Thêm nghi vấn virus Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Nghiên cứu mới từ Đại học New South Wales, Australia kết luận virus SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm đã lần nữa dấy lên những tranh cãi về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Bước sang năm thứ 5 thế giới đối mặt với Covid-19, đến nay, những giả thuyết được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng khoa học là virus gây đại dịch lan truyền tự nhiên từ nguồn gốc động vật.
Các nghiên cứu đã chỉ ra SARS-CoV-2 có DNA giống với coronavirus được tìm thấy ở dơi đến 96%, theo Newsweek.
Ở chiều ngược lại là những giả thuyết liên quan đến virus có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm
Vào năm 2020, giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, đây là một giả thuyết được một bộ phận nhà khoa học ủng hộ. Tuy nhiên, một tuyên bố tập thể được đăng trên tạp chí Lancet vào tháng 2/2020 từ 27 nhà khoa học lên án những “thuyết âm mưu ám chỉ Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên”.
Đề tài này lại được bàn tán gần đây khi một nghiên cứu mới từ Đại học New South Wales, Australia đã đưa ra những giả thuyết về nguồn gốc của SARS-CoV-2 không mang tính tự nhiên.
Trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Risk Analysis ngày 15/3, Chandini Raina MacIntyre, tác giả nghiên cứu, cùng cộng sự đã phân tích những dữ liệu hiện có về nguồn gốc virus qua việc dùng 11 tiêu chí và thuật toán chấm điểm rủi ro, nhằm xác định khả năng xảy ra giả thuyết nào cao hơn: Nguồn gốc tự nhiên hay phi tự nhiên.
Các tiêu chí đánh giá bao gồm: Rủi ro sinh học, đặc điểm của chủng virus, phân bố địa lý, tốc độ lây lan và phương thức lây truyền.
Với phương pháp này, nhóm nghiên cứu kết luận Covid-19 có nhiều khả năng xuất phát từ phòng thí nghiệm.
“Nguồn gốc tự nhiên của SARS-CoV-2 dù vẫn khả thi, nhưng không có căn cứ để phủ nhận giả thuyết về nguồn gốc phi tự nhiên. Thực tế là chưa có vật chủ hoặc vật trung gian nào được xác định là nguồn lây truyền từ động vật sang người”, bà MacIntyre nói.
Kết luận gây tranh cãi
Nghiên cứu của nhóm bà MacIntyre cũng vấp phải những ý kiến phản đối. Trong nghiên cứu, các tác giả củng cố lập trường bằng việc đề cập đến “vị trí phân cắt furin”, được cho là đặc tính độc nhất của SARS-CoV-2, giúp virus dễ xâm nhập vào tế bào con người hơn, và chưa được phát hiện ở các chủng virus tương tự.
Tuy nhiên, James Wood, đồng chủ tịch của Trung tâm nghiên cứu liên ngành Cambridge về bệnh truyền nhiễm, Anh, nói rằng đã có những trường hợp vị trí phân cắt furin được ghi nhận thay vì chỉ có ở SARS-CoV-2.
Ông Wood cho rằng nghiên cứu trên đã sử dụng phương pháp chưa được kiểm chứng và các tài liệu sai những lỗi cơ bản.
“Đây như một nghiên cứu sai lệch, kém chất lượng và không có căn cứ cho các kết luận”, ông nói.
Trong tiêu chí chấm điểm, nhóm tác giả cũng đưa ra trường hợp thiếu mẫu dương tính với SARS-CoV-2 từ động vật ở chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán, dù đây là điểm bùng phát trong giai đoạn đầu đại dịch.
Từ đó, nhóm cho rằng các mẫu dương tính với virus có nguồn gốc từ những trường hợp nhiễm bệnh ở người.
Alice Hughes, phó giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Hong Kong, lập luận không có mẫu động vật sống nào được thu thập cho đến khi đại dịch bùng phát và có khả năng nhiều con vật đã bị tiêu hủy, do đó, có rất ít con vật sống được lấy mẫu.
Bà MacIntyre thừa nhận những điểm chủ quan của nghiên cứu, cho biết đã có hai nhà nghiên cứu độc lập sử dụng thuật toán để chấm điểm về khả năng của nguồn gốc virus. Tuy nhiên, cách tính này cũng không được nhiều người đồng tình.
“Điều này khó có thể coi là nghiên cứu, chủ yếu là những ý kiến chủ quan hơn là khoa học. Nó gần như bỏ qua mọi bằng chứng hiện có. Cách tiếp cận bằng việc chấm điểm chủ quan trên 11 tiêu chí hầu như không mang ý nghĩa gì về nguồn gốc Covid-19. Một nhóm người khác cũng có thể đưa ra những kết quả khác”, David Robertson, giáo sư virus học tại Đại học Glasgow, Anh, nói.
Ông Robertson nói những nghiên cứu phỏng đoán và chủ quan có thể phản tác dụng, khi tạo nên những thông tin hiểu lầm gây hoài nghi về nguồn gốc tự nhiên của SARS-CoV-2.
Wall Street Journal hồi tháng 3/2023 đã đưa chi tiết về báo cáo mật từ Bộ Năng lượng Mỹ, cho rằng virus có thể bắt nguồn từ rò rỉ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, bộ này đánh giá thông tin trên có “độ tin cậy thấp”, trong khi Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) coi thông tin này có “độ tin cậy trung bình”.
Bạn đang xem: Thêm nghi vấn virus Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Bộ Y tế thông tin về loại virus đang lây lan tại Trung Quốc
- Lý giải biến chứng cục máu đông sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca
- Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường, Bộ Y tế hướng dẫn liều tiêm vaccine
- AstraZeneca thông báo lý do thu hồi vắc-xin COVID-19
- Từng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca, có cần xét nghiệm tìm 'cục máu đông'?
- Bộ Y tế nói về thông tin vaccine Covid-19 AstraZeneca có thể gây đông máu