Thế vận hội Olympic là gì? Olympic mấy năm 1 lần?

Thế vận hội Olympic là một sự kiện luôn được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm và mong chờ. Vậy Thế vận hội Olympic là gì, tổ chức mấy năm 1 lần?  Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về sự kiện này qua bài viết dưới đây nhé!

Thế vận hội Olympic là một sự kiện luôn được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm và mong chờ.

Thế vận hội Olympic là gì?

Thế vận hội (chữ Hán: 世運會) hay Olympic (tiếng Hy Lạp: Ολυμπιακοί Αγώνες/ Olympiakoí Agónes, tiếng Anh: Olympic Games, tiếng Pháp: Jeux olympiques), còn có tên gọi cũ là Thế giới vận động hội, hiện nay gọi là Thế vận hội Olympic. Đây là một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, là ngày hội tranh tài ở nhiều môn thể thao giữa các quốc gia trên toàn thế giới.

Thế vận hội Olympic bao gồm những gì?

Thế vận hội Olympic là gì, gồm những gì?

Thế vận hội gồm Thế vận hội mùa hè và Thế vận hội mùa đông được tổ chức xen kẽ, cách nhau 2 năm (vào các năm chẵn). Đây là một đại hội thể thao không chỉ là đua sức thể lực mà còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, hòa bình của toàn nhân loại. Tuy nhiên, thông thường, khi nhắc đến Thế vận hội Olympic, người ta thường mặc định là đang nói đến Thế vận hội mùa hè. 

Olympic được tổ chức mấy năm 1 lần?

Thế vận hội Olympic mùa hè được tổ chức 4 năm/lần bắt đầu từ năm 1896, trừ những năm diễn ra chiến tranh thế giới (như Chiến tranh thế giới thứ II). Thế vận hội mùa đông ra đời muộn hơn khá nhiều, vào năm 1924, và được tổ chức riêng cho những môn thể thao mùa đông. Mới đầu nó được tổ chức cùng năm với Thế vận hội mùa hè, nhưng từ năm 1994, Thế vận hội mùa đông và Thế vận hội mùa hè diễn ra xen kẽ cách nhau 2 năm.

Lịch sử ra đời và ý nghĩa của Thế vận hội Olympic

Thế vận hội Olympic thể thao có nguồn gốc từ Hy Lạp

Ngày hội thể thao thế giới Olympic hiện nay vốn bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao thời Hy Lạp cổ đại từ năm 776 TCN cho đến khi Hoàng đế La Mã là Theodosius I cấm đoán vào năm 394. Đại hội Olympic (cổ đại) là lễ hội nổi tiếng nhất trong bốn lễ hội quốc gia của Hy Lạp cổ đại (ba lễ hội kia là lễ Isthmian, Pythian và Nemean). Nó thường được tổ chức vào mùa hè, cứ bốn năm một lần tại đền thờ thần Zeus ở thành phố Olympia. Người chiến thắng đầu tiên trong Đại hội Olympic là Koroibos.

Thế vận hội hiện đại ngày nay được khởi xướng bởi Nam tước người Pháp Pierre Frèdy de Coubertin. Olympic được tổ chức lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã trở thành cơ quan chủ quản của Phong trào Olympic, với Hiến chương Olympic xác định cấu trúc và cơ quan có thẩm quyền của nó.

Thế vận hội Olympic là sân chơi thể thao lớn nhất hành tinh và cũng là dịp thúc đẩy hòa bình, hợp tác giữa các nước

Đại hội thể thao Olympic hiện đại bắt đầu vào năm 1896 tại Aten (Athens), Hy Lạp, hai năm sau khi nhà sư phạm và tư tưởng người Pháp - Pierre de Coubertin đề xuất rằng thế vận hội Olympic của người Hy Lạp cổ đại cần được hồi sinh để tôn vinh nền hòa bình thế giới. Cho đến ngày nay, Thế vận hội Olympic vẫn giữ được giá trị truyền thống đó khi đây là ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh, quy tụ các vận động viên giỏi đến từ hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Không chỉ tranh tài trong các môn thi đấu các vận động viên, các đoàn thể thao chính là những nhân tố góp phần thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các quốc gia, tôn vinh hòa bình, bác ái và tinh thần cao thượng của nhân loại. 

