Tăng trần giá vé máy bay bao nhiêu là hợp lý?

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, đối tượng bị tác động nhiều nhất của việc tăng trần vé máy bay là khách mua vé máy bay lẻ

Tại dự thảo thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa đang lấy ý kiến, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất tăng mức giá tối đa với các đường bay từ 500 km trở lên.

Cơ hội đa dạng mức giá

Theo dự thảo, với các đường bay từ 500 đến dưới 850 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều, tăng 50.000 đồng so với quy định hiện hành. Đường bay từ 850 đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, tăng 100.000 đồng. Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, mức giá tối đa 3,4 triệu đồng/vé, tăng 200.000 đồng. Với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối đa là 4 triệu đồng/vé, tăng 250.000 đồng.

Mức giá này chưa kể thuế GTGT và các khoản thu hộ doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh, giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.

Theo Bộ GTVT, mức tăng này được cân nhắc trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam; căn cứ Luật Hàng không dân dụng và Luật Giá.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc VietJet Air, cho biết ngành hàng không Việt Nam đang suy yếu về thanh khoản. Trong khi chi phí tăng cao (giá xăng dầu, giá nhân công…), các hãng hàng không quốc tế tăng giá trên 50% thì thị trường nội địa tuy tăng trưởng mạnh nhưng không vượt ra được ngoài khung giá và cũng vướng chưa phụ thu xăng dầu. Các hãng hàng không Việt Nam tuy bay nhiều nhưng vẫn không cân đối được thu - chi, loay hoay với chi phí phát sinh.

Vietnam Airlines cũng kiến nghị cần sớm triển khai bỏ giá trần nội địa để đưa giá vé máy bay về cơ chế thị trường. Còn đại diện Bamboo Airways nhấn mạnh hiện nay, giá nhiên liệu và tỉ giá, giá dịch vụ đầu vào đều tăng, trong khi giá thành vé máy bay mà cơ quan quản lý nhà nước ban hành quá lâu (từ năm 2015). Vì vậy, Bamboo Airways kiến nghị Bộ GTVT cần sớm nâng giá trần, đồng thời xem xét cơ chế phụ thu nhiên liệu trên thị trường nội địa. Về dài hạn, cần xem xét gỡ bỏ khung giá trần trên các đường bay có tối thiểu 2 hãng bay tham gia khai thác.

Đại diện Bamboo Airways khẳng định bỏ giá trần, nâng giá trần sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà là cơ hội để đa dạng các mức giá, bù đắp chi phí đầu vào phát sinh, làm thị trường vận tải hàng không phát triển lành mạnh.

Hãng hàng không Vietravel Airlines kiến nghị: "Để bảo đảm duy trì các đường bay hiện tại và mở rộng thêm đến các thành phố du lịch lớn trong nước, tăng thêm sự lựa chọn và trải nghiệm bay đến cho hành khách, hãng mong sẽ có sự thống nhất về việc điều chỉnh giá trần để vừa bảo đảm được quyền lợi dành cho hành khách vừa bảo đảm được hoạt động kinh doanh của hãng".

Tăng trần giá vé máy bay bao nhiêu là hợp lý?-1

Theo đại diện các hãng hàng không, việc tăng trần giá vé máy bay sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Trong ảnh: Du khách đến sân bay Phú Quốc. Ảnh: Tấn Thạnh.

Công ty du lịch lo lắng, đề xuất nhiều mức giá vé

Nhiều công ty du lịch bày tỏ lo lắng khi việc nới giá trần vé máy bay có thể khiến chi phí đầu vào bằng đường hàng không tăng cao hơn, từ đó ảnh hưởng đến chi phí tour du lịch. Dù vậy, phó tổng giám đốc một công ty du lịch lớn ở TPHCM cho rằng nếu các DN chủ động xây dựng sản phẩm tour và hợp tác với các hãng hàng không để có giá vé theo series booking (vé máy bay số lượng lớn, đặt trước từ 3, 6 tháng đến 1 năm) thì sẽ không bị tác động quá lớn bởi việc tăng giá.

Với các DN du lịch nhỏ, ông Samuel Phung, Giám đốc Công ty VN Bike Tour, cho biết giá trần vé máy bay tăng lên sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch nói chung và giá tour của một số công ty du lịch. Dù vậy, để ổn định giá tour không bị tác động lớn, công ty đã liên kết với DN khác, nhất là những công ty du lịch lớn khi họ đã có series booking trước đó.

Tác động của việc tăng trần vé máy bay, theo các chuyên gia và DN du lịch, đối tượng bị tác động nhiều nhất là khách mua vé máy bay lẻ, khách cá nhân tự túc mua đi ngay hoặc mua dịp cao điểm. Chị Bích Vân (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết gia đình chị hay đi du lịch, về thăm nhà và thường mua vé máy bay dạng tự túc. Do đặc thù công việc nên chị thường không sắp xếp để mua vé máy bay trước vài tháng, nên nếu trần giá vé máy bay tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí đi lại.

"Nếu tăng giá trần vé máy bay tức các hãng sẽ có nhiều mức giá vé khác nhau từ thấp đến cao. Đề xuất các hãng có thêm nhiều mức giá vé để hành khách lựa chọn, thay vì chỉ áp dụng mức giá vé cao", chị Bích Vân nói.

Ở góc độ khác, Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA) vừa đề xuất bỏ quy định giá trần nội địa đối với dịch vụ vận chuyển hàng không trong Luật Giá (sửa đổi). Bởi thị trường hàng không nội địa đang có tính cạnh tranh cao và giá dịch vụ cần được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. "Trên thị trường hoàn toàn không có đường bay nào khai thác độc quyền, khách hàng dễ tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và nhiều lựa chọn hãng bay" - đại diện VABA nói.

Theo đại diện VABA, việc bỏ giá trần không đồng nghĩa với nâng giá dịch vụ vận chuyển mà các hãng có cơ hội để thiết kế những sản phẩm khác nhau, tương ứng với mức giá khác nhau phù hợp nhu cầu khách hàng.

Bạn đang xem: Tăng trần giá vé máy bay bao nhiêu là hợp lý?

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết