Tăng giá điện liệu có làm tăng giá các mặt hàng khác?
Ở góc độ người tiêu dùng, nhiều gia đình cũng băn khoăn khi mà đúng thời điểm nắng nóng giá điện tăng 3%, mặc dù theo tính toán của EVN mức tăng là không đáng kể nhưng bà Nguyễn Thị Huyền ở đường Trường Chinh (Hà Nội) cũng băn khoăn khi mà chi phí trong gia đình sẽ bị đội lên nhất là thời điểm nắng nóng bắt đầu.
“Gia đình tôi trung bình mỗi tháng chi trả tiền điện hết hơn 1,5 triệu đồng, tuy nhiên vào thời điểm hè cũng lên tới 3-3,5 triệu. Với mức tăng luỹ tiến không biết sắp tới thì sẽ như thế nào, mỗi thứ tăng một chút cũng ảnh hưởng tới chi tiêu trong gia đình, sắp tới không biết sản phẩm khác có tăng theo giá điện không. Để tiết kiệm, gia đình cũng phải tự điều chỉnh tiết kiệm điện hơn,” bà Huyền cho biết.
Với mức tăng giá bán lẻ điện 3%, ngành Điện sẽ tăng thu thêm hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2023. Ảnh: CTV.
Cùng chung nỗi băn khoăn về khoản chi phí sẽ gia tăng hơn, bà Nguyễn Mai Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trung bình 1 tháng gia đình bà hết 2,5- 3 triệu đồng tiền điện, mùa hè dùng nhiều hết khoảng 4 triệu đồng. Theo bà Hoa, tăng giá điện lên 3% thì theo công bố của EVN không nhiều lắm, tuy nhiên thực tế khách hàng chi trả còn phụ thuộc vào thời tiết và phải hết tháng mới biết được tăng tới đâu. Việc tăng giá điện là tất yếu và người dân sẽ phải sử dụng tiết kiệm điện hơn trong bối cảnh hiện nay.
Ở góc độ DN bán lẻ, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho biết, hiện nay hệ thống siêu thị BRG phủ sóng khá rộng và lượng tiêu thụ điện năng trong 1 tháng cũng tương đối lớn. Từ 4/5 bắt đầu giá điện tăng 3%, mức tăng này được cho là khá thấp trong bối cảnh hiện nay, nhưng để đánh giá tác động của tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào tới kinh doanh và giá thành sản xuất thì cần phải có thời gian sau 1-2 tháng mới có thể đánh giá được mức tiêu hao năng lượng.
Cùng với đó, mức tiêu thụ năng lượng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nắng nóng kéo dài hay chỉ từng đợt, nếu nắng nóng nhiều kéo dài thì mức tiêu thụ năng lượng càng tăng cao, mà tính luỹ tiến theo giá bậc thang thì mức chi trả tiền điện cũng nhiều lên. Tuy nhiên, với siêu thị trong bối cảnh chung hiện nay đều mong muốn kích cầu tiêu dùng, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá thành sản phẩm nên với BRG nói riêng và các hệ thống siêu thị nói chung đều có mong muốn đưa giá sản phẩm thiết yếu tốt nhất, bình ổn đến cho khách hàng.
Việc tăng giá điện là điều tất yếu nhưng với mức tăng 3% như hiện nay cũng là sự chung tay giữa người dân và DN. Về phía hệ thống siêu thị BRG sẽ cố gắng tiết kiệm năng lượng, tiết giảm và thay thế trang thiết bị để tiết kiệm điện và vận hành được tiết kiệm, hiệu quả nhất.
Khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Công ty cổ phần Thiết bị điện MBT cũng cho biết, trung bình mỗi tháng tiền điện của DN hết khoảng hết 200 triệu đồng. Theo ông Nam, mức tăng thấp hơn dự báo và cũng hợp lý trong thời điểm này. Khi giá điện tăng 3% thì DN cũng tính toán lại các chi phí sản xuất, thiết bị cũ thì thay thế, sản xuất tránh vào khung giờ cao điểm.
Mặc dù mức tăng giá điện không cao, không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng CPI nhưng nhiều người dân lo ngại việc tăng giá điện sẽ gây ra hiện tượng “té nước theo mưa”. Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc dự án Công ty TNHH Kỹ thuật năng lượng Hoàng An cho rằng, để ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải có chính sách tổng thể để bình ổn mặt bằng giá.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, với mức tăng 3%, thì số tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ; tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ.
Đối với 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng. Có 1,822 triệu hộ sản xuất, thì bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng. Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2019 tới nay, giá điện giữ nguyên trong khi chi phí sản xuất đầu vào tăng cao. Trong 4 năm qua, EVN liên tục lỗ do chi phí sản xuất đầu vào tăng. Theo ông Long, Quyết định 24/2017 của Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân nêu rõ, khi chi phí đầu vào tăng trên 10%, EVN được tăng giá điện.
Với mức tăng như hiện nay, để bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, giá điện có thể tăng 10% so với hiện hành. Tuy nhiên, điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tới đời sống, tiêu dùng. Việc Bộ Công Thương tăng 3% giá điện đã tính toán cân nhắc kỹ, tránh tạo cú sốc, tránh điều hành chính sách giật cục. Tăng 3% giá điện sẽ giúp EVN tăng doanh thu, bớt khó khăn dù vẫn thua lỗ.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, giá điện tăng 3% là mức khiêm tốn. Mức tăng này chưa bù đắp được đà tăng giá nguyên nhiên liệu trong thời gian qua. Ông Doanh lưu ý, dù tăng khiêm tốn nhưng giá điện sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế, tác động đến người sản xuất, giá thành sản phẩm. Việc tăng giá điện gây sức ép để DN và hộ gia đình tiết kiệm điện. Cùng với đó, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại Nam Trung bộ.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Nhà nước phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá. Trước hết là yêu cầu tất cả DN đăng ký giá, kê khai giá phải báo cáo chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh của DN khi giá điện tăng 3%, tránh tình trạng điện tăng 3% thì DN cũng tăng giá thành sản phẩm tương ứng, thậm chí cao hơn. Đồng thời cần có giải pháp tránh lợi dụng việc tăng giá điện để lôi kéo các mặt hàng ở thị trường, chợ dân sinh, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…
Bạn đang xem: Tăng giá điện liệu có làm tăng giá các mặt hàng khác?
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Giá điện tăng 4,8%, lên hơn 2.100 đồng/kWh
- Từ ngày 15/5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần
- Giá điện tăng 4,5%, lên 2.006 đồng/kWh từ hôm nay
- EVN kiến nghị sớm tăng giá điện đợt 2
- Thực hư thiết bị “tiết kiệm điện” giúp giảm 40 - 50% tiền điện mỗi tháng
- Điện, nước, thực phẩm ''rủ nhau'' tăng giá giữa lúc nắng nóng