Những sự thật thú vị về Olympic

  1. Thế vận hội Olympic hiện đại diễn ra lần đầu tiên vào năm 1896 và cho đến năm 2020, đã có 31 kỳ Thế vận hội diễn ra thành công. 
  2. Ở Hy Lạp cổ đại, trong các kỳ Olympic, các vận động viên không cần phải lo lắng về vấn đề tài trợ, bảo vệ, hay trang phục... bởi họ thi đấu hoàn toàn trong tình trạng khoả thân.
  3. Thế vận hội Olympic thời cổ đại có thể kéo dài 5 - 6 tháng.
  4. Phụ nữ được phép tham gia thi đấu trong Thế vận hội Olympic kể từ năm 1900.
  5. Từ 1924 - 1992, Thế vận hội Olympic mùa đông và mùa hè được tổ chức trong cùng một năm. Ngày nay, chúng được chia ra các chu kỳ riêng biệt và được tổ chức thay thế nhau cứ hai năm một lần.
  6. Cho đến nay, mới chỉ có bốn vận động viên đã giành được huy chương cả ở Olympics mùa đông và mùa hè. Và cũng chỉ có một vận động viên người Đức là Christa Ludinger-Rothenburger, đoạt huy chương trong cùng một năm.
  7. Các ngôn ngữ chính thức của thế vận hội là Tiếng Anh và Tiếng Pháp, ngoài ra còn có ngôn ngữ chính thức của nước chủ nhà.
  8. Từ 1912 - 1948, Olympic đã từng có môn thi cho các hoạ sĩ, nhà điêu khắc, kiến ​​trúc sư, nhà văn, và nhạc sĩ... Họ cũng đã thi đấu giành huy chương trong các lĩnh vực tương ứng của họ.
  9. Trong Thế vận hội Berlin 1936, hai vận động viên nhảy sào người Nhật cùng giành được vị trí thứ hai. Thay vì thi đấu một lần nữa họ đã cắt hai huy chương bạc và đồng thành hai nửa và nối hai nửa khác nhau vào để mỗi người đều có một chiếc huy chương nửa bạc nửa đồng.

Những dấu ấn đáng nhớ về các kỳ Thế vận hội

  1. Đuốc Olympic được thắp theo cách thức cũ trong một nghi lễ cổ xưa tại đền thờ của Hera, ở Hy Lạp: Các nữ diễn viên, mặc trang phục của nữ tư tế Hy Lạp, sử dụng một chiếc gương parabol và ánh nắng mặt trời để đốt đuốc.
  2. Chúng ta thường thấy đuốc Olympic được mang bởi các vận động viên chạy tiếp sức, nhưng trên thực tế, nó đã được di chuyển bằng khá nhiều phương tiện như thuyền, trên máy bay, trên lưng ngựa, trên lưng một con lạc đà, qua tín hiệu radio, dưới nước, và trên một chiếc cano.
  3. Thế vận hội London 2012 là Olympic đầu tiên mà ở đó tất cả các nước tham gia đều gửi đến các vận động viên nữ.
  4. Năm vòng tròn biểu tượng của Olympic được thiết kế bởi Baron Pierre de Coubertin, người đồng sáng lập Thế vận hội Olympic hiện đại - đại diện cho năm châu lục sống trên thế giới. Sáu màu - xanh biển, vàng, đen, xanh lá, đỏ và nền màu trắng - được lựa chọn vì cờ của mỗi quốc gia đều có chứa ít nhất một trong số những màu này.
  5. Linh vật chính thức đầu tiên của Olympic là Waldi, chú chó giống Dachshund, xuất hiện ở Thế vận hội năm 1972 tại Munich.
  6. Thế vận hội 2016 ở Rio sẽ đánh dấu lần đầu tiên Olympic được tổ chức ở Nam Mỹ.
  7. Trong suốt thời gian 17 ngày của Olympic mùa hè 2016, 10.500 vận động viên đến từ 205 quốc gia sẽ đại diện cho 42 môn thể thao và tham gia vào 306 cuộc tranh tài ở Rio.
  8. Thế vận hội Olympic lần thứ 32 diễn ra tại Nhật Bản vào năm 2020 đã bị hoãn lại 1 năm (tổ chức vào năm 2021) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Hy vọng rằng qua bài viết trên đây, bạn đã biết được Thế vận hội Olympic là gì cũng như biết được một số fact thú vị về sự kiện thể thao quốc tế này. Để tham khảo thêm những thông tin thú vị khác về Olympic, hãy truy cập ngay META.vn nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau. 

Bạn đang xem: Thế vận hội Olympic là gì? Olympic mấy năm 1 lần?

Chuyên mục: Tra cứu thông tin

Chia sẻ bài viết