), người cha già 67 tuổi không kìm được nước mắt. Sau khi nghe bác sĩ giải thích, con bị xuất huyết não cần phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ chèn ép thần kinh, ông lập tức ký giấy đồng ý.
Đột quỵ ở tuổi 38
Tỉnh dậy sau ca mổ loại bỏ khối máu tụ thành công, anh Trần Trọng Nghĩa, 38 tuổi, đang làm shipper tại TP.HCM, không nhớ mình tên gì, vì sao lại nằm ở đây.
Do di chứng của đột quỵ, tay chân anh rất yếu. Bên cạnh giường, luôn có ông Thức túc trực giúp con làm vệ sinh, ăn uống và các sinh hoạt cá nhân.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, ông Thức cho hay ý thức của anh Nghĩa bây giờ chỉ như đứa trẻ lên 3, không nhớ được gì, hỏi không đáp lời. Bác sĩ cho biết anh bị đột quỵ, chưa rõ nguyên nhân.
Theo lời kể của người đưa anh vào viện, buổi trưa trên đường đi giao hàng bằng xe máy dưới trời nắng gắt, nhiệt độ khoảng 37-39 độ C, anh Nghĩa bất ngờ ngất xỉu, ngã xuống lòng đường. Người dân xung quanh hô hoán, đến giúp đưa anh vào bệnh viện. Tại đây, anh được cấp cứu ban đầu và liên lạc với người nhà.
"Con tôi một mình bôn ba ở thành phố hơn 20 năm, vẫn ở nhà trọ. Bi kịch đột ngột ập đến, giờ nó như đứa trẻ, tôi phải đem con về quê tiếp tục chăm sóc. Hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra, con sẽ khoẻ mạnh và trở lại như trước", ông Thức bộc bạch.
Anh Duẩn bàng hoàng khi biết bản thân bị đột quỵ khi chỉ mới 31
tuổi. Ảnh: Nguyễn Thuận.
Tương tự trường hợp trên, anh Duẩn, 31 tuổi, ngụ Gò Vấp, đang ăn trưa tại công ty, đột ngột yếu mệt, một lúc sau ngã gục từ bàn ăn xuống đất. Đến khi tỉnh dậy, anh đã thấy mình nằm ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu não thể nhẹ, cần nhập viện điều trị.
"Tôi cứ nghĩ người già mới bị đột quỵ, nên không quan tâm đến bệnh này. Nhưng không ngờ chính tôi lại bị đột quỵ", anh Duẩn nói.
Theo chia sẻ, anh không thức khuya hay sử dụng rượu bia, thuốc lá, tắm đêm nhưng thường xuyên làm việc trong môi trường nóng bức. Thời điểm anh bị đột quỵ, nhiệt độ trong xưởng rất cao.
Trời nắng nóng dễ gây đột quỵ
Trao đổi với Tri thức - Znews, ThS.BS Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết hiện số bệnh nhân đột quỵ tăng 25% soi với cùng kỳ năm ngoái. Khi thời tiết quá nóng ẩm, cơ thể mất nước, dễ tạo ra huyết khối trong lòng mạch máu.
Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 12-15 ca, có ngày lên đến 20 ca đột quỵ, người trẻ chiếm khoảng 20%. Nguyên nhân chủ yếu là tiếp xúc nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, hoặc do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiệt độ môi trường tăng cao là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% ở một số người, khi nền nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C.
Nguy cơ càng cao khi người dân tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, hoặc khi nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C. Trong phần lớn các trường hợp, sự thay đổi nhiệ thời tiết nóng hay lạnh là yếu tố thúc đẩy gây ra đột quỵ.
Khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao là gánh nặng lên hệ tim mạch, bởi tình trạng mất nước qua mồ hôi làm giảm thể tích tuần hoàn, nhiệt độ cao làm cho nhịp tim tăng, tim phải làm việc nhiều hơn.
Tại khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, số lượng
bệnh nhân đột quỵ gia tăng vào mùa nắng nóng. Ảnh: Nguyễn
Thuận.
Điều này có thể làm tăng nguy cơ gây nên các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim và thậm chí làm nặng thêm tình trạng bệnh lý nền tim mạch sẵn có.
Nắng nóng khiến thân nhiệt tăng, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi, từ đó gây mất nước. Nếu không bổ sung nước kịp thời, cơ thể sẽ bị mất nước, máu cô đặc, tăng kết dính làm giảm khả năng lưu thông, tăng huyết áp và nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng động mạch.
Ngoài ra, đột quỵ do nắng nóng có thể còn do thời tiết nóng bức kéo dài gây rối loạn quá trình hoạt động của hệ tim mạch, khiến tim hoạt động kém hơn.
Lúc này, hiệu suất bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể, trong đó có não bị suy giảm. Người đang ở ngoài trời nắng nóng đi vào phòng lạnh đột ngột cũng có nguy cơ đột quỵ, vì mạch máu bị co lại đột ngột, tăng huyết áp.
Những trường hợp có nguy cơ bị đột quỵ trong thời tiết nắng nóng là người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, đột quỵ trước đó. Ngoài ra, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, lao động trong môi trường nhiệt đột tăng cao kéo dài cũng có nguy cơ bị đột quỵ.
Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ trong mùa nắng nóng, bác sĩ Tân khuyến cáo người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài. Người dân không nên hoạt động thể lực quá mức vào những lúc nắng nóng và uống nước lạnh nhiều, uống đủ nước 1,5-2 lít/ngày.
Bạn đang xem: Trở thành ‘trẻ 3 tuổi’ sau chuyến ship hàng giữa trưa nắng
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Nhầm ho gà thành viêm phổi, bé gái 2 tháng tuổi nguy kịch
- Xót xa hình ảnh bên trong tang lễ của ca sĩ Ngọc Diệp qua đời vì đột quỵ ở Hải Phòng
- Mê những món này có thể khiến mạch máu lão hóa trước 20 năm, bước đến càng gần với đột quỵ, bác sĩ dạy cách đảo ngược nguy cơ
- Ca sĩ Lương Ngọc Diệp qua đời ở tuổi 37: Sáng nhận kết quả ung thư, buổi chiều đột quỵ
- Cô gái 30 tuổi bị đột quỵ, liệt tứ chi, phải đặt vô số ống thở vì thức uống nhiều người uống mỗi ngày