Sau khi uống rượu, gan mất bao lâu để có thể đào thải hết

Gan là cơ quan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi rượu. Dù chỉ uống xã giao hay lỡ chén vào ngày nghỉ, rượu vẫn gây hại cho gan.

Nhiều người tự hỏi liệu một tháng không uống rượu có đủ để khôi phục gan của bạn trở lại bình thường hay không? Đúng là việc ngừng uống rượu trong bất kỳ khoảng thời gian nào cũng sẽ có lợi cho tổng thể, một số nghiên cứu cho thấy chức năng gan bắt đầu cải thiện chỉ sau hai đến ba tuần.

Nhưng cần phải giải độc hoàn toàn để có lợi ích nhất và thời gian giải độc phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân.

Chuyên gia về gan TS Christina Lindenmeyer, giải thích rằng: "Điều đó phụ thuộc vào mức độ tổn thương đã xảy ra. Và liệu có bất kỳ biến chứng nào liên quan đến tổn thương hay không?".


Sau khi uống rượu, gan mất bao lâu để có thể đào thải hết-1Uống quá nhiều rượu bia, chất độc không thể thoát ra mà tích tụ trong gan làm gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Ảnh minh họa.

Phải mất bao lâu để gan giải độc rượu?
Mốc thời gian giải độc gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:

- Lượng rượu tiêu thụ.

- Tần suất uống rượu.

- Bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác mà bạn có thể mắc phải.

- Tuổi.

- Cân nặng.

"Không có câu trả lời nào đúng với tất cả mọi người. Thời gian này phụ thuộc vào mức độ tổn thương đã xảy ra và bất kỳ biến chứng nào có thể xảy ra", TS Lindenmeyer nói.

Như vậy, việc nghỉ vài tuần sẽ có ích, nhưng bạn càng kiêng rượu càng lâu thì càng tốt. Và nếu gan đã bị ảnh hưởng lâu dài, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn kiêng rượu suốt đời để gan có thể giải độc và phục hồi hoàn toàn.

"Đối với những bệnh nhân bị xơ gan sau khi gan bị tổn thương nghiêm trọng do rượu, ngay cả một ly rượu cũng gây độc cho gan", TS Lindenmeyer cảnh báo.

Thông thường, sau 1 giờ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (tương đương 10gr cồn nguyên chất), tương đương 220ml bia (2/3 chai nồng độ cồn 5%), tương đương 100ml rượu vang (nồng độ cồn 13,5%), tương đương 30ml rượu mạnh (nồng độ cồn 40%).

Để đào thải hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất khoảng 2 giờ nữa. Ngược lại, đối với những người có gan yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm thì việc đào thải cồn sẽ lâu hơn. 

Dân Trí dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết, tốc độ đào thải chất cồn của mỗi người là khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

"Vấn đề ở đây không phải là uống bao nhiêu để không may bị thổi nồng độ cồn không lên hay để phạt ít tiền nhất mà đã uống đồ uống có cồn thì không tự lái xe. Đây là biện pháp rất tốt để tránh hiện tượng uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn cho chính mình và cho người xung quanh", PGS Thịnh nói.

Theo ông, có người uống 1-2 hớp đã say, có người phải uống rất nhiều nên không có con số chung cho tất cả. Chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản là đã uống rượu bia thì không tự lái xe.

"Nếu tối, chúng ta uống 1-2 lon bia tại nhà thì sáng hôm sau thường sẽ không còn cồn vì cơ thể phân hủy ngay, trừ trường hợp uống quá nhiều", PGS Thịnh phân tích.

Theo Healthline, rượu bia là một chất gây nghiện có "tuổi thọ" ngắn trong cơ thể. Khi rượu đã đi vào máu, cơ thể bạn sẽ chuyển hóa một lượng rượu nhất định mỗi giờ, tùy thuộc vào từng cá nhân và các yếu tố khác như kích thước và trọng lượng gan.

Cơ thể bạn chuyển hóa rượu bia với tốc độ không đổi, khoảng một ly mỗi giờ. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi phần nào dựa trên loại rượu bạn uống, sức khỏe thể chất hoặc khuynh hướng di truyền của bạn.

Rượu bia hủy hoại gan thế nào?

Sau khi uống rượu, gan mất bao lâu để có thể đào thải hết-2Khi rượu bia vào cơ thể, chỉ khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường tiểu, mồ hôi và hơi thở, 90% còn lại sẽ đến thẳng gan. Ảnh minh họa.

Khi rượu bia vào cơ thể, chỉ khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường tiểu, mồ hôi và hơi thở, 90% còn lại sẽ đến thẳng gan. Tại đây, chất cồn từ bia rượu sẽ được tế bào gan xử lý, tiến hành quá trình khử độc.

