Tê bì, gai gợn ở lưỡi, dấu hiệu nhận biết sớm nhất của ung thư lưỡi
Ths.BS Hà Hải Nam - Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K, thông tin bệnh ung thư lưỡi thường gặp ở nhóm đối tượng trên 50 tuổi tuy nhiên gần đây, trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã gặp trường hợp bệnh nhân 40 tuổi đã mắc căn bệnh này.
(Ảnh minh họa).
Dấu hiệu sớm nhất của ung thư lưỡi là cảm nhận tê tê bì bì, khó chịu, gai gợn ở vùng lưỡi bị tổn thương.
Theo bác sĩ, ung thư lưỡi là căn bệnh hiếm gặp, nhiều người thường nghe đến ung thư dạ dày, ung thư gan… ít nghe ung thư lưỡi nên chúng ta thường chủ quan. Vì vậy khi có các dấu hiệu trên nhiều người cho rằng là tổn thương nhất thời như nhiệt miệng, viêm… không nghĩ là dấu hiệu báo ung thư. Giai đoạn tiếp theo của ung thư lưỡi, người bệnh có thể thấy chảy máu vùng miệng, hơi thở có mùi khó chịu, khó nói, khó nuốt, sụt cân…
Ở giai đoạn tiến triển, thể loét chiếm ưu thế, loét ăn sâu vào bên dưới và lan rộng ra xung quanh, khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội, dễ bị chảy máu và bội nhiễm.
Để phòng ngừa ung thư lưỡi, bác sĩ khuyên người bệnh cần điều trị sớm các trường hợp có vấn đề về răng như răng mọc lệch, răng mẻ… tránh gây cọ xát, tổn thương lưỡi, gây viêm nhiễm mãn tính. Người có những tổn thương vùng lưỡi như vết loét lâu lành nên đi khám sớm để được điều trị kiểm soát.
Trường hợp sau 6 tháng, vết loét không lành nên đi tầm soát ung thư vì tổn thương vết loét lâu lành là một dấu hiệu cảnh báo.
Đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư lưỡi là những người trên 50 tuổi, trong đó đa số là nam giới. Những người vệ sinh răng miệng kém, thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, có thói quen nhai trầu hoặc nhiễm virus như HPV (virus gây u nhú ở người)… Đặc biệt, nam giới mắc bệnh lý răng lợi mãn tính, mẻ răng… dù có hút thuốc lá hay không cũng làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi.
Theo thống kê, nam giới trên 50 tuổi có khả năng mắc bệnh ung thư lưỡi cao nhất, vì vậy những đối tượng này cần tầm soát sàng lọc ung thư lưỡi định kỳ ít nhất 1 lần/năm. Còn lại, những nhóm đối tượng khác như mắc bệnh răng-lợi mãn tính, hút thuốc lá, nghiện rượu… cũng nên đi tầm soát bệnh này 1 lần/2 năm.
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật: Thực trạng đáng lo ngại là đa số bệnh nhân ung thư lưỡi đến khám và phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tùy vị trí và kích thước khối u). Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.
Xạ trị: có thể xạ trị đơn thuần trong các trường hợp ung thư lưỡi giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị triệt căn trong trường hợp giai đoạn sớm. Xạ trị cũng có thể dùng sau phẫu thuật nhằm diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra có thể xạ trị tại chỗ (xạ trị áp sát) bằng cách dùng nguồn phóng xạ đặt hoặc cắm vào tổn thương ung thư tại lưỡi nhằm tiêu diệt tổn thương.
Hóa chất: Có thể dùng đường toàn thân hoặc đường động mạch lưỡi, có thể đơn hóa trị hoặc phối hợp đa hóa trị. Các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng đa hóa trị cho kết quả đáp ứng tốt hơn đơn hóa trị.
Bạn đang xem: Tê bì, gai gợn ở lưỡi, dấu hiệu nhận biết sớm nhất của ung thư lưỡi
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- 4 ''thủ phạm'' gây ra ung thư lưỡi, nhiều người Việt vẫn đang duy trì
- Đi khám vì có dấu hiệu lạ trong miệng, không ngờ nguyên nhân là ung thư
- Người đàn ông ở Sóc Trăng được cứu sống sau 2 năm bị ung thư lưỡi
- Người phụ nữ 39 tuổi phải cắt bỏ lưỡi sau khi bị ung thư giai đoạn 3, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu phát hiện bệnh mà nhiều người bỏ qua
- 9 tín hiệu cảnh báo bệnh ung thư có thể đang 'tấn công' bạn
- Đi khám do nhiệt miệng, người đàn ông được phát hiện ung thư lưỡi