Sầu riêng vụ nghịch tăng giá: Người dân phấn khởi, chuyên gia lo ngại
Sầu riêng được giá nhưng nhiều chuyên gia lo ngại khi các nhà vườn mở rộng diện tích sầu riêng một cách ào ạt, bất chấp rủi ro về thị trường tiêu thụ.
Giá sầu riêng tăng cao, nông dân phấn khởi
Thông tin trên TTXVN, thời điểm hiện nay, nông dân vùng chuyên canh sầu riêng đang bắt đầu thu hoạch vụ nghịch trong năm. Giá sầu riêng đầu vụ đang tăng mạnh, nông dân phấn khởi bởi hứa hẹn mang lại thu nhập cao từ vườn quả chuyên canh.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) Huỳnh Tấn Lộc cho biết, thương lái đang thu mua sầu riêng Monthong với giá từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, tùy theo loại và chất lượng, tăng hơn tháng trước từ 24.000 - 30.000 đồng/kg
Trong khi đó, ông Dương Phước Hưng, Chủ tịch UBND xã Long Trung, huyện Cai Lậy cho biết, giá sầu riêng đầu vụ nghịch tăng mạnh nên nông dân phấn khởi bởi cho lợi nhuận cao, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Với năng suất bình quân đạt từ 20 - 24 tấn/ha, mỗi héc ta thu hoạch đúng thời điểm hiện nay, nông dân thu lãi ròng hàng tỷ đồng, cao nhất trong các loại cây ăn quả đặc sản của địa phương.
Long Trung hiện có gần 1.000 ha sầu riêng chuyên canh với sản lượng mỗi năm từ 20.000 - 30.000 tấn quả. Vụ nghịch hàng năm kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 - 4 năm sau thường có giá cao so với vụ thuận.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, sầu riêng là loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang.
Do vụ nghịch thường trúng mùa, trúng giá nên địa phương chú trọng chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao.
Năng suất tốt, thêm giá bán ở mức cao kỷ lục đã giúp nhiều nông dân trồng sầu riêng đổi đời. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
Dự kiến xuất khẩu sầu riêng đến hết tháng 10/2023 thu về xấp xỉ 2 tỷ USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt tới 4,21 tỷ USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,75 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, sầu riêng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm trái cây. Cụ thể, 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đi 9 quốc gia với kim ngạch trên 1,7 tỷ USD, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian qua, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với sức tiêu thụ 1,57 tỷ USD sầu riêng trong 9 tháng, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu loại quả này và tăng vài chục lần so với cùng kỳ các năm trước.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết với mức tăng vọt này, xuất khẩu sầu riêng năm nay dự tính đạt 2 tỷ USD. Đây cũng là mức kỷ lục nâng thị phần xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vượt Malaysia và Philippines ở thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng với nhu cầu của Trung Quốc vẫn đang cao, Việt Nam xuất được chính ngạch, giá sầu riêng khả năng sẽ còn duy trì ở mức ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn có thể xảy ra.
"Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, thậm chí cả Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh cho việc trồng sầu riêng. Do đó, câu chuyện cung vượt cầu có thể xảy ra trong tương lai, kéo giá sầu riêng giảm lại, thậm chí giảm nhiều nếu thị trường tiêu thụ chủ lực là Trung Quốc hạn chế mua", ông Nguyên nói.
Trong khi đó, theo một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, chưa kể đến thị trường Trung Quốc "ăn" ít hay nhiều, việc phát triển diện tích sầu riêng ào ạt, bất chấp như hiện nay cũng mang đến những rủi ro trước mắt.
Vì ngoài đầu tư lớn, sầu riêng thường chỉ cho năng suất tốt ở những vùng đất, thổ nhưỡng phù hợp. Loại cây này khó chiều, không chịu được nước, ngập và rất hay bệnh chết vào mùa mưa nếu nhà vườn không có giải pháp xử lý mầm bệnh tốt.
10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD
Theo Công Thương, sau mức sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 9 (giảm 6,3%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,82 tỷ USD, tăng 5,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 5,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 77,09 tỷ USD, giảm 4,1%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 214,19 tỷ USD, giảm 8,1%, chiếm 73,5%.
Trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%).
Bạn đang xem: Sầu riêng vụ nghịch tăng giá: Người dân phấn khởi, chuyên gia lo ngại
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Sầu riêng Black Thorn 600.000 đồng/kg là thật hay ảo?
- Có loại sầu riêng trồng ở nước ta trước giá hơn 2 triệu/quả, nay giảm một nửa
- Sầu riêng Musang King loạn giá
- Sầu riêng tăng giá, thương lái đi lùng mua từng quả
- Trung Quốc chi 2 tỷ USD mua gom về ăn, sầu riêng ở chợ Việt giá quá đắt
- Đua nhau mua hạt giống hồng “lạ”, có người mua vài trăm hạt về trồng