Sai lầm tai hại khi dùng thuốc hạ sốt ở bệnh nhân COVID-19: Chuyên gia chỉ cách dùng đúng
Việc sử dụng thuốc hạ sốt ở bệnh nhân COVID-19 cần phải làm đúng theo chỉ định của bác sĩ để tránh những biến chứng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, người từng tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng, việc dùng thuốc hạ sốt ở bệnh nhân F0 rất quan trọng, nếu không dùng đúng cách có thể gây ngộ độc, suy gan với tỉ lệ tử vong cực kỳ cao.
Bác sĩ Dũng cho biết trên thực tế, nhiều F0 dù chưa có biểu hiện sốt nhưng vẫn uống thuốc hạ sốt để "phòng". Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm.
Thuốc hạ sốt được dùng để kiểm soát nhiệt độ và hạn chế những biến chứng gây ra khi nhiệt độ cơ thể tăng quá cao. Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến nhất. Tuy nhiên, theo bác sĩ Dũng, khi sử dụng Paracetamol, mọi người cần làm đúng theo chỉ định và liều lượng khuyến cáo để đạt hiệu quả hạ sốt cũng như giữ an toàn cho sức khoẻ.
Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt Paracetamol
Chỉ sử dụng khi bạn bị sốt trên 38,5°C hoặc đau đầu, đau mỏi cơ quá nhiều.
Cách dùng: Uống 1 liều 10 - 15mg x số kg cân nặng (ví dụ: bệnh nhân nặng 50 kg, có thể uống 1 - 1,5 viên thuốc 500mg).
Tuy nhiên, tốt nhất chúng ta chỉ nên khởi đầu với liều 10mg/kg để hạn chế độc tính của thuốc.
Nếu đã uống thuốc mà vẫn sốt cao trên 38,5° C, người bệnh nên dùng những cách hạ nhiệt độ khác như dán miếng hạ sốt; lau/chườm bằng khăn ấm trán, ngực, nách, tay, chân... Tuyệt đối không được dùng khăn lạnh vì sẽ làm co mạch, khiến cơ thể không thoát được nhiệt.
Liều thứ 2 được dùng sau liều thứ nhất ít nhất 6 giờ. Một ngày không được uống quá 4 liều (xấp xỉ 4 - 6 viên 500mg đối với bệnh nhân cân nặng 50kg).
Có thể tăng liều lên 15mg/kg nếu sốt quá cao (trên 39,5 độ C) khi đã sử dụng liều 10mg/kg cân nặng và các biện pháp lau/chườm nhưng không hạ được nhiệt độ. Tuy nhiên, 2 liều phải cách nhau 6 giờ, tuyệt đối không được uống sớm hơn.
Đối với trẻ em, bác sĩ Dũng đặc biệt lưu ý cũng tính liều dùng Paracetamol giống như người lớn với 10 - 15mg/kg cân nặng. Các phụ huynh nên dùng thuốc hạ sốt dành riêng cho trẻ em ở dạng bột (thường được đóng gói sẵn ở các liều 80mg, 150mg, 250mg). Cần tính chính xác cân nặng của con, chọn liều lượng thích hợp và pha với 30ml nước ấm rồi cho con uống.
Nếu trẻ không thể uống được, có thể dùng dạng thuốc hạ sốt đặt hậu môn. Mỗi lần dùng thuốc cho trẻ cũng phải cách nhau tối thiểu 5 - 6 giờ.
Bác sĩ Dũng nhấn mạnh tuyệt đối không lạm dụng thuốc hạ sốt đặt hậu môn vì loại thuốc này nếu sử dụng quá nhiều có thể gây ra các biến chứng rối loạn bài tiết phân, ví dụ như tiêu chảy.
Không phải ai cũng dùng được Paracetamol
Những người có tiền sử dị ứng với Paracetamol, có bệnh lý cấp tính về gan như ung thư gan, viêm gan virus đang giai đoạn cấp tính hoặc đang điều trị tổn thương gan tuyệt đối không được sử dụng Paracetamol.
Bệnh nhân có bệnh lý về gan nhưng không trong giai đoạn cấp tính phải giảm liều và thời gian dùng Paracetamol. Với người lớn, không được dùng thuốc liên tiếp quá 10 ngày, trẻ em không được quá 5 ngày.
Với những người không dùng được Paracetamol có thể xin ý kiến của bác sĩ để dùng các thuốc khác có tác dụng tương đương như:
- Ibuprofen 400mg: Uống 2 viên/ngày, sáng 1 viên, tối 1 viên (cách nhau 12 giờ), không được dùng quá 1200mg/ngày (3 viên).
Thuốc có rất nhiều tác dụng phụ, chỉ dùng khi không thể sử dụng Paracetamol.
- Aspirin 100mg: Uống liều 10 - 15mg/kg cân nặng mỗi 6 giờ. Một ngày không được uống quá 3.500mg.
Tuy nhiên, bệnh nhân phải kiểm soát được nguy cơ rối loạn đông máu trước khi sử dụng thuốc. Thêm vào đó, thuốc này có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày nên phải uống sau khi ăn no, hoặc uống kèm thuốc giảm tiết dịch dạ dày như: Esomeprazole (Nexium Mup) 40mg x 1 viên/ngày.
- Thuốc kháng viêm không Steroids (NSAIDS) như Meloxicam (Mobic), Piroxicam (Feldene) cũng có tác dụng hạ sốt nhưng hiệu quả không cao, chỉ dùng trong thời gian ngắn (1 - 2 ngày) ở một số trường hợp đặc biệt.
Nếu sau 5 - 7 ngày, bệnh nhân vẫn chưa hết sốt cao (trên 38.5°C) thì ngoài việc cân nhắc đổi hoặc kết hợp thuốc, người bệnh phải liên hệ bác sĩ để được khám và tìm cách hạ sốt khác để tránh nguy cơ bị bội nhiễm.
Theo bác sĩ Dũng, nếu đã tiêm đủ các liều vaccine ngừa COVID-19 thì nếu có nhiễm bệnh, các triệu chứng cũng ít nghiêm trọng hơn. Do đó, bệnh nhân hãy bình tĩnh, lắng nghe các triệu chứng của cơ thể và ứng phó đúng theo chỉ định của các bác sĩ, tránh tự ý sử dụng thuốc hạ sốt bừa bãi gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra, bệnh nhân COVID-19 cần ăn uống đủ chất, tăng cường ăn rau củ quả, sinh tố trái cây, kết hợp nghỉ ngơi điều độ, tập luyện nhẹ nhàng, hạn chế vận động quá sức và uống nhiều nước để cơ thể hồi phục nhanh nhất.
Bạn đang xem: Sai lầm tai hại khi dùng thuốc hạ sốt ở bệnh nhân COVID-19: Chuyên gia chỉ cách dùng đúng
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Nhờ em trai 5 tuổi pha thuốc hạ sốt, cô gái 19 tuổi nguy kịch
- Ngày 6/1, có thêm 16.472 ca COVID-19 mới, riêng Hà Nội 2.716 ca
- Bộ Y tế: Nguy cơ Omicron lây lan ra cộng đồng là rất lớn
- Nhóm người nếu mắc COVID có nguy cơ trở nặng rất nhanh: Vẫn nhiều người chưa tiêm vắc xin
- Cảnh báo đáng ngại về Flurona, tình trạng mắc COVID-19 và cúm cùng lúc có thể gây thảm họa
- Ngày 5/1, Hà Nội tiếp tục ghi nhận 2.506 ca mắc Covid-19 mới, 594 ca tại cộng đồng