Sai lầm trong chữa ung thư khiến người bệnh trả giá đắt
Được chẩn đoán ung thư nhưng thay vì tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh tự ý chữa theo các phương pháp trên mạng, bỏ lỡ “giai đoạn vàng” trong điều trị.
Phát hiện ung thư dạ dày năm 2019 sau một lần tình cờ đi khám bệnh, bệnh nhân L.T.A. (khi đó 81 tuổi, ở TP Uông Bí, Quảng Ninh) được bác sĩ tư vấn nhập viện điều trị.
Tuy nhiên bà đã từ chối phẫu thuật vì sợ và về nhà tự chữa bằng các bài thuốc nam. Chỉ đến khi bệnh chuyển biến xấu, bệnh nhân mới vào viện trong tình trạng đau bụng nhiều, nôn, gầy yếu và sụt cân.
Người bệnh được chẩn đoán ung thư dạ dày lan rộng biến chứng hẹp môn vị trên nền tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường. Bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày, kèm theo vét hạch.
Các bác sĩ cho biết sau khi phát hiện bệnh, nếu bà A. nhập viện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản hơn, khả năng phục hồi, tiên lượng cũng sẽ tốt hơn nhưng người bệnh lại từ chối điều trị.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện
Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh).
Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng và di căn, bà A. mới nhập viện. Lúc này, tuổi đã cao (84 tuổi) cùng nhiều bệnh lý nền, gây khó khăn trong điều trị. Bên cạnh đó, khả năng hồi phục sau phẫu thuật cũng rất khó khăn.
Chị T.M. (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cũng là trường hợp tương tự của việc từ chối điều trị ung thư theo khoa học. Vốn có sức khỏe ổn định nên năm 2013, nhận kết quả mắc ung thư, chị rất bàng hoàng.
Lúc này, bác sĩ chẩn đoán chị mắc ung thư giai đoạn sớm, khối u nhỏ và lành tính. Tuy nhiên. chị không điều trị tại bệnh viện mà về nhà uống thuốc nam. Chị cũng thực hiện việc bỏ đói tế bào ung thư (một năm ăn chay 4 tháng chỉ uống nước lọc, ăn cháo và muối trắng) với hy vọng tiêu diệt được các tế bào ung thư.
Tuy nhiên sau một thời gian, tháng 5/2021, khối u biểu hiện bất thường, vỡ, chảy máu, mủ và hoại tử. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ đánh giá bệnh đã ở giai đoạn muộn, khó kiểm soát.
“Lúc này, sức khỏe suy sụp, người không còn khả năng chống đỡ, tôi bắt buộc nhập viện điều trị”, chị nói.
Lúc nữ bệnh nhân nhập viện, bác sĩ thông báo ung thư đã tiến triển tới giai đoạn cuối, khối u đã xâm lấn sang cơ, có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử…
“Tôi hối hận bỏ lỡ cơ hội khỏi bệnh, đừng ai dại dột như tôi”, chị T.M. cho biết.
Gần 20 năm theo đuổi ngành y, BS Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, chia sẻ điều khiến các bác sĩ lo ngại nhất là người bệnh không tin tưởng vào phác đồ điều trị. Thay vào đó, họ tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian, lời mách trên mạng.
BS Hà Hải Nam gặp nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư kiêng cữ không khoa học. Họ áp dụng cách “bỏ đói tế bào ung thư”, không ăn thịt đỏ, đậu nành, đường… chỉ dùng nước pha chế từ các loại lá. Họ tin nước đó có thể giúp thanh lọc cơ thể và loại trừ ung thư.
“Theo tây y, để tiêu diệt tế bào ung thư, các bác sĩ sẽ dùng các phương pháp trong đó có mổ, xạ trị hóa chất, sau này có thêm điều trị miễn dịch… Đây là các vũ khí chính diệt ung thư. Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng tin hoàn toàn vào bác sĩ, khoa học”, BS Nam chia sẻ.
BS Hà Hải Nam thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ phân tích các loại nước người bệnh dùng có thể có khả năng nâng đỡ miễn dịch, tăng cường thể trạng khiến bệnh nhân thấy khỏe hơn. Người bệnh nghĩ như vậy là khỏi ung thư, tế bào ung thư đã hết.
Thực tế, tế bào ung thư vẫn còn. Sau 3, 4 tháng hoặc dài hơn, tế bào ung thư đã lan tràn khắp nơi. Lúc này, bệnh rơi vào giai đoạn muộn, người bệnh quay lại bệnh viện điều trị, việc điều trị khó hơn rất nhiều.
Đồng quan điểm, TS.BS Nguyễn Quang Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), thông tin rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư thường tới bệnh viện ở giai đoạn muộn.
Một số người đã tự điều trị thuốc nam tại nhà. Khi bệnh tiến nặng tới viện đã ở giai đoạn 4, bệnh nhân rất hoang mang, nhập viện để điều trị.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân để phát hiện sớm ung thư, cần khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần.
Hiện nay, xã hội có rất nhiều quan điểm điều trị ung thư, trong đó có những thông tin không đúng khoa học. Tuy nhiên, người bệnh cần tin tưởng và thực hiện theo phác đồ điều trị ung thư của bác sĩ.
Việc sử dụng thuốc nam hay sản phẩm chức năng… là phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng về tác dụng điều trị ung thư.
Việc tự ý điều trị nhiều khi sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc như chẩn đoán muộn khiến người bệnh bỏ lỡ “giai đoạn vàng” của việc điều trị. Việc điều trị muộn có thể tốn kém kinh tế hơn, tiên lượng kém hơn.
Do vậy, khi cảm thấy có những bất thường, bệnh nhân nên tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám sớm, điều trị kịp thời.
Bạn đang xem: Sai lầm trong chữa ung thư khiến người bệnh trả giá đắt
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày làm tăng thành phần 'chống ung thư' trong máu nhưng cần tránh 2 sai lầm
- Vì sao giảm cân đột ngột là triệu chứng ‘báo’ ung thư
- Nữ diễn viên Hàn Quốc từng qua đời vì ung thư dạ dày tuổi 35, căn bệnh nguy hiểm đến mức nào?
- Nếu có 5 đặc điểm này thì chứng tỏ nguy cơ ung thư cực cao
- Lưỡi bỗng xuất hiện đốm trắng có thể là dấu hiệu của 3 thứ bệnh, đặc biệt là loại ung thư nguy hiểm này
- Hệ lụy ăn chay 'bỏ đói tế bào ung thư'