Sự thật rùng rợn về thảm kịch dị giáo
Phim kinh dị "Thảm kịch dị giáo" gây sốt khi ra mắt nhờ câu chuyện hấp dẫn, khéo léo cài cắm yếu tố trinh thám, giật gân. Màn hóa thân của Nicolas Cage cũng là điểm cộng, giúp tác phẩm ghi điểm với người xem.
Từ một dự án không được chú ý, Thảm kịch dị giáo (Tựa quốc tế: Longlegs) lại trở thành cú hích bất ngờ của thể loại kinh dị tại phòng vé năm nay. Tác phẩm có kinh phí vỏn vẹn chưa đầy 10 triệu USD nhưng hốt hơn 103 triệu USD khi ra mắt, hiện giữ kỷ lục là phim độc lập ăn khách nhất năm.
Tác phẩm được đánh giá cao nhờ khéo léo khai thác đề tài tâm linh kết hợp trinh thám, đồng thời cài cắm những tình tiết đậm chất rùng rợn, giật gân. Đặc biệt, diễn xuất của Nicolas Cage trong vai sát nhân cũng tạo được ấn tượng mạnh với người xem.
Kết hợp tâm linh với trinh
thám
Chuyện phim đặt bối cảnh tại bang Oregon, Mỹ vào thập niên 1990.
Lúc này, hàng loạt vụ án mạng liên tiếp xảy ra, không rõ nguyên
nhân, không tìm được tung tích hung thủ nên càng gây ám ảnh cả xứ
cờ hoa.
Thông tin duy nhất về gã sát nhân là do chính hắn để lại: Những dòng chữ mã hóa ở hiện trường vụ án và “chữ ký” Longlegs.
Nhân vật chính Lee Harker (Maika Monroe) vốn là một đặc vụ FBI trẻ tuổi nhưng quả cảm, đã theo đuổi vụ thảm sát này từ lâu. Bằng trí thông minh và sự gan dạ, cô dần phát hiện ra điểm chung của các vụ án mạng, từ đó giải mã được các bí ẩn và ngày càng đến gần hơn với con quỷ mang tên Longlegs.
Song, bản thân tính mạng của Harker cũng bị đe dọa vì sự thật phía sau các vụ án còn rùng rợn hơn cô tưởng tượng.
Tạo hình của Maika Monroe trong vai chính Lee Harker.
Thảm kịch dị giáo do Osgood Perkins đạo diễn kiêm biên kịch. Anh là con trai của cố diễn viên Anthony Perkins – nổi tiếng với vai sát nhân Norman Bates trong Psycho (1960) của Alfred Hitchcock.
Kịch bản phim được xây dựng theo hướng trinh thám. Càng lần theo dấu vết hung thủ, khán giả càng cảm thấy rợn người vì những tình tiết kinh dị, giật gân. Hướng đi này gợi nhớ nhiều tác phẩm kinh điển như The Silence of the Lambs, Cure, Zodiac, Se7en…
Do đó, phim không lạm dụng những màn jump scare, hù dọa mà chọn lối kể chậm chạp, từ tốn để thiết lập không khí u ám, rùng rợn xuyên suốt.
Đạo diễn tận dụng tốt bối cảnh, âm thanh và ánh sáng để dẫn dắt người xem bước vào thế giới tội ác. Nhà làm phim chuộng góc máy rộng, màu phim hoài cổ để làm nổi bật khung cảnh lạnh lẽo nước Mỹ thập niên trước. Anh cũng cài cắm một số tình tiết liên quan đến tôn giáo, trích dẫn Kinh Thánh để tạo chiều sâu cho câu chuyện.
Nhiều phân đoạn được dàn dựng đơn giản nhưng tạo cảm giác ngột ngạt, khó chịu. Ngay cả khi chân tướng kẻ sát nhân lộ diện, câu chuyện vẫn khiến người xem như nghẹt thở vì sự tăm tối, đáng sợ.
Phim cũng có nhiều cảnh rùng rợn, bạo lực nên bị dán nhãn T18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) khi phát hành tại Việt Nam.
Một vài hình ảnh trong phim.
Nicolas Cage gây bất ngờ
Ngoại trừ Nicolas Cage, dàn diễn viên trong phim đều là những gương mặt ít tiếng tăm. Nhưng nếu không biết, hiếm có khán giả nào nhận ra được tài tử sinh năm 1964. Bởi lẽ, ông hoàn toàn “lột xác” với tạo hình quái dị và đáng sợ trong vai kẻ sát nhân bí ẩn.
Dù không xuất hiện quá nhiều, vai phản diện Longlegs của Nicolas Cage thực sự là điểm nhấn của phim. Để hóa thân trọn vẹn nhân vật, tài tử sử dụng kỹ thuật diễn nhập tâm, thể hiện rõ từ ánh mắt, cử chỉ cho đến giọng nói.
Mỗi lần xuất hiện, gương mặt trắng bệch của Longlegs như chiếm trọn khung hình, giúp câu chuyện thêm phần rùng rợn.
Nhận được nhiều lời khen về diễn xuất nhưng Nicolas Cage lại tuyên bố đây là lần duy nhất ông hóa thân thành kẻ giết người man rợ trên phim. Trả lời phỏng vấn IndieWire, tài tử cho biết bản thân cũng cảm thấy “mệt mỏi” với vai diễn, ông “không thích bạo lực” và “không muốn vào vai những người làm tổn thương người khác”.
Nữ chính Maika Monroe – nổi tiếng với It Follows (2014) – cũng để lại ấn tượng với vai chính Lee Harker. Cô thuyết phục người xem khi trở thành một nữ cảnh sát có cảm xúc phức tạp nhưng rất gan dạ, không hề khoan nhượng trước cái ác.
Nicolas Cage để lại ấn tượng mạnh với vai kẻ sát nhân điên loạn.
Khi ra mắt, Thảm kịch dị giáo nhận "cơn mưa" lời khen từ giới phê bình, đạt chứng chỉ “Tươi” trên Rotten Tomatoes với 85% bình chọn tích cực. Tuy nhiên, phim tạo luồng tranh cãi với khán giả, chỉ đạt 6.8/10 điểm trên IMDb.
Phần lớn ý kiến đánh giá cao cách đạo diễn Osgood Perkins dàn dựng câu chuyện, diễn xuất của Nicolas Cage cũng như phần hình ảnh của phim.
Điểm trừ là kịch bản còn vài lỗ hổng. Cách giải quyết nút thắt còn đơn giản, kết phim cũng có phần gấp gáp và dễ đoán, chưa tạo được bất ngờ với người xem.
Về cơ bản, Thảm kịch dị giáo có ý tưởng không quá mới. Song, bộ phim vẫn thu hút khán giả khi chọn hướng đi gợi nhớ nhiều phim kinh điển của Hollywood.
Ngoài ra, thành tích doanh thu của phim còn đến từ chiến lược quảng bá kỳ lạ nhưng hiệu quả. Trước ngày phim ra mắt, ê-kíp liên tục tung lên mạng xã hội nhiều thông điệp bí ẩn, video ngắn chứa câu đố và mật mã… Hướng đi này tạo được sự tò mò với khán giả, phần nào giúp tăng độ phủ sóng cho dự án.
Theo Tienphong
Bạn đang xem: Sự thật rùng rợn về thảm kịch dị giáo
Chuyên mục: Giải trí