Tuy nhiên, khả năng của gan chỉ có hạn, chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ. Nếu nồng độ cồn trong máu càng cao thì thời gian xử lý càng lâu.

Các chuyên gia trên thế giới cho biết, chất cồn vào cơ thể ở mức an toàn là một đơn vị mỗi ngày, trong đó một đơn vị = 25 ml thức uống có cồn 40 độ, hoặc 50 ml thức uống có cồn 20 độ. Nếu vượt quá, tế bào gan hoạt động quá tải, cồn trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde - chất rất độc không chỉ với gan mà còn cả thần kinh, thị giác, dạ dày, đường tiêu hóa, tích tụ lại ở lá gan.

Khi đó, những tác hại bắt đầu xảy ra. Ba căn bệnh chủ yếu về gan mà những người uống rượu bia gặp phải là: gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan. Lâu ngày, các tế bào gan bị phá hủy dẫn đến ung thư gan.

Vnexrpess, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thành Lý - Hội Gan mật TP HCM cho biết, theo thống kê, 90% người thường xuyên dùng rượu bia bị gan nhiễm mỡ. 

Gan nhiễm mỡ là hiện tượng tích mỡ trong tế bào gan. Biểu hiện bệnh là luôn cảm thấy thèm ăn, béo bụng, cao huyết áp, tiểu đường. Tình trạng này có thể thoái lui khi bệnh nhân ngưng uống. Ngược lại, nếu vẫn tiếp tục uống rượu nhiều, nó sẽ tiến triển dần đến bệnh viêm gan.

Viêm gan do rượu thể nhẹ thường không có triệu chứng, nếu có chỉ là sự phát hiện bất thường men gan trong máu. Một số trường hợp trở nên mạn tính, gây phá hủy dần tế bào gan, cuối cùng dẫn đến xơ gan. Thể nặng hơn là có triệu chứng mệt mỏi, có dấu hiệu vàng da, đôi khi đau vùng gan. Viêm gan cấp sẽ có biểu hiện rõ ràng hơn: bệnh nhân nhanh chóng dẫn đến cơn hôn mê gan, vàng da sậm, rối loạn đông máu, suy giảm nhận thức, hôn mê, xuất huyết đường tiêu hóa, tỷ lệ tử vong cao.

Xơ gan là tình trạng xơ hóa dần mô gan bình thường. Quá trình này còn diễn tiến tăng dần, mô xơ ảnh hưởng đến cấu trúc bình thường và sự tái tạo của tế bào gan, theo thời gian, gan mất dần chức năng. Các mô xơ còn có tác hại làm ngăn cản lưu thông bình thường của dòng máu chảy đến gan. Sự hình thành mô sẹo là vĩnh viễn, không thể phục hồi.

Lúc đầu, việc mất một vài tế bào gan không gây ảnh hưởng gì đến bệnh nhân, không có triệu chứng xuất hiện. Khi tế bào gan bị hủy hoại càng nhiều, mô xơ tăng lên, bệnh bắt đầu có triệu chứng tương tự như bệnh viêm gan. Điểm khác biệt chỉ là ở chỗ các tiến trình của xơ gan diễn biến một cách chậm chạp hơn. Ở những người xơ gan nặng, hội chứng tăng áp tĩnh mạch cửa thường xuất hiện với các triệu chứng: báng bụng, tuần hoàn bàng hệ... Nguy hiểm nhất của xơ gan là một trong những nguy cơ lớn nhất gây ung thư gan.

Để phòng ngừa các bệnh về gan, các chuyên gia đều cho rằng, điều quan trọng nhất là phải từ bỏ rượu bia. Với những người nghiện rượu, có thể bắt đầu bằng việc giảm lượng rượu trong tuần. Bệnh nhân cần được tư vấn về chế độ ăn uống, bổ sung vitamin và khoáng chất, giảm bớt các loại thuốc, thực phẩm có hại cho gan, chọc hút dịch, dùng thuốc lợi niệu và kháng sinh cho những bệnh nhân bị báng bụng. Khi gan không còn hoạt động nữa chỉ còn một biện pháp duy nhất là ghép gan.

Mức rượu bia cho phép vào cơ thể như sau: Nam giới chỉ uống không quá 4 đơn vị một ngày và dưới 21 đơn vị một tuần. Nữ giới hạn là 3 đơn vị một ngày và 14 đơn vị một tuần. Phụ nữ mang thai hoàn toàn không nên uống. Thai phụ cá biệt vẫn sử dụng rượu, thì phải dưới 1-2 đơn vị một tuần và không được say.

Theo Đời Sống Pháp Luật

Bạn đang xem: Sau khi uống rượu, gan mất bao lâu để có thể đào thải hết

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chủ đề:

Chia sẻ bài viết