Tác dụng của rau má với sức khỏe
Rau má là loại rau dân dã được nhiều người yêu thích, dưới đây là những tác dụng của rau má với sức khỏe bạn không nên bỏ qua.
Rau má không đơn thuần chỉ là rau mà còn tác dụng như một loại thảo dược. Trong những ngày nắng nóng, nhu cầu ăn rau má càng tăng cao. Dưới đây là những tác dụng của rau má với sức khỏe:
Rau má là gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec chỉ ra, rau má (Centella asiatica) còn có tên gọi khác là tích tuyết thảo hay liên tiền thảo thường mọc ở những nơi ẩm ướt, râm mát, thung lũng, bờ mương, đất mùn tơi xốp tại các vùng nhiệt đới. Cây rau má có đặc điểm hình thái như sau:
Rễ cây rau má có màu trắng kem và được bao quanh bởi một lớp lông tơ. Rễ cây này gồm có rễ chùm ở gốc và các rễ đốt mọc ở đốt thân.
Thân nhẵn và gầy, là loại thân bò lan, màu xanh lục hoặc lục ánh đỏ, có rễ ở các mấu.
Các lá mọc ra từ cuống dài khoảng 5 - 20 cm, màu xanh, hình thận với cuống dài và phần đỉnh lá tròn, kết cấu trơn nhẵn với các gân lá dạng lưới hình chân vịt.
Hoa rau má chủ yếu là màu trắng hoặc có thể là phớt đỏ, mọc thành các tán nhỏ, tròn gần mặt đất.
Quả hình mắt lưới dày đặc, chín sau khoảng 3 tháng và toàn bộ cây, bao gồm cả rễ, được thu hái thủ công.
Rau má có nhiều tác dụng với sức khỏe.
Tác dụng của rau má với sức khỏe
Bài viết trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, người dân coi vị rau má là một vị thuốc mát, vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc, có tính chất giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, dùng chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, lợi sữa.
Ngày dùng 30 đến 40g tươi, vò nát vắt lấy nước uống hoặc sắc uống. Thuốc rau má không độc, phụ nữ có thai vẫn dùng được.
Tại một số nước, người ta chú ý nghiên cứu rau má để tìm tác dụng chữa bệnh phong và bệnh lao.
Theo tập san Societe des amis du parc botanique de Tananarive, 1941 và 1942 tại Mangat, người ta dùng rau má chữa phong có kết quả tốt hơn chế phẩm của đại phong tử. Năm 1949, Lythgoe và Tripper đã nghiên cứu tác dụng chữa phong của xentolozit.
Ngoài ra, chất chế từ asiaticozit có tác dụng chống vi trùng lao.
Ở một số nước, người ta chế rau má dưới dạng:
Viên nén chứa 0,01g rau má: Chữa các chứng giãn tĩnh mạch, chứng nặng chân do máu ở các tĩnh mạch chân chậm trở về tim. Ngày uống 3-6 viên vào bữa ăn.
Thuốc tiêm 1ml chứa 0,02g cao rau má: Chữa bỏng, vết thương do chấn thương hoặc vết phẫu thuật, các tổn thương ở da và niêm mạc (tai, mũi, họng) hoặc sản phụ. Cách 1 ngày tiêm bắp 1 ống phối hợp bôi thuốc mỡ (1% cao rau má) hoặc thuốc bột chứa 2% cao rau má.
Các đơn thuốc có rau má:
- Chữa đau bụng, đi ngoài lỏng, đi lỵ
Rau má (cả dây, cả lá) rửa sạch, thêm ít muối, nhai sống. Ngày ăn chừng 30-40g (kinh nghiệm nhân dân nhiều nơi). Có thể luộc rau má mà ăn như ăn rau.
- Chữa phụ nữ kinh nguyệt đau bụng, đau lưng
Rau má hái lúc ra hoa, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống một lần, vào lúc buổi sáng, mỗi lần hai thìa cà phê gạt ngang.
- Chữa rôm sảy, mẩn ngứa
Hằng ngày ăn rau má trộn dầu giấm hoặc rau má hái về, giã nát, vắt lấy nước, thêm đường vào mà uống hằng ngày.
Ngoài vị rau má Centella asiatica nói trên, nhiều người còn dùng vị rau má mơ, rau má họ hay thiên hồ thái Hydrocotyle rotundifolia Roxb. Loại cỏ có thân mọc bò, nhỏ, mang rễ ở những đốt, lá hình hơi tròn, mép khía tai bèo, đường kính nhỏ hơn loại trên, chừng 10-15mm, cuống dài 1-4cm, hoa nhỏ màu xanh nhạt. Quả dẹt, rộng chừng 1,5mm. Cây này mọc hoang ở những nơi ẩm thấp khắp nước ta. Nhân dân dùng toàn cây chữa bệnh gan.
Trên đây là những tác dụng của rau má với sức khỏe. Hãy thường xuyên bổ sung rau má vào chế độ ăn uống của mình nhé.
Bạn đang xem: Tác dụng của rau má với sức khỏe
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe