Thủ phạm khiến nhiều người có thể mất mạng sau cuộc nhậu

Uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp có thể khiến nạn nhân gặp nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, triệu chứng của nó dễ nhầm với say rượu thông thường.

Gần đây, 8 sinh viên đi nhậu, uống rượu không rõ nguồn gốc khiến một người tử vong, 7 trường hợp còn lại bị đau bụng, chóng mặt, nôn, uống thuốc nhưng không hết. Sau đó, các nạn nhân xuất hiện triệu chứng co giật, lơ mơ, hôn mê nên được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) là nơi tiếp nhận điều trị các ca bệnh trên. Cơ sở y tế này khẳng định các bệnh nhân ngộ độc rượu do methanol. Họ đã uống rượu pha cồn công nghiệp.

Đây là chất độc từng gây ra hàng loạt sự cố tử vong thương tâm tại Việt Nam và trên thế giới.

Những cái chết bất ngờ từ thức uống khoái khẩu

Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp. Theo WHO, methanol là hóa chất phổ biến rộng rãi, được sử dụng làm dung môi, thuốc trừ sâu và nhiên liệu, nhưng cũng được tìm thấy ở dạng vi lượng, không độc hại trong nước trái cây.

Tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.

Theo WebMD, chỉ tính riêng tháng 6-7/2019 tại Costa Rica, số người chết nghi do rượu bị nhiễm độc methanol đã lên tới 20 người. Các quan chức y tế sau đó phải ban hành cảnh báo sức khỏe và thu giữ khoảng 30.000 thùng rượu nghi chứa methanol.

Vấn đề ngộ độc, tử vong do uống phải rượu pha cồn công nghiệp đang ngày càng phổ biến. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhiều quốc gia báo động "làn sóng" ngộ độc methanol trong rượu rất cao, như Ấn Độ, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia, Cộng hòa Czech và Uganda.

Tỷ lệ tử vong trong một số trường thậm chí đã vượt qua mức 30%, ảnh hưởng tới 800 người. Năm 2019, tại Ấn Độ, 154 người chết và hơn 200 người phải nhập viện sau khi uống rượu pha cồn methanol.

Tác hại có thể phát sinh khi chưng cất sai quy cách hoặc phổ biến hơn là người sản xuất rượu cố tình thêm cồn methanol vào đồ uống. Nồng độ methanol trong cho phép là từ 10-220 mg/L.

Thủ phạm khiến nhiều người có thể mất mạng sau cuộc nhậu-1

Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, gây độc hại cho cơ thể. Ảnh: Freepik.


Triệu chứng dễ nhầm lẫn với say rượu thông thường

Các triệu chứng ngộ độc methanol phải mất một thời gian mới xuất hiện. Methanol càng trở nên độc hại khi nó chuyển hóa thành formaldehyde và axit formic trong cơ thể. Khi những chất này tích tụ trong máu, trong vài giờ đầu, người uống phải sẽ bị ngộ độc với triệu chứng như buồn ngủ, đi đứng loạng choạng. Chính vì vậy người bệnh thường nhầm lẫn đây là tình trạng say rượu.

Nếu điều trị sớm, các bác sĩ ngăn chặn kịp thời chuyển hóa methanol sẽ giúp bảo toàn mạng sống cho người bệnh. Nhưng nhiều người đến viện khi đã quá muộn và phải nhận hậu quả đáng tiếc.

Ngộ độc rượu từ ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu nhưng ngộ độc rượu do methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong môi trường công nghiệp, việc hít phải hơi metanol ở nồng độ cao và hấp thụ metanol qua da cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng, độc hại như đường uống.


Thủ phạm khiến nhiều người có thể mất mạng sau cuộc nhậu-2
Một bệnh nhân bị ngộ độc methanol rơi vào hôn mê được bác sĩ theo dõi sát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đặng Thanh.


Ngộ độc rượu pha cồn methanol thường gây ra các triệu chứng sau đây:

- Thần kinh: Nhức đầu, chóng mặt, kích động, hưng cảm cấp, mất trí nhớ, giảm mức độ ý thức bao gồm hôn mê và co giật.

- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng dữ dội, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy, chức năng gan bất thường và viêm tụy (viêm tụy).

- Nhãn khoa: Rối loạn thị giác, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng), ảo giác thị giác (nhìn mờ, có đốm trên mắt...), mất thị lực một phần đến toàn bộ và hiếm khi đau mắt. Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của việc tiếp xúc nghiêm trọng với methanol.

- Các triệu chứng khác: Mất cân bằng điện giải; suy thận, tiểu ra máu; chết cơ ở cấp độ tế bào (tiêu cơ vân) đã được báo cáo ở các ca ngộ độc nặng.

Các trường hợp tử vong thường xuất hiện với nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm và tăng tốc độ hô hấp; tụt huyết áp và ngừng hô hấp...

Cách phòng ngừa

Số lượng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol tăng lên có thể do chủ yếu 2 nguồn. Thứ nhất là các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đó là rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol.

Việc sản xuất và phân phối đồ uống có cồn không được kiểm soát, bất hợp pháp là yếu tố khiến ngày càng nhiều vụ ngộ độc methanol thương tâm xảy ra. Rượu có giá thành rẻ, không rõ nguồn gốc hấp dẫn nhiều người. Nhưng hậu quả mà nó gây ra rất nguy hiểm.

Nguyên nhân còn lại là có một số bệnh nhân uống cồn y tế do nghĩ là an toàn. Tuy nhiên những loại cồn y tế này lại không đảm bảo, cũng được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp methanol.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên uống rượu, bia không rõ nguồn gốc để tránh tình trạng ngộ độc methanol. Nếu nghi ngờ ai đó là nạn nhân của ngộ độc methanol, hãy đưa người đó đi cấp cứu ngay lập tức.

 

Bạn đang xem: Thủ phạm khiến nhiều người có thể mất mạng sau cuộc nhậu

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết