Tìm hiểu về cảm biến vân tay

Hiện nay, cảm biến vân tay đã trở thành một phương pháp bảo mật phổ biến được trang bị trên hầu hết các thiết bị di động, kể cả smartphone hay máy tính bảng. Vậy cảm biến vân tay là gì ? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

1Cảm biến vân tay là gì? 

Cảm biến vân tay là một công nghệ bảo mật cao cấp, sử dụng yếu tố vân tay của người dùng để cấp phép hoặc từ chối quyền truy cập vào hệ thống máy tính, thiết bị điện tử. Hiện nay, công nghệ này được ứng dụng trên điện thoại di động để xác thực người dùng một cách nhanh chóng. Cụ thể, cảm biến vân tay sẽ quét (scan) vân tay của người dùng và so sánh với một hình ảnh quét vân tay đã được lưu lại từ trước. Vân tay của mỗi người là hoàn toàn  khác nhau, do đó hệ thống có thể nhận dạng người sử dụng một cách an toàn.

Cảm biến vân tay trên điện thoại di động

2 Các loại cảm biến phổ biến

Cảm biến Quang học​​

Cảm biến quang học trên màn hình điện thoại hoạt động bằng cách sử dụng ánh sáng để chụp lại ngón tay và xác thực. Cụ thể một cảm biến hoặc camera nằm phía dưới màn hình smartphone sẽ ghi lại hình ảnh ngón tay và lưu vào cơ sở dữ liệu khi lần đầu tiên thiết lập. Những lần tiếp theo, khi người dùng chạm ngón tay vào vùng hoạt động, cảm biến sẽ tiếp tục chụp và đối chiếu dấu vân tay với vân tay đã lưu. Nếu trùng khớp, thiết bị sẽ mở khóa và ngược lại. 

Hình ảnh cảm biến vân tay quang học

Cảm biến sóng siêu âm

Cảm biến sóng siêu âm sử dụng sóng âm tần số cao để ghi nhận dấu vân tay của người dùng. Khi đặt ngón tay vào để quét, sóng này sẽ tự phát ra, tương tác với da ngón tay và vân tay rồi bật ngược trở lại. Một hệ thống khác ghi nhận và tạo ra một biểu đồ 3D về ngón tay này, sau đó lưu vào cơ sở dữ liệu. Cuối cùng, khi mở máy, hệ thống sẽ ghi nhận dấu vân tay mới và đối chiếu với dữ liệu có sẵn. Đặc biệt, cơ chế hoạt động của cảm biến siêu âm cho phép ghi nhận dấu vân tay cả trường hợp ngón tay bị ướt, bẩn. 

Hình ảnh cảm biến vân tay siêu âm của điện thoại Samsung Galaxy S10

Cảm biến điện dung

Cảm biến điện dung sử dụng tụ điện để tái tạo mẫu, ghi nhớ toàn bộ chi tiết trên vân tay. Cụ thể, một cảm ứng điện dung được đặt phía bên dưới màn hình cảm ứng của smartphone và một lưới điện cực phủ lên màn hình. Khi ngón tay của người sử dụng tới gần điện cực, điện dung trong lưới thay đổi và hệ thống có thể đo đạc cũng như tính toán được vị trí và cách thức mà người sử dụng tác động tới màn hình để đưa ra xử lý. 

3 Ưu nhược điểm của công nghệ cảm biến vân tay

Ưu điểm

Các ưu điểm của của công nghệ cảm biến vân tay trên điện thoại di động: Mở khóa thiết bị dễ dàng, nhanh chóng: công nghệ cảm biến tích hợp trên điện thoại thông minh cho phép người dùng mở khóa thiết bị bằng một cái vuốt nhẹ hoặc một cú chạm tay dễ dàng. Hơn thế nữa, hầu hết các điện thoại đều cho phép nhận dạng nhiều dấu vân tay khác nhau trên cùng một thiết bị. Do đó, người dùng hoàn toàn có thể sử dụng khi một hay nhiều ngón tay bị thương. Bảo mật cao: Theo khoa học, vân tay trên từng ngón tay của mỗi người là duy nhất và hoàn toàn khác biệt, sự sắp xếp các vân sẽ tồn tại vĩnh viễn trong suốt cuộc đời của mỗi người. Tính bảo mật cũng vì vậy mà cao hơn rất nhiều lần so với cách thức bảo mật truyền thống. Đặc biệt hơn, dấu vân tay rất khó làm giả và hệ thống cảm biến có khả năng nhận dạng dấu vân tay không phải của người thật.

Sử dụng cảm biến vân tay để mở khóa điện thoại

Nhược điểm

Cảm biến vân tay chỉ là hệ thống xác thực. Người dùng hoàn toàn có thể gặp vấn đề về bảo mật dữ liệu khi đang ngủ hoặc bất tỉnh. Người khác có thể lợi dụng ngón tay để mở khóa và sử dụng, truy cập dữ liệu có bên trong điện thoại. Độ chính xác và hoạt động của hệ thống bị ảnh hưởng bởi tình trạng da của người dùng. Các trường hợp tay bị mồ hôi, ẩm ướt cũng khiến thiết bị rất khó để nhận dạng

Hy vọng bài viết trên đã giúp các bạn hiểu hơn về cảm biến vân tay, hãy cùng để lại ý kiến bên dưới phần bình luận cho chúng tôi biết nhé!

 

Bạn đang xem: Tìm hiểu về cảm biến vân tay

Chuyên mục: Điện thoại & Máy tính

Chia sẻ bài viết